.

Thế nào là thành công?

Cập nhật: 09:51, 02/02/2018 (GMT+7)

Có dạo, cộng đồng mạng xôn xao về bài luận văn của em Hà Minh Ngọc - nữ sinh lớp 10 Văn, khối chuyên THPT trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bài văn nhận được điểm 9+ của giáo viên cùng lời phê: “Cảm ơn em đã tặng cô một bài học, một lời động viên vào lúc cô cần nó nhất. Em đã thực sự thành công. Mong em tiếp tục thành công”. 

Minh họa của MINH SƠN.
Minh họa của MINH SƠN.

Với đề bài: “Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em”, bài viết của Minh Ngọc có đoạn: “Thành công là khi ba và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai ba con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đóa hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ”.

Đọc đoạn văn này, tôi vỗ đùi mình cái đét: “Đúng quá”. 

Chiêm nghiệm về lẽ sống, hạnh phúc, niềm vui, thành công ở đời, không phải ai cũng như ai. Chẳng hạn, có người do quan niệm: “Thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, tôi luôn ganh đua ngay từ nhỏ… Tôi làm gì với mớ tiền dư thừa? Tôi mua một chiếc Ferrari 430. Sau khi có xe, tôi mua nhà, khu nghỉ mát. Tôi nghĩ phải hòa nhập với những người giàu có, nổi tiếng và bắt đầu giao tiếp với mỹ nhân, người giàu sang và danh tiếng, như hoa hậu thế giới hay người sáng lập mạng Internet, ăn uống ở mọi nhà hàng”. Rồi đến lúc ngã bệnh: “Điều mâu thuẫn là mọi thứ tôi có - sự thành công, xe cộ, nhà cửa - tất cả những thứ tôi nghĩ sẽ mang đến cho tôi hạnh phúc, nhưng khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, thì chúng không mang lại một sự an ủi nào trong những tháng cuối cùng của cuộc đời tôi… Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì càng tích tụ, càng có nhiều, tôi lại muốn nhiều tiền hơn. Càng ham muốn, tôi càng trở nên mê muội. Tôi trở nên mê muội đến nỗi chẳng còn việc gì thành vấn đề đối với tôi nữa. Bệnh nhân chỉ là một nguồn lợi tức và tôi vắt cạn từng xu từ họ”. 

Trước kia, sự thành công có được là do trục lợi nỗi khổ đau, bệnh tật của người bệnh, nay đến lúc mình trở thành bệnh nhân thì sao? Hóa ra triết lý của nhà Phật mới thâm thúy làm sao: “Gieo nhân nào gặt quả đó”. Từ hoàn cảnh đó, dẫn đến một nhận thức mới: “Được huấn luyện trở thành những chuyên gia về y học nhưng chúng ta lại không hiểu bệnh nhân cảm nhận chúng ta như thế nào”. Câu này, càng ngẫm nghĩ thấy càng hay. Một khi đạt đến một mục tiêu như mong muốn, nhưng mấy ai bình tâm nghĩ đến tâm cảnh, tình cảm của đối tượng mà nhờ họ, mình mới có được thành công đó?

Trên đây tự sự của bác sĩ R.T. Keng Siang, 40 tuổi, triệu phú ngành giải phẫu thẩm mỹ ở Singapore, phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi ở đỉnh cao nhất của tiền tài, danh vọng. Rõ ràng, có những điều ta tưởng thành công nhưng chắc gì đã đúng? 

Ba của em Ngọc “không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đóa hồng” của tình yêu”. Bác sĩ R.T. Keng Siang thu về vô số tiền là sự thành công đấy chứ. Nhưng không, ông ta tự nhận đó là một thất bại vì “Bệnh nhân chỉ là một nguồn lợi tức và tôi vắt cạn từng xu từ họ”. Vậy, thành công là gì? Xin có suy nghĩ nôm na là khi làm bất kỳ một việc gì, nếu xuất phát từ lòng thành của chính mình, tận tâm tận lực hết mình, bất vụ lợi thì dẫu kết quả thế nào đi nữa cũng là một thành công.

“Người vá trời lấp bể/Kẻ đắp lũy xây thành/Ta chỉ là chiếc lá/Việc của mình là xanh” (Nguyễn Sĩ Đại). Thể hiện hết sức mình, cứ làm theo nội lực, tấm lòng, suy nghĩ của mình, dẫu không được như mong muốn đi nữa cũng là một sự thành công đấy thôi. Ít ra, mình đã thành công khi thể hiện được là mình. Đâu phải cứ cắm đầu cắm cổ chạy theo người khác, giống như người khác mới là thành công. Ai cũng có sự thành công theo cách quan niệm tích cực của họ. 

Nghĩ như thế, bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng, an lành hơn.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.