Không gián đoạn việc tiêm vắc xin Quinvaxem
Mấy ngày gần đây, thông tin Bộ Y tế sẽ ngưng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo ngại. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, hiện nay, việc tiêm vắc xin Quinvaxem vẫn diễn ra bình thường, không gián đoạn. Các bậc phụ huynh cần tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để trẻ em không bị mắc các bệnh nguy hiểm.
Tiêm vắc xin cho trẻ tại Trạm Y tế Phường 7 (TP.Vũng Tàu) |
Trước thông tin ngành y tế sẽ ngưng sử dụng vắc xin Quinvaxem, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, ngụ tại phường 10, TP.Vũng Tàu băn khoăn: “Con tôi đã tiêm 2 mũi vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem. Mới đây, tôi nghe thông tin vắc xin Quinvaxem đã bị ngưng sử dụng. Theo lịch, ngày 25-4 tới, con tôi phải tiêm mũi thứ 3. Nhưng hiện nay, tôi chưa biết ngành y tế sẽ dùng loại vắc xin nào để thay thế Quinvaxem”.
Tương tự, anh Bùi Đức Hải, ngụ tại phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu lo âu: “Con tôi đã tiêm được 1 mũi vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem. Theo chỉ định, con tôi còn phải tiêm 2 mũi nữa. Tôi đang lo loại vắc xin mới chất lượng có tương đương với Quinvaxem hay không và khi nào thì triển khai”.
Trước những lo lắng của phụ huynh, ngày 6-4, trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Đến thời điểm này, Bộ Y tế chưa có thông báo chính thức về việc ngưng sử dụng vắc xin Quinvaxem. Hiện nay, các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tỉnh BR-VT vẫn còn nguồn dự trữ vắc xin Quinvaxem. Do vậy, việc tiêm vắc xin Quinvaxem vẫn diễn ra bình thường, không gián đoạn. Các bậc phụ huynh cần tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, để trẻ em không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Khi nào Bộ Y tế có thông báo chính thức về vắc xin Quinvaxem, ngành y tế tỉnh sẽ thông báo kịp thời cho người dân biết.
Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết thêm: Ghi nhận trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ trẻ bị biến chứng sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem rất thấp và hoàn toàn có thể phòng tránh. Sau khi tiêm vắc xin, tùy thuộc vào cơ địa, trẻ sẽ có những phản ứng khác nhau, trong một số trường hợp phản ứng có thể nặng và gây nguy hiểm đến trẻ. Do đó, quan trọng là công tác theo dõi, xử lý sau tiêm phải được thực hiện nghiêm ngặt để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Thời gian qua, ngành y tế đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế về tiêm phòng, đồng thời kiểm tra sát sao quy trình tiêm và theo dõi sau tiêm chủng tại các cơ sở y tế. Nhờ đó, tất cả trẻ bị phản ứng sau khi tiêm vắc xin đều đã được xử lý kịp thời. Bình quân mỗi năm, trên địa bàn tỉnh ghi nhận khoảng 150 trẻ bị phản ứng sau tiêm vắc xin, nhưng không có trường hợp xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Ngành y tế khuyến cáo, sau khi tiêm ngừa, trẻ cần được theo dõi tại trạm y tế hoặc trung tâm y tế 30 phút. Sau khi trẻ về nhà, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi trẻ liên tục trong 24 giờ. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được y, bác sĩ thăm khám.
Trước đó, ngày 27-3, trao đổi với báo chí, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem, nguyên nhân là do nhà sản xuất Berna Biotech (Hàn Quốc) không tiếp tục sản xuất loại vắc xin này. Hiện nay, Bộ Y tế đã có kế hoạch chọn loại vắc xin mới tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh để thay thế. Loại vắc xin thay thế sẽ được thí điểm trước khi đưa vào sử dụng chính thức. Dù lựa chọn loại vắc xin nào thay thế đi chăng nữa thì vẫn phải bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi loại vắc xin mới, Bộ Y tế sẽ triển khai tập huấn và hướng dẫn trên toàn quốc thật kỹ lưỡng.
Bài, ảnh: MINH THIÊN
Vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem là vắc xin phối hợp ngừa cùng lúc 5 loại bệnh quan trọng có khả năng gây tử vong hoặc tàn tật như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib (viêm phổi - viêm màng não mủ do Haemophyllus influenza type B), đã được Tổ chức Y tế Thế giới kiểm định về chất lượng. Vắc xin Quinvaxem được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6-2010. |