Kiến nghị lập hồ sơ xếp hạng di chỉ khảo cổ học tại huyện Châu Đức
Chiều 10/12, Bảo tàng tỉnh tổ chức buổi họp đánh giá và nghiệm thu kết quả khai quật 3 di chỉ khảo cổ học Kim Long, Cù Bị, Quảng Thành (huyện Châu Đức) năm 2024.
Các di vật được khai quật tại di chỉ khảo cổ học Kim Long, Cù Bị 4 và Quảng Thành (huyện Châu Đức). |
Tại cuộc họp, TS.Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ báo cáo kết quả khai quật các di chỉ Kim Long, Cù Bị 4 và Quảng Thành.
Cụ thể, di chỉ Kim Long là di tích cư trú - mộ táng nằm trong vùng tiếp giáp giữa vùng cao Đông Nam Bộ và vùng cận biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Di chỉ có niên đại từ 2.500-2000 năm cách ngày nay. Di vật tìm thấy gồm đồ gốm, đồ trang sức và công vụ vũ khí bằng kim loại.
Di chỉ Cù Bị 4 là phát hiện mới về loại hình di tích cư trú thời tiền sử ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Di vật tìm thấy gồm đồ gốm và công cụ đá (rìu vai, rìu tứ giác, đục, dao hái). Niên đại di chỉ Cù Bị 4 có thể vào khoảng 3.500-3.000 năm cách ngày nay.
Di chỉ Quảng Thành thuộc niên đại khoảng 3.500-3.000 năm cách ngày nay gồm đồ gốm và đồ gỗ.
Tại cuộc họp, các chuyên gia khảo cổ học đề xuất điều tra khai quật diện rộng làm rõ tính chất của những di chỉ khảo cổ học; phục dựng 3D để phục vụ công tác trưng bày. Bên cạnh đó, các nhà khoa học kiến nghị Bảo tàng tỉnh sớm tiến hành công tác lập hồ sơ xếp hạng các di chỉ kể trên là di tích khảo cổ học cấp tỉnh để có cơ sở pháp lý và điều kiện bảo vệ di sản văn hóa địa phương.
Tin, ảnh: HOÀNG BÁCH