.

Ai cũng có sở trường, sở đoản

Cập nhật: 09:04, 26/01/2018 (GMT+7)

Nhiều người chồng/vợ có thói quen so sánh vợ/chồng mình với người khác khiến đối tác không khỏi chạnh lòng. Muốn gia đình hòa thuận, thôi thì ta hãy nghĩ “ai cũng có sở trường, sở đoản”, tìm cái tốt của nhau mà vui sống. 

Mỗi người đều có sở trường, sở đoản riêng, không nên so sánh vợ/chồng mình với người khác vì dễ gây bất hòa. Ảnh minh họa: Internet.
Mỗi người đều có sở trường, sở đoản riêng, không nên so sánh vợ/chồng mình với người khác vì dễ gây bất hòa. Ảnh minh họa

“Khi bị “một nửa” lôi ra so sánh với bạn bè, người dưng nước lã thì cách đối phó, chống chế không gì khó. Thế nhưng, họ so sánh với đấng sinh thành thì mình không thể đem lý lẽ đó ra cãi được. Khó lắm, lập tức “đứng hình” luôn”... Vừa cầm điện thoại lên, chưa kịp nói gì đã nghe T. - anh bạn thân tuôn ra “tràng giang đại hải”, cứ như đang “lên lớp”. Tôi ngạc nhiên nói: “Nhầm số rồi”; “Không hề”, anh ta quát lên. “Có phải đang say đó không?”. Anh bạn xuống giọng rồi tỉ tê tâm tình. Đại khái, mẩu đối thoại của vợ chồng T. vừa diễn ra như sau:

Cô vợ anh bảo: “Ba em khiêm tốn lắm, ít khi chịu nói về mình. Do đó, anh chẳng thể nào biết ngày xưa ổng oách ra sao đâu”. Người chồng tò mò: “Ủa, vậy à? Kể nghe đi em”. Dường như chỉ chờ có thế, nàng nói ngay: “Anh biết không, sau khi cưới má em chừng một năm, ba em đã đủ vốn liếng để tậu căn nhà. Chưa hết, qua năm sau, ổng lại mua cho má em cái xe mới cáu”.

Lạ chưa, dù khoe về “thành tích” của đấng sinh thành sao từ giọng nói đến gương mặt của cô nàng buồn rười rượi thế kia? Vờ như không phát hiện ra, người chồng vẫn cứ tỉnh bơ: “Em nói đúng lắm, anh phục sát đất”. Một khi vợ đã khen người dưng nước lã, có thể mình nóng mũi, tự ái cãi lại vì người đó chắc gì đã hơn mình? Thế nhưng, khi vợ đã khen ba má ruột, phận con rể dù đồng tình hay không cũng phải phụ họa theo mới phải đạo. Cứ gật đầu tán thành, tỏ ý thán phục cho nó lành. “Em cũng muốn có cơ hội phục anh sát đất đấy. Anh làm được như ba em thì tốt quá. Mà này, lúc đó, ba em còn trẻ hơn anh bây giờ nữa. Anh có làm được không?”. Chưa hết, cô vợ còn thòng thêm: “Không chỉ giỏi kiếm tiền, ba em còn lấy được mấy cái bằng đại học nữa. Ước gì anh bằng 1 phần 10 ổng thì mẹ con em…”. Câu nói bỏ lửng ấy, người chồng đã tự hiểu vế sau.

À, thì ra cô nàng “khoe” tài năng, sự thành đạt của ba là nhằm ngụ ý chồng mình cũng phải được như thế. “Nửa này” mong muốn “nửa kia” thay đổi, đừng nhìn đâu xa, cứ làm y chang theo “người thật việc thật” là tốt lắm rồi. 

Khổ nỗi, hoàn cảnh xuất thân mỗi người mỗi khác, khó có ai cũng thành công như ai, dù họ cũng đã từng ý thức, tự nhủ phải nỗ lực nhưng nào có được đâu. Chẳng lẽ nói huỵch toẹt ra, ba/mẹ em dù “năm bờ oăn” việc nọ, việc kia nhưng chắc gì đã rành chuyên môn lãnh vực mà họ đang sở trường? Thế nhưng mấy ai dại gì há miệng ra, vì thừa biết câu nói ấy dễ gây ra mối bất hòa không cần thiết, chi bằng im lặng vẫn tốt hơn. Trong khi “nửa này” do “biết thân biết phận” ngậm tăm thì “nửa kia” lại thỉnh thoảng so sánh. Do đó, biết đâu lại dẫn đến sự bất cập ngoài ý muốn. 

Gần đây, trong những dịp họp mặt với gia đình, tôi ít thấy cô em dâu tương lai ghé sang nhà phụ mẹ như mọi lần. “Cô ta bận gì à?” nghe tôi hỏi, cậu em trả lời: “Bận gì đâu anh, chẳng rõ cô ấy ngại cái gì, hễ họp mặt tại nhà mình có nấu nướng là cứ tìm cớ né. Kỳ cục ghê”. 

Tôi lặng lẽ dò hỏi đương sự nguyên cớ do đâu? Sau một hồi “vòng vo tam quốc”, cô tâm tình đại khái, cậu em tôi thường so sánh tài nấu bếp của cô với mẹ tôi. Cô kể, có lần em tôi bảo: “Này Thúy, em biết không, bà cụ nấu ăn hết chỗ chê đó. Món này mà qua tay bà thì đâu có tệ” khi đang thưởng thức món gà kho. “Anh ấy nói vậy, người nấu có rầu không?”. “Tất nhiên, làm sao có thể vui”, tôi trả lời. 

Cô nói tiếp: “Đi làm về, tất bật ra chợ, lao vào bếp nấu nướng, rồi mời sang nhà ăn lại nghe câu “phán”, kể ra cũng buồn. Nếu ảnh so sánh với quán ăn Z, Y, Z nào đó thì chẳng sao, bởi họ là các đầu bếp chuyên nghiệp, còn đây…”, Thúy thở dài bỏ lửng câu nói. 

Tôi ngầm hiểu, sự so sánh trên đã khiến cô ngần ngại khi phải làm bếp cùng mẹ tôi là vậy. Chi bằng, cô tránh mặt cho yên thân, không phải thể hiện sự non kém của mình. Dù muốn “người của mình” cũng giỏi giang bếp núc như đấng sinh thành, nhưng rồi cách so sánh ấy vô tình lại “đẩy” mối quan hệ có khoảng cách không cần thiết. Trong khi đó, bậc “bề trên” có hay biết gì đâu. Mà họ cũng chẳng hề có sự so sánh đó. Bằng chứng là sau khi nghe tôi tường thuật lại sự việc, từ đó, mỗi lúc Thúy sang nhà, mẹ tôi vui vẻ chỉ bày từng chút một.

Trường hợp của T. thì sao? Sau khi nghe tôi tư vấn, anh ta đưa vợ sang chơi nhà ba mẹ vợ rồi mạnh dạn “lật bài ngửa”: “Ba à, vợ con nói rằng…”, anh kể lại đầu đuôi câu chuyện. Sau khi T. thưa xong, ba vợ bèn cười khà khà, đại khái, sự so sánh nào cũng khập khiễng, mỗi người có sở trường, sở đoản khác nhau. Có thể người này giỏi làm ra tiền nhưng chắc gì đã thành công ở lĩnh vực khác? Có thể người kia giỏi nấu bếp nhưng chắc gì đã thạo về tin học? v.v… và v.v… Liệt kê một hơi, ba vợ T. hạ một câu nghe sướng cả tai: “Ba vừa tập chơi Facebook, con hướng dẫn giúp ba. Cái khoản này, ba chỉ là cậu học trò thôi. Bà nó cho tôi mấy chai bia để tôi cảm ơn con rể nhé”.

Cô vợ T. nghe xong câu nói của ba, bỗng ồ lên: “Ờ há!”.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.