Chung tay bảo vệ nguồn nước
Những năm gần đây, trữ lượng nước trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu suy giảm do nhiều nguyên nhân như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nạo vét lòng hồ, khai thác cát trái phép... Trước thực trạng này, bảo vệ môi trường, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả là những việc cần làm ngay để bảo vệ nguồn nước.
TRỮ LƯỢNG NƯỚC CÓ NGUY CƠ SỤT GIẢM
Bà Nguyễn Thị Mẫn (thôn Gò Găng, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) trữ nước mưa vào thùng nhựa để dành xài dần. |
Theo Sở TN-MT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tổng trữ lượng nước ngầm có thể khai thác khoảng 365.405 m3/ngày, trong đó trữ lượng nước ngọt 338.258m3/ngày, nước mặn 27.147m3/ngày. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở huyện Châu Đức, với trữ lượng đạt 205.839m3/ngày, kế đến là các huyện: Xuyên Mộc, Tân Thành, Đất Đỏ. Mặc dù là đô thị lớn, nhu cầu sử dụng nước cao, nhưng TP.Vũng Tàu chỉ có trữ lượng nước khoảng 6.216m3/ngày. Với trữ lượng như hiện nay, nguồn nước mặt và nước ngầm ở BR-VT đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, hiện nguồn nước trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu sụt giảm, nếu không có biện pháp hữu hiệu bảo vệ nguồn nước thì vẫn có nguy cơ xảy ra thiếu nước trong tương lai. Đơn cử như, cách đây 5 năm, mực nước ngầm tại các khu vực Bình Giã, Xuân Sơn, Quảng Thành (huyện Châu Đức); Bông Trang, Hòa Hội, Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc)… cách mặt đất khoảng 7-8m thì hiện nay, mực nước ngầm đã cách mặt đất từ 15-17m.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, các dòng sông cung cấp nước mặt cho BR-VT chủ yếu là những sông nội tỉnh, ngắn và có lưu vực nhỏ. Nước ngầm dự trữ cũng có hạn. Trong khi đó, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, tỉnh không tránh khỏi nguy cơ thiếu nước. BR-VT cũng là địa phương chịu tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu trong những năm qua như: nhiệt độ nóng lên, nước biển dâng, xói lở bờ biển… Đặc biệt, thời gian gần đây, mùa khô kéo dài, mùa mưa đến trễ, lượng mưa suy giảm… đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.
BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC
Theo Sở TN-MT, do nhận thức về bảo vệ nguồn tài nguyên nước của người dân còn hạn chế nên đã gây lãng phí nước trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các hoạt động hàng ngày của đời sống… Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và chung tay bảo vệ nguồn nước cho người dân và DN.
Ông Phạm Quý Nhân, Phó Phòng TN-MT huyện Châu Đức cho biết, để bảo vệ nguồn nước trước nguy cơ gây ô nhiễm từ các cơ sở chăn nuôi, UBND huyện Châu Đức đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm hồ Đá Đen. Cụ thể, UBND huyện yêu cầu các phòng, ban, địa phương quản lý chặt chẽ, kiểm soát thường xuyên hoạt động xả thải của 41 cơ sở chăn nuôi có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là 16 cơ sở có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến nguồn nước hồ Đá Đen; đồng thời di dời các cơ sở chăn nuôi nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, chủ trang trại Greenfarm (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức), thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã phổ biến và khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đẩy mạnh sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun cho cây trồng lâu năm và ngắn ngày. Mới đây, trang trại của ông đã ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, qua đó tiết kiệm 40-50% lượng nước tưới so với phương pháp tưới truyền thống trước đây.
Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước, hạn chế các nguồn nhiễm bẩn xâm nhập vào tầng nước dưới đất, năm 2017, UBND tỉnh đã có chủ trương cho lấp các giếng khoan hư hỏng; xây dựng kế hoạch thu gom và xử lý rác thải tại nguồn; điều tra, đánh giá khoanh vùng những khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các vùng hạn chế khai thác nước là khu vực xã Hòa Long (TP.Bà Rịa); phường 2 (TP.Vũng Tàu); thị trấn Phước Bửu, xã Phước Tân, xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc); xã An Nhứt (huyện Long Điền) và thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức).
Bài, ảnh: QUANG VŨ