.

Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tuyển sinh

Cập nhật: 19:03, 16/01/2018 (GMT+7)

Nhằm chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm 2018, thời gian gần đây, nhiều trường Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) đã cử đại diện về tận các trường THPT thực hiện tư vấn tuyển sinh. Việc tư vấn tuyển sinh có thể xem là một “kênh” để học sinh các trường THPT có thêm nguồn thông tin trực tiếp về các trường CĐ, ĐH. 

Tuy nhiên, hoạt động này còn bộc lộ không ít bất cập. Trước hết, do eo hẹp về mặt thời gian, đại diện các trường ĐH, CĐ phải “chạy sô” ở nhiều trường THPT khác nhau để có thể tiếp cận được nhiều đối tượng học sinh nên việc “tư vấn” thường chỉ được diễn ra trong thời gian ngắn, chủ yếu được lồng ghép trong tiết chào cờ đầu tuần hoặc xen vào các tiết dạy chính khóa của giáo viên. Nói là tư vấn tuyển sinh nhưng thực chất, đại diện của các trường ĐH, CĐ đang có nhu cầu “mở mang” nguồn tuyển thường tận dụng khoảng thời gian ít ỏi này để quảng cáo, giới thiệu, chủ yếu là “nói hay, nói tốt” về trường mình. Chẳng hạn như: Điều kiện cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giảng viên hùng hậu, có nhiều giáo sư, tiến sĩ; chế độ học bổng hấp dẫn, miễn giảm học phí hợp lý… Do chỉ là nguồn thông tin từ một chiều nên mức độ chính xác nhiều khi không được đảm bảo, các thông tin, số liệu thường được làm “đẹp hóa” nhằm mục đích tạo ấn tượng tốt đối với học sinh. Đáng nói là, tình trạng khan hiếm người học ở các trường ĐH, CĐ ngoài công lập diễn ra khá gay gắt dẫn tới việc tư vấn tuyển sinh cho học sinh trở nên tràn lan không đi vào chiều sâu, thông tin cần thiết, không mang tính định hướng khách quan, thiết thực. Tư vấn tuyển sinh quá nhiều dẫn tới  hiện tượng nhiễu thông tin, khiến học sinh không biết nghe ai và chọn thi trường nào cho phù hợp.

Thời gian qua, dư luận không khỏi quan ngại trước thực trạng cử nhân tốt nghiệp ra trường không có việc làm đang có chiều hướng gia tăng. Trước tình hình đó, công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh càng quan trọng, cần được tiến hành sớm. Để công tác này đạt hiệu quả cao, trước khi tạo điều kiện để đại diện các trường ĐH, CĐ làm công tác tư vấn tuyển sinh cho học sinh trường mình, các trường THPT cần có biện pháp thẩm định những thông tin mà các trường ĐH, CĐ đưa ra, tránh để cho học sinh phải tự “bơi” giữa “ma trận” các lời mời chào, quảng cáo hấp dẫn. Các nhà trường cần làm tốt hơn công tác tư vấn, định hướng việc chọn ngành, chọn nghề cho học sinh ngay từ lớp 10, 11. Về lâu dài, công tác phân luồng hướng nghiệp cần được tiến hành đồng bộ, có hiệu quả ngay từ những lớp cuối cấp THCS. Một mặt, vừa góp phần tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như trong thời gian qua, vừa giúp học sinh chuẩn bị sẵn tâm thế để tự tin lựa chọn ngành nghề phù hợp cho tương lai.

Bùi Minh Tuấn

 
.
.
.