.
SỔ TAY

Hãy để trẻ sáng tạo

Cập nhật: 09:51, 02/02/2018 (GMT+7)

Hội thi thiết kế thiệp Xuân vừa được Thư viện TP.Vũng Tàu tổ chức, thu hút hơn 1.100 thí sinh, trong đó phần lớn là HS. “Đây là sản phẩm của các em nhỏ chứ không phải của người lớn. Các em HS chú ý, các em vẽ rất đẹp, không nên để thầy, cô hay cha mẹ vẽ hoặc viết vào tấm thiệp nha”, thầy Lê Đình Bình, Phó Ban thể dục ngoài giờ, Trường TH Hạ Long, người dẫn chương trình tại Hội thi liên tục nhắc các em. Tuy nhiên, bên cạnh những em tự mình làm thiệp, vẫn có một số phụ huynh, GV ở cạnh liên tục “nhắc bài”, chỉ các em vẽ hình gì, tô màu ra sao, trang trí bánh pháo ở đâu, cặp bánh chưng, cành đào Tết vị trí nào…

Chứng kiến hình ảnh trên, tôi nhớ lại câu chuyện vài ngày trước: tôi đã không biết giải thích thế nào khi cháu tôi đang học lớp 3, thắc mắc tại sao cháu tự vẽ thì bài chỉ đạt điểm 7, trong khi bài vẽ của bạn có sự hỗ trợ của anh trai học lớp 8 thì đạt điểm 9? Với chủ đề “Cảnh đẹp quê hương”, hai bé chọn vẽ ngọn hải đăng Vũng Tàu, nhưng bối cảnh và màu sắc khác nhau. Cũng bài vẽ ấy, khi tôi đưa lên nhờ một GV dạy vẽ cho thiếu nhi chấm, anh đã cho điểm bài vẽ của cháu tôi với nét vẽ nguệch ngoạc điểm cao hơn vì “đó là sự sáng tạo của trẻ”.

Trẻ em rất cần sự định hướng và chỉ dẫn của người lớn, nhưng người lớn hãy dừng lại ở việc hướng dẫn chứ đừng làm thay các em. Phụ huynh, GV đừng tạo ra những bản vẽ “đúc khuôn” giống nhau về kiểu dáng, màu sắc, mà hãy để các em được sáng tạo, thỏa sức bộc lộ những suy nghĩ của mình. Thực tế, nhiều GV vì sợ HS đạt điểm thấp khi tự làm văn, nên buộc các em phải làm theo mẫu. Vì thế, nhiều bài văn của các em giống hệt nhau theo mô típ “Nhà em có trồng một cây hoa hồng”, hoặc “Ông em tóc đã bạc, chòm râu dài”, “Mẹ em có khuôn mặt trái xoan, mái tóc ngang vai, tính tình dịu hiền”… HS nào được phụ huynh hướng dẫn viết khác đi thì thể nào bài văn cũng bị GV phê bình là: Không học bài kỹ, không viết theo thứ tự cô yêu cầu… 

Các môn văn hóa là thế, các môn nghệ thuật của trẻ cũng bị sắp đặt theo tư duy của người lớn. Tôi rất thích những bức vẽ đám mây không phải màu trắng, màu xanh mà mà da cam, xanh lá, hoặc ông mặt trời màu xanh nước biển. Tôi thích những bức tranh mà ở đó những thân cây không thẳng hàng, thậm chí to bằng tán lá phía trên… bởi đó là sự sáng tạo của trẻ. Những bức vẽ chỉn chu, tròn trịa, không một nét tô lem màu khiến tôi cảm thấy buồn, bởi sự can thiệp của người lớn.

Chuyện làm thiệp, vẽ tranh tưởng nhỏ, nhưng không nhỏ, bởi đó là sân chơi nghệ thuật, thể hiện óc mỹ thuật của các em. Áp lực học hành ở trường đã mệt mỏi rồi, GV, phụ huynh nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, từ thể thao, vẽ, hát múa… và tôn trọng, khuyến khích những sự đổi mới của trẻ, đó là cách để các em nuôi dưỡng, phát huy tư duy sáng tạo chứ không phải làm theo khuôn mẫu để đạt điểm cao. 

MINH QUANG

.
.
.