Báo động tình trạng kháng thuốc kháng sinh - Bài 2: Thuốc kháng sinh đang bị lạm dụng
Theo ghi nhận của phóng viên, việc mua bán thuốc kháng sinh hiện đang diễn ra tràn lan, không theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, tình trạng bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân lạm dụng thuốc kháng sinh trong kê toa còn phổ biến.
MUA BÁN KHÁNG SINH TRÀN LAN
Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc trên đường Lê Lai (TP.Vũng Tàu). |
Mặc dù Bộ Y tế đã có quy định cấm mua bán thuốc kháng sinh nếu không có toa của bác sĩ, song, theo ghi nhận của chúng tôi tại các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh, việc này vẫn tái diễn. Cả người bán lẫn người mua đều phớt lờ quy định.
Trong vai một khách hàng, phóng viên ghé vào nhà thuốc G.P, đường Nguyễn Tất Thành (TP.Bà Rịa) để mua thuốc. Sau khi kể các triệu chứng của bệnh như tiểu buốt, tiểu nhiều lần, nhân viên nhà thuốc liền bán cho chúng tôi 5 loại thuốc trị viêm đường tiết niệu, trong đó có 2 loại thuốc phải kê theo đơn là domitazol và ciprofloxacin (đây là kháng sinh có phổ kháng khuẩn rất rộng, thuộc nhóm quinolon trị nhiễm khuẩn nặng mà các kháng sinh thông thường không có tác dụng).
Tương tự, chúng tôi tới nhà thuốc M.A, đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.Vũng Tàu) và cũng kể tình trạng bệnh như trên thì nhân viên nhà thuốc bán cho 4 loại thuốc. Khi chúng tôi hỏi đây là thuốc gì thì nhân viên giải thích: viên thuốc màu trắng và viên con nhộng vàng là thuốc kháng sinh, còn lại là các loại thuốc kháng viêm và multivitamin... Theo quan sát của phóng viên, tại nhà thuốc này đều phân chia rõ các khu vực: thuốc kê toa, thuốc không kê toa, thực phẩm chức năng... Dù vậy, đứng ở đây quan sát một lúc, chúng tôi không thấy trường hợp nào đem theo toa của bác sĩ đến mua thuốc.
Thuốc kháng sinh được bán theo toa của bác sĩ sẽ góp phần làm giảm tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi. Trong ảnh: Bệnh nhân mua thuốc theo toa của bác sĩ tại nhà thuốc của Phòng khám đa khoa Vũng Tàu. |
Thực tế đã có nhiều trường hợp do uống thuốc kháng sinh sai đã gây ra hậu quả nặng nề. Chẳng hạn như trường hợp của anh Ngô Hoàng Thanh, ở đường Ngô Đức Kế, phường 7, TP.Vũng Tàu bị đau tai và sốt 3 ngày. Thay vì đi bác sĩ để khám thì anh lại ra nhà thuốc gần nhà mua thuốc về uống. Nghe anh khai bệnh, nhân viên nhà thuốc bán cho anh 2 loại thuốc kháng sinh trị viêm tai giữa. Sau 3 ngày uống thuốc, anh Thanh vẫn sốt cao và phải nhập viện cấp cứu. Tại bệnh viện, sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm màng não do vi rút và đây là chứng bệnh không thể sử dụng kháng sinh để điều trị. Do nhập viện muộn nên tình trạng của anh khá nguy kịch phải truyền dịch và nằm viện điều trị 1 tuần mới ổn định.
Theo thống kê của Sở Y tế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 925 nhà thuốc và quầy bán lẻ thuốc được cấp phép kinh doanh thuốc chữa bệnh. Hằng năm, qua kiểm tra, Sở Y tế và Phòng Y tế các huyện, thành phố đều phát hiện và xử lý không ít trường vi phạm trong hoạt động kinh doanh thuốc. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý các trường hợp bán thuốc kháng sinh không theo toa của bác sĩ còn gặp nhiều khó khăn.
BS Phạm Văn Lưu, Trưởng Phòng Y tế TP.Vũng Tàu cho hay, đơn vị đã yêu cầu tất cả nhà thuốc, quầy thuốc phải lưu lại đơn thuốc của bệnh nhân để kiểm soát việc bán thuốc theo đơn. Tuy nhiên, khi kiểm tra, một số nhà thuốc chưa thực hiện tốt việc này. Bên cạnh đó, theo đánh giá của Sở Y tế, do lực lượng “mỏng”, công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược tư nhân chưa thường xuyên. Thêm vào đó, các biện pháp xử lý, mức xử phạt chưa đủ răn đe nên nhà thuốc vẫn tiếp tục vi phạm. Theo quy định hiện hành, hành vi bán thuốc không theo đơn chỉ bị phạt hành chính 200.000 - 500.000 đồng.
BÁC SĨ LẠM DỤNG KHÁNG SINH TRONG KÊ TOA
Không cần toa của bác sĩ, một nhà thuốc trên đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.Vũng Tàu) vẫn “vô tư” bán kháng sinh cho người dân. |
Không chỉ người dân nhận thức về vấn đề kháng sinh, kháng thuốc không đúng, mà một số bác sĩ ở các phòng khám tư cũng lạm dụng kháng sinh, thể hiện qua việc kê toa thuốc kháng sinh theo kiểu “bao vây”. Khảo sát của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh trong “Chương trình giám sát kháng sinh trong bệnh viện” cho thấy, có khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ kê đơn bất hợp lý; 32% bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân không nhiễm khuẩn; 33% bác sĩ sử dụng kháng sinh kéo dài và không cần thiết…
Tại BR-VT, theo phiếu khảo sát do PV thực hiện, trong 30 ý kiến của phụ huynh có con nhỏ thì phần lớn thường lựa chọn phòng khám tư để đưa con đến khám bệnh. Trong các lần khám của bé, đa số các đơn thuốc bác sĩ kê đều có ít nhất là 1 loại kháng sinh, chủ yếu là kháng sinh đề phòng bội nhiễm cho trẻ khi bị viêm hô hấp trên. Trong khi đó, theo các nghiên cứu chuyên khoa nhi thì 80% viêm hô hấp trên ở trẻ là do vi rút và thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với các bệnh do vi rút gây ra. Chị Nguyễn Thị Hồng, ở phường Rạch Dừa (TP.Vũng Tàu) có con 2 tuổi cho hay: “Con tôi bị sốt, ho, sổ mũi. Tôi đưa bé đến khám một phòng khám tư gần nhà thì bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt siêu vi và viêm hô hấp trên. Bác sĩ kê toa cho con tôi uống 4 loại thuốc, trong đó có 1 loại thuốc kháng sinh”. Hơn nữa, phác đồ điều trị kháng sinh phải ít nhất từ 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên trên thực tế, đa số các toa thuốc đều chỉ kê trong vòng 3 ngày, đồng thời hẹn tái khám nhưng phần lớn phụ huynh thấy con uống thuốc đã đỡ nên không tái khám, hoặc mang đơn ra nhà thuốc mua uống tiếp nếu thấy con chưa đỡ.
Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, đa số những bệnh thông thường ở trẻ nhỏ do thời tiết chuyển mùa, nhiễm vi rút không cần phải dùng đến thuốc kháng sinh, phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với các bệnh do vi rút gây ra. Vì vậy, hầu hết các trường hợp sốt, ho, viêm đường hô hấp, tiêu chảy… do siêu vi thì không nên dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Vì vậy, nếu sử dụng kháng sinh quá nhiều thì cơ thể sẽ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn, trong trường hợp bị kháng thuốc thì càng nguy hiểm hơn và có thể dẫn đến nguy cơ tử vong do không còn thích ứng với thuốc điều trị.
NHÓM PV THỜI SỰ
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, có tới 88% nhà thuốc ở thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán kháng sinh mà không theo đơn của bác sĩ. 3 loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin, cephalexin và azithromycin. Còn theo nghiên cứu gần đây của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ở hơn 1.000 hồ sơ bệnh án tại các khoa điều trị tích cực của 19 bệnh viện lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh cho thấy, có tới 74% sử dụng kháng sinh không phù hợp. |