.

Báo động tình trạng kháng thuốc kháng sinh - Bài 1: Nỗi lo kháng thuốc

Cập nhật: 19:02, 15/01/2018 (GMT+7)

Nằm trong thực trạng chung của cả nước, tình trạng kháng thuốc tại BR-VT đang ngày càng trở nên trầm trọng, đáng báo động, nhiều chủng vi khuẩn đã kháng với phần lớn kháng sinh, thậm chí là kháng hoàn toàn.

Hậu quả của kháng thuốc kháng sinh sẽ dẫn đến thời gian điều trị kéo dài, giá thành điều trị tăng cao, chưa kể  là sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong trước các loại bệnh, kể cả trước những bệnh thông thường.

NGƯỜI BỆNH KHỔ VÌ BỊ KHÁNG THUỐC

Mắc phải vi khuẩn kháng thuốc, những vết thương, viêm nhiễm thông thường cũng trở nên khó điều trị. Anh N.T.T, (45 tuổi ở phường 11, TP.Vũng Tàu) là một trong số đó, cách đây 6 tháng anh bị vết thương hở ở chân do té xe. Dù đã được sơ cứu kịp thời nhưng vết thương vẫn sưng tấy và mưng mủ, nên anh phải điều trị một đợt kháng sinh kéo dài gần 1 tháng theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, dù bác sĩ đã đổi nhiều loại kháng sinh khác nhau kéo dài liên tục nhiều tháng nhưng vẫn không điều trị khỏi dứt điểm vết thương. Sau đó anh buộc phải lên bệnh viện (BV) tuyến trên tại TP.Hồ Chí Minh để điều trị bằng loại kháng sinh thế hệ mới. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán anh bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc nên các loại kháng sinh mà anh đã sử dụng không có tác dụng. Hiện anh đang phải tiếp tục điều trị phác đồ kháng sinh thế hệ mới nhất.

Vi khuẩn kháng thuốc cũng khá thường gặp ở các bệnh nhân bị viêm phổi. Đơn cử như ông N.T.L. (90 tuổi, ở tại TP.Vũng Tàu) mắc bệnh viêm phổi khá nặng được người nhà đưa vào nhập viện tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (HSTCCĐ) BV Lê Lợi. Tại đây, ông được thở máy, đồng thời điều trị rất nhiều loại kháng sinh, thế nhưng đều không có hiệu quả. Qua test kháng sinh đồ cho thấy ông đã bị nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc. Do đó, khoa đã đề nghị cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.

Những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc phải điều trị kéo dài, chi phí cao, nguy cơ tử vong lớn. Trong ảnh: Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa HSTCCĐ BV Lê Lợi. Ảnh: MINH THIÊN
Những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc phải điều trị kéo dài, chi phí cao, nguy cơ tử vong lớn.
Trong ảnh: Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa HSTCCĐ BV Lê Lợi. Ảnh: MINH THIÊN

Còn trường hợp bà N.T.T (58 tuổi, ngụ tại phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa) thì bị lao phổi, nhưng do mắc vi khuẩn lao đa kháng thuốc nên bà phải nhập viện tuyến trên điều trị ít nhất là 18 tháng trở lên, gấp đôi so với thời gian điều trị lao phổi thông thường. Các loại kháng sinh sử dụng để điều trị lao kháng thuốc cho bà có liều mạnh hơn và nhiều tác dụng phụ hơn; dù vậy kết quả điều trị còn rất mong manh. 

NHỮNG CON SỐ ĐÁNG BÁO ĐỘNG

Tuy chưa có điều tra nghiên cứu tổng thể về tình trạng kháng thuốc kháng sinh trên toàn tỉnh, song qua ghi nhận tại BV đa khoa tuyến tỉnh cho thấy tình trạng kháng thuốc đang trở nên trầm trọng, nhiều loại thuốc kháng sinh đã không còn tác dụng. Chẳng hạn, tại BV Lê Lợi, trong 6 tháng đầu năm 2017, BV đã lấy 596 mẫu cấy kháng sinh, kết quả cho thấy: có 3 nhóm kháng sinh gồm Ofloxacin, Ceftriaxon, Norfloxacin đã bị kháng 100%.

BV Bà Rịa triển khai kháng sinh dự phòng cho nhiều bệnh nhân sau phẫu thuật để phòng chống kháng thuốc. Trong ảnh: Bác sĩ kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân. Ảnh: MINH THIÊN
BV Bà Rịa triển khai kháng sinh dự phòng cho nhiều bệnh nhân sau phẫu thuật để phòng chống kháng thuốc.
Trong ảnh: Bác sĩ kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân. Ảnh: MINH THIÊN

Một số kháng sinh quan trọng cần sử dụng hạn chế cũng bị vi khuẩn kháng như Meropenem (kháng 60%), Colistin (kháng 71%) Cefoperazon (kháng 50,6%). Tuy mức độ khảo sát chưa mang tính toàn diện, nhưng qua những con số này cho thấy rất đáng báo động về tình trạng kháng thuốc kháng sinh, gần như nhóm kháng sinh nào cũng bị kháng. 

Điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lê Lợi. Ảnh: MINH NHÂN
Điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lê Lợi.
Ảnh: MINH NHÂN

Bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, Trưởng Khoa HSTCCĐ BV Lê Lợi cho hay, tình trạng bệnh nhân kháng thuốc kháng sinh ghi nhận ở khoa đang tăng lên. Tỷ lệ bệnh nhân phải sử dụng kháng sinh mạnh ngày càng nhiều hơn. Những bệnh nhiễm khuẩn thông thường trước đây không cần phải sử dụng đến kháng sinh thế hệ mới nhưng hiện nay hầu hết đều đã phải sử dụng tới. “Thậm chí không ít trường hợp nhiễm phải vi khuẩn đa kháng thuốc dẫn tới vô phương cứu chữa. Từ đầu năm 2017 đến nay, qua làm kháng sinh đồ chúng tôi phát hiện có 4 trường hợp nhiễm khuẩn đa kháng thuốc, đều là bệnh nhân nằm hồi sức kéo dài, bệnh nhân từ tuyến trên chuyển về”, bác sĩ Phương Nga nhấn mạnh.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4 trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột. Trong khi tốc độ kháng thuốc ngày càng tăng thì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, có quá ít loại kháng sinh mới được nghiên cứu và phát triển để chống lại mối đe dọa của những căn bệnh nhiễm trùng kháng nhiều loại thuốc. Việc thiếu thuốc kháng sinh có thể khiến hàng triệu người đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm đến tính mạng, như bệnh lao kháng thuốc, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu.

NHÓM PV THỜI SỰ

.
.
.