.

Xã hội hóa rạp chiếu phim Nhà nước

Cập nhật: 08:28, 26/01/2018 (GMT+7)

Ngày 19-1, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Đăng Nguyên (TP.Bà Rịa) khai trương rạp chiếu phim Bà Rịa. Đây là dự án xã hội hóa nhằm khai thác tối đa công năng của rạp chiếu phim Nhà nước.

DIỆN MẠO MỚI CỦA RẠP NHÀ NƯỚC

Lịch chiếu phim được đặt ở nơi dễ thấy, thuận tiện cho khán giả tham khảo.
Lịch chiếu phim được đặt ở nơi dễ thấy, thuận tiện cho khán giả tham khảo.

Đến rạp Bà Rịa sau khi được nâng cấp, sửa chữa, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự thoải mái, thuận tiện. Những tấm pano giới thiệu phim và giờ chiếu được trang trí bắt mắt trên tường, giúp khán giả dễ dàng theo dõi và lựa chọn. Khu hành lang thoáng mát, có ghế ngồi chờ cho khán giả. Khu vui chơi trẻ em kế bên cũng có ghế cho phụ huynh vừa ngồi trông con, vừa nhâm nhi cà phê hoặc nước ép trái cây. Bước đến quầy mua vé, chúng tôi được nhân viên giới thiệu khái quát về nội dung các bộ phim đang chiếu tại rạp và tư vấn bộ phim nào phù hợp với lứa tuổi, sở thích. Bên trong, phòng chiếu mát lạnh, những chiếc ghế nệm êm ái, có chỗ để ly uống nước.

Ông Lê Sang, Quản lý rạp Bà Rịa cho biết, để được các nhà phát hành phim CGV và Galaxy cung cấp phim bản quyền, rạp Bà Rịa phải đáp ứng các tiêu chuẩn của một phòng chiếu hiện đại, đầy đủ trang thiết bị, từ ghế ngồi đến máy chiếu phim 3D, 2D kỹ thuật số thế hệ mới, hệ thống âm thanh vòm 7.1, màn hình 300 và 400 inch, máy lạnh, cũng như trang trí sảnh chờ, quầy bán vé… với tổng kinh phí 4 tỷ đồng. “Sau khoảng 10 ngày khai trương, lượng khách đến rạp tương đối ổn định, đặc biệt vào các tối thứ 7 và chủ nhật rất đông khách, một số suất chiếu không còn chỗ trống. Hiện nay, bình quân mỗi ngày chúng tôi phục vụ từ 100-200 lượt khán giả. Chúng tôi kỳ vọng về lâu dài, rạp sẽ được nhiều người biết và đến xem đông hơn, đặc biệt là từ dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất”, ông Lê Sang nói.

Hôm chúng tôi đến rạp là thứ bảy. Chị Bùi Ngọc Yến (322/20, Cách Mạng Tháng Tám, TP.Bà Rịa) chở 2 cậu con trai (lớp 6 và lớp 8) đi xem phim “Coco: Hội ngộ diệu kỳ”. Trong lúc chờ các con xem phim, chị Yến ngồi uống cà phê và đọc sách tại khu vực cà phê sách trong khuôn viên rạp. Chị chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần muốn đi coi phim, mẹ con tôi phải sắp xếp việc nhà, chọn phim phù hợp, đặt vé, rồi chở nhau sang Vũng Tàu để xem tại các rạp: Việt Phú Cinema, CGV hoặc Lotte. Nếu không thích xem cùng con, tôi phải ngồi đợi bên ngoài, rất sốt ruột. Bây giờ, rạp Bà Rịa gần nhà, đã được nâng cấp, lại chiếu các bộ phim cùng thời điểm với các rạp trên toàn quốc nên thuận lợi hơn rất nhiều”.

Đôi bạn trẻ Ngọc Anh và Phương Hà (SV Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa) đang chờ đến giờ xem phim “Vụ bắt cóc triệu đô”, cho biết: “Ngày thường, tụi em chỉ cần có thẻ HS-SV là được giảm 10.000 đồng/vé so với giá niêm yết. Đặc biệt, ngày thứ năm hàng tuần, rạp bán đồng giá vé tất cả các suất chiếu là 45.000 đồng/vé, riêng HS-SV còn được giảm 50% giá bắp rang, nước uống”, Phương Hà nói.

XÃ HỘI HÓA ĐỂ HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ

  Khán giả mua vé xem phim tại Rạp chiếu phim Bà Rịa.
Khán giả mua vé xem phim tại Rạp chiếu phim Bà Rịa.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 rạp chiếu phim Nhà nước do Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng (thuộc Sở VH-TT) quản lý là rạp Bà Rịa và rạp Điện Biên (TP.Vũng Tàu). Ông Lương Thanh Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, từ hàng chục năm nay, 2 rạp trên luôn trong tình trạng vắng khách vì trang thiết bị lạc hậu, nguồn phim ít và thường là phim cũ, chiếu sau các rạp tư nhân từ 2-3 tháng.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc tự chủ hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng đã liên kết với Công ty TNHH Đăng Nguyên sửa chữa, nâng cấp rạp Bà Rịa thành 2 phòng chiếu (mỗi phòng 100 ghế). Ông Lê Sang cho biết, Công ty TNHH Đăng Nguyên là chủ đầu tư Nhà sách Bạch Đằng (thuê mặt bằng tại rạp Bà Rịa 10 năm nay). Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, Công ty hợp tác với Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng đầu tư tổ hợp dịch vụ văn hóa, giải trí theo mô hình: nhà sách, quán cà phê sách, khu vui chơi trẻ em và rạp chiếu phim để bổ trợ cho nhau với tổng kinh phí 4 tỷ đồng. Công ty cũng đã ký hợp đồng với các nhà phát hành phim hàng đầu tại Việt Nam là CGV, Galaxy để có nguồn phim bản quyền, chiếu cùng lúc với các rạp khác trên toàn quốc.

“Việc sửa chữa, nâng cấp rạp Bà Rịa góp phần tạo nơi giải trí, vui chơi phục vụ nhiều đối tượng khán giả thuộc nhiều lứa tuổi. Đây được kỳ vọng là điểm hẹn văn hóa mới của nhân dân TP.Bà Rịa và các địa phương lân cận”, ông Nguyễn Văn Vượng, Phó Trưởng Phòng VH-TT TP.Bà Rịa cho hay.

Cùng với việc sửa chữa, nâng cấp rạp Bà Rịa, Công ty TNHH Đăng Nguyên cũng đã lập dự án cải tạo, sửa chữa và nâng cấp rạp Điện Biên với mô hình tương tự. “Chúng tôi dự định sửa chữa, nâng cấp rạp Điện Biên gồm 4 phòng chiếu hiện đại, liên tục cập nhật các bộ phim mới, cùng thời điểm với các rạp khác trên cả nước”, ông Lê Sang cho biết thêm.

Bài, ảnh: MINH QUANG

Thực hiện chủ trương của Nhà nước, Sở VH-TT đang làm thủ tục xã hội hóa, tự chủ các đơn vị sự nghiệp như: Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh. Hiện tại, rạp Bà Rịa đã được xã hội hóa, có sự đầu tư của DN tư nhân, góp phần đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân TP.Bà Rịa và các huyện lân cận. Với rạp Điện Biên, Sở VH-TT đang hoàn chỉnh hồ sơ để xin UBND tỉnh cho thực hiện xã hội hóa. Nếu được thông qua, nhà đầu tư sẽ triển khai ngay trong năm 2018, vừa để đáp ứng nhu cầu của khán giả, vừa tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ chính trị, không gây lãng phí cơ sở vật chất của rạp.

(Ông Trịnh Đình Thân, Phó Giám đốc Sở VH-TT)

 

.
.
.