Cách lựa chọn thực phẩm an toàn trong dịp Tết
Làm sao để có thể lựa chọn được những thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu trong dịp Tết. Dưới đây là một số lưu ý mà “các bà nội chợ” nên biết:
Với các loại rau, quả, củ: Cần thận trọng khi mua những loại trái vụ, những sản phẩm có kích thước, khối lượng lớn bất thường, những loại rau quá xanh non, vì những loại này khi gieo trồng có thể được sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích, hoặc phân hóa học mà chúng ta chưa thể kiểm soát được.
Khách hàng chọn mua rau tại cửa hàng Lekima (TP. Vũng Tàu). Ảnh: QUANG VŨ |
Đối với các loại thịt gia súc, gia cầm: Nên chọn mua những loại thịt của gia súc, gia cầm khỏe mạnh, miếng thịt săn, chắc, không chảy nước, trên da không có vết đỏ, tím, nốt xuất huyết, không có mùi ôi thiu... Đặc biệt thận trọng khi chọn các loại gia cầm làm thực phẩm. Nên chọn các loại gà, vịt, ngan, chim cút… đã được kiểm dịch của cơ quan thú y để làm thịt. Không mua các loại gà, vịt, ngan, ngỗng… trong vùng đang có dịch bệnh gia cầm. Tuyệt đối không sử dụng gia cầm và các sản phẩm của gia cầm ốm, gia cầm chết làm thực phẩm. Kiên quyết không dùng các loại gia cầm không rõ nguồn gốc nhằm phòng tránh dịch cúm gia cầm lây sang người. Không nên sử dụng các loại gia cầm đã giết mổ sẵn mà không có dấu kiểm dịch vì rất khó phân biệt giữa thịt gia cầm khỏe và gia cầm bị bệnh.
Đối với các loại thủy, hải sản: Nên chọn loại còn còn sống hoặc còn tươi. Cần biết phát hiện và không mua nhầm: cá nóc, sam lông, bạch tuộc đốm xanh... để tránh bị ngộ độc.
Đối với thực phẩm là hàng khô như: Măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương... tránh mua hàng bị mốc, ẩm, hoặc có mùi bất thường do được bảo quản bằng hóa chất. Không dùng đậu phộng hạt, đậu hạt bị mốc... vì có thể bị ngộ độc. Có nhiều mặt hàng thực phẩm được chế biến sẵn như: giò, chả, nem, thịt quay... phục vụ người tiêu dùng, khi chọn mua loại thực phẩm này cần biết rõ cơ sở sản xuất, có uy tín, chất lượng đảm bảo, không ôi, thiu. Nên sử dụng thực phẩm có màu tự nhiên như: màu đỏ của gấc, vàng của nghệ, màu nâu sẫm của nước đường cô cháy... Không nên dùng thực phẩm có màu sắc sặc sỡ khác thường để tránh các chất màu thực phẩm không an toàn.
Đối với các loại bánh, mứt, kẹo: Cần chọn mua những sản phẩm được bao gói cẩn thận, kín, khô, có nhãn ghi đầy đủ, rõ ràng địa chỉ sản xuất, có đăng ký chất lượng hàng hóa và phải còn hạn dùng. Chọn mua các loại đồ hộp vỏ còn sáng, không rỉ, không thủng, còn hạn sử dụng và đặc biệt không mua đồ hộp đã bị phồng để tránh bị ngộ độc (thực phẩm bên trong có thể đã hư). Không nên mua những thực phẩm không được bao gói kín, có thể bị nhiễm bụi, hoặc những mảnh cứng nhỏ để tránh làm tổn thương đường tiêu hóa. Không nên mua bánh, mứt, kẹo… có màu quá sặc sỡ, lòe loẹt (có thể do sử dụng phẩm màu công nghiệp chứa nhiều kim loại nặng) ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, có thể dẫn đến nhiều chứng bệnh về ung thư, rối loạn tiêu hóa, thần kinh.
Hạt dưa: Những loại hạt dưa sử dụng chất phẩm màu công nghiệp để nhuộm thường có màu đỏ sẫm sặc sỡ, nhìn như sơn, khi cho vào miệng không bị phai màu trong miệng. Còn phẩm màu thực phẩm thường có màu sắc tự nhiên, màu nhạt, hạt không đều màu và rất dễ phai khi tiếp xúc với nước.
Hạt dưa là loại hạt có nhiều tinh dầu nên dễ gây nấm, mốc. Do vậy, người tiêu dùng không nên chọn hạt bị mốc ngay cả hạt hướng dương, hạt bí, đỗ, ngô... cũng vậy. Khi chọn nên chọn hạt chắc, có mùi tự nhiên của hạt, không chọn loại màu đẹp mắt. Khi chọn cũng nên thử hương và vị của hạt để có được hạt dưa an toàn.
Rượu: Tết là thời điểm rượu bia được tiêu thụ lớn nhất trong năm. Và đây cũng là thời điểm gia tăng tình trạng ngộ độc do uống phải rượu bia giả, kém chất lượng, nhất là ngộ độc rượu Methanol mà trong những năm qua đã có 1 số trường hợp bị tử vong.
Trước khi mua rượu, người tiêu dùng nên kiểm tra tem, nhãn và nắp chai. Người uống cần lắc nhẹ ly để kiểm tra độ bám của rượu ở thành ly. Những loại rượu lâu năm và thật thường tỏa ra mùi vị đặc trưng và rượu có độ đặc sánh, khi lắc sẽ còn bám nhẹ trên thành ly. Tuyệt đối không mua và sử dụng loại rượu trôi nổi không biết cơ sở nào nấu, bán giá rẻ (có khi chỉ 10.000 đ/lít), rất dễ uống phải rượu pha cồn công nghiệp hoặc pha trực tiếp men trôi nổi không rõ nguồn gốc, gây ngộ độc.
Nhìn chung, các loại thực phẩm hiện nay dễ mua, việc cung ứng cũng thuận tiện, do vậy không nên mua thực phẩm với số lượng nhiều trong một lần, để tránh phải bảo quản dài ngày, nên mua ít, đủ, giữ được chất lượng của thực phẩm, vừa tươi ngon vừa an toàn cho sức khoẻ.
Người tiêu dùng kiểm tra các thông tin trên bao bì thực phẩm tại cửa hàng Phú Sỹ, TP.Vũng Tàu. Ảnh: CTV |
Bs. Nguyễn Văn Lên