Dạy học ngoại ngữ ở bậc TH còn nhiều vướng mắc
Khảo sát tình hình dạy học ngoại ngữ 4 tiết/tuần ở bậc TH, Đoàn của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập như: Thiếu GV, trang thiết bị giảng dạy, chất lượng giáo dục không đồng đều...
Một tiết học tiếng Anh tại Trường TH Hải Nam (TP. Vũng Tàu). |
GV VĂN HÓA DẠY... TIẾNG ANH (!)
Từ tình hình thực tế, Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đánh giá tình trạng thiếu GV là khó khăn lớn nhất của việc dạy ngoại ngữ 4 tiết/tuần. Nguyên nhân là do phần lớn các trường đã đủ định mức GV trước khi áp dụng chương trình tiếng Anh tăng cường. Do đó, nhiều trường không còn chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng mà chỉ có thể hợp đồng với GV theo hình thức ngắn hạn. Việc tuyển dụng GV tiếng Anh đạt chuẩn cũng không hề dễ dàng, nhất là ở địa bàn khó khăn, xa trung tâm. Bên cạnh đó là những vướng mắc trong việc trả lương GV hợp đồng.
Đơn cử, tại Trường TH Phan Đình Phùng (xã Sông Xoài, huyện Tân Thành), từ học kỳ 2 năm học 2016-2017 đến nay, nhà trường đã tổ chức dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần cho tất cả 260 HS khối 3, 4, 5. Vì chỉ có 1 GV, không đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhà trường đã chủ trương hợp đồng thêm GV nhưng không thực hiện được do không được duyệt kinh phí trả lương hàng tháng cho GV hợp đồng. Vì vậy, đến thời điểm này, GV tiếng Anh của trường đang phải dạy 36 tiết/tuần, vượt quá 13 tiết so với quy định.
Tại Trường TH Thanh Bình (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), năm học này có 590 HS với tổng số 22 lớp. Để giảng dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần, ngoài 1 GV trong biên chế, nhà trường phải hợp đồng thêm 1 GV. Tuy nhiên, do khó khăn trong tuyển dụng nên việc triển khai dạy 4 tiết/tuần không đồng bộ. Trong 8 tuần đầu năm học, HS khối lớp 3 chỉ được học 2 tiết/tuần. Thời gian tiếp theo, chỉ có HS khối 3, 4 và 1 lớp khối 5 học đủ 4 tiết, 3 lớp 5 còn lại vẫn học 2 tiết/tuần. Còn tại Trường TH Lê Minh Châu (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), toàn trường có 17 lớp khối 3, 4, 5 với 2 GV tiếng Anh đạt chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, những GV này dạy hết công suất cũng không đáp ứng được nhu cầu nên nhà trường buộc phải hợp đồng thêm 1 GV. “Do thu nhập ít ỏi, điều kiện đi lại khó khăn nên dạy được khoảng 1-2 tháng, GV hợp đồng này xin nghỉ việc. Không tuyển được GV thay thế, để “chữa cháy”, Phó Hiệu trưởng nhà trường (vốn là GV văn hóa) được điều động vào dạy tiếng Anh dù không đạt yêu cầu theo quy định”, thầy Lê Hữu Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Một tiết học tiếng Anh tại Trường TH Hải Nam (TP. Vũng Tàu). Ảnh: HOÀNG DƯƠNG |
Theo ông Phạm Duy Hiếu, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Xuyên Mộc: “Hàng năm địa phương đều tiến hành tuyển dụng GV để đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tuy nhiên, ở một số “điểm mút” như Bàu Lâm, Bình Châu, Hòa Hiệp..., việc tuyển dụng nhân sự gặp rất nhiều khó khăn. Dù huyện đã ưu tiên tuyển dụng cho những địa phương này nhưng không có người đăng ký tuyển dụng, một số trường hợp trúng tuyển nhưng không đến nhận công tác hoặc làm việc một thời gian rồi xin chuyển đi nơi khác. Chưa kể đến những trường hợp hiếm hoi đăng ký thi tuyển nhưng rớt các môn điều kiện nên không được tuyển dụng”. Bên cạnh đó, theo quy định, người làm việc theo chế độ hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế không bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước để chi trả lương và các khoản có tính chất lương. Do đó, một số trường trên địa bàn tỉnh đang phải lấy kinh phí hoạt động để tạm ứng cho GV. Ngoài ra, nhiều trường không được cấp kinh phí bổ sung để trả cho những tiết dạy tăng giờ vượt quy định cũng đang phải dùng cách này để chi trả, gây ảnh hưởng đến thu nhập tăng thêm của toàn bộ GV trong trường.
Về chất lượng giảng dạy, ông Lương Đức Đích, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh cho rằng, chất lượng GV tiếng Anh hiện nay chưa đồng đều, vẫn còn 35/316 GV chưa đạt chuẩn. Dù đã được bồi dưỡng để đạt chuẩn B2 theo quy định, việc đánh giá trình độ, chất lượng giờ dạy của GV rất khó khăn. Qua khảo sát tại một số trường, nhiều tiết học ít sinh động, giảng dạy theo phương pháp truyền thống nên không tạo được hứng thú cho HS; một số HS nghe, nói, giao tiếp còn yếu, nhất là ở khu vực nông thôn.
CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ HẠN CHẾ
Năm học này, Trường TH Phước Thắng (TP. Vũng Tàu) triển khai dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần cho 44 lớp với 1.708 HS khối 3, 4, 5. Cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, do trường lớp đang trong tình trạng quá tải nên nhà trường phải tận dụng các phòng hội trường, phòng truyền thống làm phòng học cho HS, chưa có phòng chuyên dụng cho dạy ngoại ngữ. Về trang thiết bị dạy học, nhà trường hiện chỉ có 8 cát-sét và bộ tranh ảnh, chưa có các thiết bị hiện đại khác.
Khảo sát thực tế lớp học, chúng tôi nhận thấy, do sĩ số HS quá đông (40-50 HS/lớp) nên những HS bàn đầu ngồi cách bảng chưa tới 90cm, GV khó khăn quản lý lớp học và theo dõi tình hình học tập của HS. Về thiết bị dạy học, bà Võ Ngọc Thanh Trúc, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, thành viên Đoàn khảo sát cho biết: “Qua trao đổi với HS, những em ngồi ở vị trí cuối lớp hầu như không nhìn thấy hình ảnh và chữ viết trên tranh. Về lâu dài, việc đầu tư tranh ảnh không bảo đảm sẽ gây ảnh hưởng đến thị lực của các em”. Tương tự, tình trạng trang thiết bị chưa đạt chuẩn cũng diễn ra tại Trường TH Nguyễn Du (huyện Tân Thành). Đây là một trong số ít trường được trang bị màn hình cảm ứng để dạy tiếng Anh. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Viết Tiến, nhà trường hiện có 2 màn hình do ngân sách huyện trang bị và 1 màn hình do cha mẹ HS tài trợ. Những màn hình này có kích thước tương đối nhỏ, có chiếc chỉ khoảng 40inch nên HS phải cố gắng mới nhìn thấy chữ trên màn hình.
Ông Lương Đức Đích cho biết, toàn tỉnh hiện có 70/139 trường có phòng học riêng để dạy tiếng Anh với tống số 102 phòng. Các trang thiết bị để giảng dạy phổ biến là cát-sét, sách, đĩa CD, loa, máy chiếu. Ngoài ra, có 56/139 trường có trang bị 83 màn hình cảm ứng trang bị từ ngân sách và nguồn xã bội hóa. Ông Đích nhận định, hầu hết các trường đều không được xây dựng hoặc bố trí phòng học đúng chuẩn cho học ngoại ngữ. Các phòng học ngoại ngữ đều là phòng học văn hóa nên không bảo đảm âm thanh, ánh sáng, độ cách âm. Các trang thiết bị dạy học như máy cát-sét đã lạc hậu, hư hỏng ảnh hưởng đến khả năng nghe của HS; các thiết bị dạy học hiện đại như máy tính, máy chiếu, màn hình cảm ứng chưa được đầu tư hoặc chưa đạt chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và sức khỏe HS.
TỪNG BƯỚC THÁO GỠ VƯỚNG MẮC
Qua khảo sát thực tế, Đoàn khảo sát đánh giá, khi thực hiện chủ trương dạy ngoại ngữ 4 tiết/tuần, ngành GD-ĐT và các địa phương chưa chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ GV, triển khai ở cả những trường không đủ điều kiện, gây khó khăn, bị động cho các nhà trường, GV và cả HS. Ông Lương Đức Đích, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện Đề án ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần đánh giá những kết quả đạt được cùng những khó khăn, vướng mắc để tìm ra giải pháp thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần rà soát toàn bộ hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh, có kế hoạch đầu tư, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cơ bản, cần thiết; nghiên cứu đầu tư xây dựng phòng học bộ môn ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới. Đồng thời, cần rà soát, đánh giá lại đội ngũ GV tiếng Anh theo chuẩn quy định; sớm tuyển dụng GV trong chỉ tiêu biên chế để bổ sung cho các trường và có chính sách thu hút GV cho vùng khó khăn.
Đại diện Đoàn khảo sát cũng đề xuất các địa phương thành lập tổ chuyên môn có đủ năng lực để theo dõi, đánh giá chất lượng giảng dạy; có hướng xử lý khoản kinh phí các trường đã hợp đồng GV ngoài biên chế để dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần trong năm học 2017-2018. Từ năm học 2018-2019, ngành giáo dục phải có phương án chi trả lương cho GV ngoài biên chế và kinh phí tăng giờ vượt quy định.
Ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu đề xuất bố trí đủ biên chế cho TH, bậc học mang tính phổ cập để bảo đảm chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, phải xây dựng chuẩn GV tiếng Anh ở bậc TH cho phù hợp. GV cần đạt chuẩn trình độ, có chứng chỉ sư phạm, chứ không nhất thiết phải tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng việc triển khai dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần đang ở trong giai đoạn “quá độ”, những khó khăn, vướng mắc phải được giải quyết từ từ. Theo ông Giang, không thể cho GV văn hóa nghỉ việc để tuyển GV tiếng Anh mà cần có lộ trình hợp lý. Trước mắt ngành sẽ luân chuyển GV văn hóa để ưu tiên tuyển dụng GV tiếng Anh. Về cơ sở vật chất, cùng với những nỗ lực của ngành giáo dục, cần có sự hỗ trợ của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan, các địa phương và nguồn xã hội hóa để tạo điều kiện tốt nhất cho HS học tiếng Anh 4 tiết/tuần.
Toàn tỉnh hiện có 139/139 trường TH tổ chức dạy tiếng Anh. Trong đó, số trường dạy đủ 4 tiết/tuần cho 100% HS khối 3, 4, 5 là 135/139 trường, đạt tỷ lệ 97,1%; số lớp học 4 tiết/tuần là 1.837/1866 lớp, đạt 98,4% với 59.538/60.443 HS. Đến thời điểm này, tổng số GV tiếng Anh toàn tỉnh là 316 người, trong đó số GV trong biên chế là 232 người, còn lại là GV hợp đồng. Để dạy tiếng Anh đủ 4 tiết/tuần cho HS từ lớp 3 đến lớp 5, toàn tỉnh còn thiếu 93 GV trong biên chế. Trong đó, nhiều nhất là TP. Vũng Tàu, thiếu 39 GV, kế đến là huyện Xuyên Mộc 22 GV, Châu Đức 13 GV, Tân Thành 11 GV... |
Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG