Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học: Những dự án giàu tiềm năng
Sau Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật (KHKT) dành cho HS trung học cấp tỉnh năm học 2017-2018, Ban tổ chức đã lựa chọn 6 dự án tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Đây đều là những dự án giàu tiềm năng, có tính ứng dụng cao, thể hiện tâm huyết của những nhà khoa học nhỏ tuổi.
4 DỰ ÁN Y SINH-HÓA SINH TIÊU BIỂU
Trong 6 dự án KHKT dự thi cấp quốc gia năm nay, có tới 4 dự án thuộc lĩnh vực y sinh và khoa học sức khỏe, hướng tới việc tìm giải pháp ngăn ngừa và điều trị ung thư. 2 tác giả Trần Vũ Tiến Thắng và Lê Đức Hải, HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã gây ấn tượng mạnh với Ban Giám khảo bằng dự án “Trích ly và tổng hợp thuốc nhả chậm Capsaicin@Chitosan nhằm tiêu diệt vi khuẩn Helicobacter Pylori hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày và ngăn ngừa ung thư dạ dày”. Trần Vũ Tiến Thắng chia sẻ, dự án được lấy cảm hứng từ tình yêu thương và được coi như một món quà Thắng dành tặng cho người cha quá cố của mình. Với dự án này, nhóm tác giả Tiến Thắng, Đức Hải đã trích ly hợp chất thiên nhiên Capsaicin từ quả ớt hiểm để tổng hợp thành công hệ thuốc nhả chậm Capsaicin@Chitosan. Đồng thời, các em thử nghiệm nuôi cấy vi khuẩn Helicobacter Pylori gây bệnh loét và ung thư dạ dày ở môi trường sữa và lòng đỏ trứng gà để đánh giá hiệu quả ưu việt của sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT trao Giấy chứng nhận cho các tác giả của 6 dự án được chọn tham dự cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp Quốc gia. |
Cùng chung ý tưởng chiến đấu với bệnh ung thư, 2 HS vùng xa Nguyễn Thị Minh Hương và Nguyễn Thị Quỳnh Oanh, Trường THPT Hòa Hội (Xuyên Mộc) lại lựa chọn đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học lá cây thiết đinh cà ná của phân đoạn II cao etyl axetat và thử hoạt tính gây độc tế bào ung thư vú MCF-7, ung thư gan HepG2”. Kế thừa những nghiên cứu trước đó, các em tiếp tục phân lập và tinh chế cây thiết đinh bằng phương pháp sắc ký để thu được 2 hợp chất là Apigenin, Luteolin. Khi thử hoạt tính gây độc trên 2 dòng tế bào ung thư vú và ung thư gan, 2 hợp chất này cho kết quả rất khả quan. Dự án của các em được Viện Công nghệ Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đánh giá khá cao bởi đây là lần đầu tiên 2 hợp chất được phân lập và thử hoạt tính gây độc tế bào, tạo tiền đề nghiên cứu sâu hơn về giá trị của loài dược liệu này.
Cũng với mục đích ngăn chặn bệnh ung thư, song em Phạm Ngọc Quang, HS Trường THPT Vũng Tàu lại chọn cho mình một con đường khác biệt. Trong suốt 2 năm qua, Quang đã bắt tay vào việc tính toán, tìm ra liên kết phù hợp để tạo ra loại thuốc gây độc tế bào kết dính kháng thể mới vượt trội hơn T-DM1, loại thuốc đang được sử dụng phổ biến để điều trị ung thư vú. Những phương án khả thi được em gửi tới hãng dược Roche hàng đầu trên thế giới để thử nghiệm khả năng gây độc tế bào ung thư bằng hình thức mô phỏng trên siêu máy tính. Quang khiêm nhường cho biết, may mắn đã mỉm cười với em khi chỉ 2 ngày trước cuộc thi, em đã tìm ra được liên kết tiêu diệt được 98% tế bào ung thư vú.
Ngoài ra, ở lĩnh vực hóa sinh, dự án “Ly trích và thử nghiệm hoạt tính kháng khuẩn của cao chiết cây yến bạch” của 2 HS Trịnh Tuấn Kiệt và Lương Hữu Đức, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cũng được đánh giá cao về tính ứng dụng. Dự án mở ra hướng điều chế thuốc trừ sâu sinh học từ cây yến bạch (còn gọi là cây cỏ lào), loại thực vật sẵn có trong tự nhiên.
2 DỰ ÁN KỸ THUẬT ĐỘC ĐÁO
Với mong muốn phần nào xóa đi những thiệt thòi cho người khuyết tật, Bành Đại Trí và Bùi Như Phước, 2 HS Trường THPT Nguyễn Du (Châu Đức) đã mang đến cuộc thi dự án “Xe đạp trợ lực dành cho người khuyết tật tay”. Sản phẩm của các em ra đời sau 6 tháng nghiên cứu, với chi phí khoảng 2,5 triệu đồng. Chiếc xe có khối lượng 30-35 kg với cấu tạo đơn giản, tải được 40-60 kg, vận tốc tối đa là 20km/giờ. Với chiếc xe này, người sử dụng dễ dàng có thể điều khiển một cách nhẹ nhàng và an toàn. Đặc biệt, khoảng cách từ yên xe tới bàn đạp có thể điều chỉnh để phù hợp cho người sử dụng.
Dự án “Xe đạp trợ lực dành cho người khuyết tật tay” của 2 HS Trường THPT Nguyễn Du là 1 trong 6 dự án được Ban tổ chức lựa chọn để dự thi cấp quốc gia. |
Còn ở lĩnh vực kỹ thuật môi trường, 2 HS Phan Thanh Bình và Diệp Tuấn Luân đến từ Trường THPT Trần Văn Quan (Long Điền) lại gây bất ngờ với dự án “Hệ thống giám sát, thống kê nồng độ CO2, hàm lượng bụi, nhiệt độ, độ ẩm trong không khí”. Chỉ với 760 ngàn đồng, 2 em đã chế tạo thành công thiết bị cảnh báo ô nhiễm không khí từ những linh kiện phổ biến: cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, cảm biến bụi, cảm biến đo nồng độ CO2, quạt tản nhiệt... Thiết bị có thể thống kê các chỉ số trong phạm vi 10m và tự động bật còi báo động khi có chỉ số quá ngưỡng, gây hại cho sức khỏe con người. Không chỉ vậy, hệ thống này còn được kết nối để tự bật tắt một số thiết bị như: quạt thông gió, máy sưởi... khi nhiệt độ không phù hợp. Em Phan Thanh Bình cho biết: “Với dự án này, chúng em mong rằng mọi người có thể kiểm soát được tình trạng môi trường sống, tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục kịp thời để bảo vệ sức khỏe của mình”.
Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho HS trung học cấp tỉnh năm học 2017-2018 diễn ra từ ngày 17 đến 19-1. Tham dự cuộc thi năm nay có 107 dự án của 198 HS thuộc 34 trường THCS và 23 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Các lĩnh vực có nhiều dự án tham gia: Cơ khí kỹ thuật (26 dự án), Khoa học xã hội và hành vi (20 dự án), Hóa sinh (12 dự án)… Cuộc thi cấp quốc gia sẽ diễn ra tại Lâm Đồng từ 13 đến 16-3. |
Bài, ảnh: KHÁNH CHI