.

Tết, lại nói chuyện lì xì

Cập nhật: 18:14, 07/01/2018 (GMT+7)

Đầu tháng Chạp hằng năm, dù còn cả tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng nhiều người đã tìm cách đổi tiền mới (mệnh giá nhỏ) để lì xì. Tuy nhiên, vài năm gần đây, việc đổi tiền biến tướng thành kinh doanh, khi mà các tay đầu cơ tiền mới tung ra dịch vụ đổi tiền (cũ lấy mới) với mức phí theo tỷ lệ phần trăm. Chẳng hạn, loại tiền mệnh giá 20 ngàn đồng là chịu phí từ 20-30%, tức đưa 100 ngàn đồng tiền cũ sẽ nhận lại 80 ngàn đồng - 70 ngàn đồng tiền mới.

Không chỉ đổi VND, những năm gần đây, phong trào đổi ngoại tệ mệnh giá thấp để lì xì cũng rất phổ biến. Trên các trang mạng xã hội, không thiếu các quảng cáo đổi ngoại tệ, nhất là USD mệnh giá nhỏ, đi kèm những dòng chào mời hấp dẫn, đại loại như: “Đổi 1USD, 2USD toàn serial đẹp, lộc phát, lộc tài, bao nhiêu cũng có…”. Mặc dù đổi tiền ngoại tệ mới để lì xì chịu phí không nhỏ, nhưng người dân vẫn chịu chi để tặng con cháu theo kiểu “sính” tiền ngoại.

Đành rằng tặng tiền lì xì mới sẽ làm trẻ nhỏ vui trong những ngày Tết, nhưng tiền lì xì thực sự ý nghĩa khi mà người cho lẫn người nhận đều hiểu và trân quý quà tặng ấy. Theo cách nghĩ đó, thì dù tiền cũ hay tiền mới cũng chỉ có ý nghĩa khi người tặng và người được tặng hiểu được giá trị của việc lì xì. Chưa kể, hiện nay, loại tiền polymer dù cũ cũng không bị nhàu nát. Vậy nên, người lớn có cần thiết phải chạy đôn, chạy đáo trong những ngày cuối năm để tìm kiếm tiền mới, bất chấp phải chịu nhiều phí tổn?

Ở Singapore, Chính phủ khuyến khích người dân nên sử dụng tiền cũ để làm tiền mừng tuổi trong dịp Tết cổ truyền. Thiết nghĩ, nước ta cũng nên làm theo như thế để tránh tình trạng đầu cơ tiền mới và xóa đi tư tưởng “sính” tiền lì xì trong dịp Tết Nguyên đán.

NGUYỄN HOÀNG DUY

.
.
.