Nan giải tìm nghề thủ công phù hợp cho người mù
Nhằm hỗ trợ hội viên học nghề và có việc làm với thu nhập ổn định, hàng năm các cấp Hội Người mù trong tỉnh đã phối hợp với Sở LĐTBXH tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn, phù hợp với người mù như: Làm bàn chải, kết hạt cườm, se nhang. Tuy nhiên, những sản phẩm thủ công của người mù chưa có đầu ra ổn định, cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.
Theo Quyết định số 2712/QĐ-UBND ngày 10-11-2015 của UBND tỉnh về việc ban hành danh mục nghề và mức chi phí hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, người mù là một trong những đối tượng được tham gia các lớp học nghề. Cụ thể, người mù trong độ tuổi từ 14-55 (đối với nữ) và 14-60 (đối với nam) được đào tạo về tin học, kết hạt cườm, se nhang, đàn organ, làm bàn chải. Ngoài mức phí hỗ trợ cho mỗi khóa học, người mù còn được hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 580 người mù, đa số là người già và trẻ em. Một số sau khi tham gia các lớp học nghề đã có việc làm nhưng các sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ, chủ yếu dựa vào sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức.
Sau hơn 1 năm làm bàn chải sau khi tham gia lớp dạy nghề do Sở LĐTBXH phối hợp với Hội Người mù tỉnh tổ chức, đến nay bà Lý Thị Bảy (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) cùng 5 hội viên khác gần như ngừng hẳn công việc này, bởi sản phẩm làm ra không có ai mua. Hoàn cảnh gia đình bà Bảy vô cùng khó khăn. Bà Bảy đang sống với mẹ năm nay đã 84 tuổi. Ngoài số tiền trợ cấp 800 ngàn đồng của cả 2 mẹ con mỗi tháng (trợ cấp người khuyết tật và người cao tuổi), chi phí sinh hoạt hàng ngày của mẹ con bà đều nhờ vào các tổ chức từ thiện. “Trước đây, mỗi ngày làm được khoảng 10 chiếc bàn chải thành phẩm, tôi cũng kiếm được 40 ngàn đồng. Còn bây giờ, không có việc làm, sinh hoạt hàng ngày của 2 mẹ con ngày một khó khăn hơn”, bà Bảy chia sẻ.
Hội viên Hội Người mù huyện Đất Đỏ bán bàn chải nhựa tại khu phố Thanh Tân, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ. |
Theo ông Trần Văn Thìn, Chủ tịch Hội Người mù huyện Đất Đỏ, sau khi kết thúc khóa học làm bàn chải vào cuối năm 2016, Hội Người mù huyện Đất Đỏ đã phối hợp với Hội Người mù tỉnh giới thiệu sản phẩm ở một số cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ nhưng không mấy khả quan. “Lúc ấy, chỉ bán được khoảng 20 chiếc bàn chải cho một số người quen. Thấy sản phẩm làm ra không bán được, tôi đã quyết định cho hội viên tạm ngừng. Khoảng giữa năm 2017, hội tiếp tục mở lớp trở lại để hội viên không quên nghề. Hiện tại, trong kho còn gần 600 chiếc bàn chải nhựa chưa bán được trong khi số vốn để mua nguyên liệu 10 triệu đồng ứng trước từ Hội Người mù tỉnh vẫn chưa trả được”, ông Thìn nói.
Không chỉ có bàn chải, mà các sản phẩm thủ công khác như móc khóa cũng không bán được. Từ năm 2009, Hội Người mù TP. Bà Rịa đã tổ chức cho hội viên học nghề kết hạt cườm, nhưng việc bán hàng cũng tương tự như các sản phẩm nói trên. Do vậy, từ 9 hội viên tham gia khi vừa mở cơ sở sản xuất, bây giờ chỉ còn 2 hội viên làm nghề và 4 hội viên tiêu thụ sản phẩm bằng cách kết hợp với bán dạo vé số, kẹo, bánh... Một số sản phẩm móc khóa được các trường học, cơ quan, đơn vị mua với tinh thần ủng hộ với số lượng nhất định.
“Với mong muốn hỗ trợ hội viên tiêu thụ sản phẩm, Hội Người mù tỉnh đã gửi thư ngỏ đến 20 cơ quan, đơn vị để kêu gọi sự trợ giúp. Ngoài ra, hội còn trực tiếp trao đổi với đại diện các siêu thị, nhà sách để xin trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại đây nhưng chưa được chấp thuận. Hiện nay, có 7 hội viên người mù ở huyện Tân Thành muốn đăng ký học lớp làm bàn chải nhưng Hội người mù tỉnh chưa dám mở lớp do còn vướng mắc ở khâu tiêu thụ, chưa có hướng giải quyết”, bà Trần Thị Đoan Trang, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết.
Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN