Ngược chiều mưa rơi
Kiều quờ quạng sang bên cạnh, phần nệm trống không lạnh ngắt. Giật mình thoát khỏi cơn mơ, nước mắt nhòe nhoẹt trên mặt. Với tay lấy con gấu bông, Kiều ôm chặt vào lòng những xa xót. Khác mọi lần, sau khi trở lại từ ác mộng, Kiều ôm ngực thở dồn dập, sợ hãi nhìn quanh quất, ngồi dậy kiểm tra cửa sổ cửa chính đã đóng gài kỹ chưa. Bữa nay Kiều mơ thấy ba nên không có gì phải sợ. Ba nằm ngủ co ro bên cạnh Kiều hệt như năm đó.
Minh họa: MINH SƠN |
Là mùa Đông năm ba nhập viện vì con vi khuẩn lao. Khi căn bệnh ập tới xô ba đổ gục, trong một thoáng Kiều đã nghĩ, có khi nào do khẩu nghiệp. Cả đời ba căm ghét người ho lao, thấy chỗ nào chửi chỗ nấy. Kiều nhớ mang máng, gần nhà có một ông chú bị lao, cả ngày cứ khúc khắc ho. Qua lời nói của ba, Kiều đã tưởng ổng đáng sợ hơn ông kẹ chuyên bắt mấy đứa trẻ hư. Mỗi buổi đi bộ tới trường, Kiều đều rẽ vòng sang đường khác. Bẵng đi một khoảng thời gian dài, Kiều chẳng nhớ chính xác từ khi nào, hình như ông chú lao đã đi đâu mất. Hoặc bởi Kiều đã dần lớn và nhận thức được đó đơn giản chỉ là một căn bệnh. Giống như cảm cúm hay đau bụng, đều có thể chữa khỏi.
Vậy chớ ba Kiều nghĩ khác. Một bữa, hàng xóm cũ lặn lội từ quê xa tới nhà, dẫn theo con trai của chú là anh Tùng, xin ở trọ lại để học phổ thông tại ngôi trường điểm của huyện. Hai năm đầu, ba quý anh Tùng lắm, câu trước câu sau đều khen hết lời. Ngoài giờ học, anh Tùng quanh quẩn giúp ba bửa củi, chặt tre đóng cái chõng cho ba đặt ngoài hè nằm hóng mát, xách nước từ giếng đổ đầy chum sành, rồi cắt rau muống cho đàn vịt xiêm ăn. Đang yên lành, tự nhiên ba anh Tùng đổ bệnh. Tiếng đồn theo gió lọt tai. Ba đuổi thẳng cổ anh Tùng ra khỏi nhà dù anh đang học năm cuối cấp, sắp thi tốt nghiệp. Ba cấm Kiều gần gũi, bắt phải cắt đứt mọi liên lạc với cái “nòi” ho lao.
Đâu chỉ người ngoài, ngay cả má cũng bị ba cay nghiệt xa lánh. Mỗi bận má ngoáy tai thường kèm theo cơn ho sù sụ, ba liền rủa xả ngay. Đừng sủa nữa, nhà này không chứa cái loại mở miệng ra toàn vi trùng. Má không bị lao phổi mà má lao tâm khổ tứ bởi người chồng cứ uống rượu là động tay động chân và độc mồm độc miệng. Ba chửi đánh thì má ôm bọc quần áo bỏ đi, dăm bữa nửa tháng lại quay về. Má thủ thỉ với ba ti tỉ chuyện bán buôn phố xá. Đợi lúc men rượu choáng ngợp tâm trí, ba lại xách chổi dí má chạy.
***
Ba nằm ấm ức trên chiếc giường sắt rộng chỉ 1 mét kê sát cửa sổ và cửa ra vào. Nếu cơ thể ba chưa yếu tới mức phải ngồi xe lăn cho Kiều đẩy đi thực hiện các xét nghiệm, thì chắc ba vẫn nằng nặc đòi về nhà. “Nhà ta ta ở, mắc mớ chi phải vô viện ở trong cái phòng bé như lỗ mũi”. Cùng phòng bệnh với ba là một bác mái tóc bạc trắng nhưng đôi mắt còn tinh tường lắm. Giường của bác nằm phía trong, cạnh bức tường ngăn với khu vực vệ sinh.
Cơn gió cuối Chạp len lỏi qua khe cửa, khẽ khàng nhưng lạnh cóng. Trong hơi gió có hơi nước ẩm nồng của cơn mưa dầm và hơi đất thúi rục hệt như lòng người. Má đang đội mưa bán trái cây gánh ngoài phố chưa về kịp, nên Kiều ở lại viện chăm ba. Bữa đầu tiên, Kiều ngồi trên ghế nhựa cao, dựa lưng vào tường để chợp mắt. Bức tường ốp gạch men trắng phả ra hơi lạnh, ngấm vào da thịt Kiều, buốt tận xương. Không thể ngủ ngồi, Kiều đành xếp ba chiếc ghế nhựa thẳng hàng rồi nằm trên đó. Suốt đêm, Kiều thấp thỏm sợ rớt xuống đất, ráng chịu tê chân chớ không dám cựa mình.
Bữa sau, Kiều xin ba cho cùng nằm nghiêng mình ngược đầu lại trên giường bệnh. Đôi chân ba tong teo như que củi khô, thân mình co rúm sát mép nên chiếc giường dư một khoảng trống. Nhìn ba hơi đáng sợ, cặp mắt trô trố lọt thỏm trong hai hốc mắt lõm sâu, hai má tóp hóp tưởng như đặt vừa quả trứng gà so. Bao năm qua, có vẻ như mấy ngàn chai rượu đã hòa loãng cả thịt lẫn mỡ của cơ thể ba thành nước và thải ra ngoài, chỉ để lại làn da mỏng tang nhăn nheo ôm sít rịt vào xương. Những cơn ho khan càng khiến ba khô rạc người, khạc ra mớ đờm trắng đục nhầy nhậy, có khi lẫn máu.
Rất lâu sau này nghĩ lại, Kiều tự cười bản thân sao hồi đó lớ ngớ tới nỗi phải qua ngày thứ tư mới biết ghé căn-tin bệnh viện thuê giường xếp nằm ngủ. Có lẽ, đầu óc Kiều lúc ấy đang bận nghĩ cách thuyết phục ba uống thuốc do bác sĩ kê đơn. Ba vốn dĩ coi thuốc Tây là con dao hai lưỡi, chữa khỏi bệnh này sẽ gặp tác dụng phụ dẫn tới bệnh kia. Từ nhỏ, dù Kiều đau bệnh gì, ba đều dùng các cây thuốc Nam trồng trong vườn hoặc mua thuốc Bắc ngoài tiệm Đông y.
Dù bệnh hành ba sốt vật vờ kèm ớn lạnh, Kiều năn nỉ mỏi miệng ba mới chịu uống thuốc. Kiều năm hai mươi tuổi chỉ thấy ba chướng tính trái nết bởi lỡ quên mất những ngày tháng tuổi thơ được ba nấu từng chén cháo, sắc từng ấm thuốc. Nước mắt thường chảy xuôi, mưa rơi xuống từ trời chớ có bao giờ mưa chảy ngược đâu.
***
Kiều đi lấy thuốc về, vừa bước tới cửa phòng, một mùi hôi tanh xộc thẳng vào mũi. Ông chú tóc bạc la oai oái. “Con coi dọn lẹ lẹ giùm cái, ba con làm bậy ra kìa. Chưa già đã lẫn, nhớp nhúa như ri ai ở chung cho nổi!”. Ông chú nhăn mặt bụm miệng bỏ ra ngoài hành lang ngồi coi thời sự cùng mấy cô chú bệnh nhân khác. Có người dòm ngó chỉ trỏ nhưng nhanh chóng quay đi vì bắt gặp ánh mắt sắc như lưỡi lam của Kiều.
Ba chưa lú lẫn, chỉ là quen tật xả bậy bạ như khi ở nhà. Mỗi lần uống rượu, ba thoả sức bày bừa đằng trước, Kiều lụi cụi dọn dẹp phía sau. Quần áo vứt tứ tung, đồ ăn trây trét khắp nơi, mảnh vỡ chén bát đầy nhà. Nhưng bây giờ trong viện ba đang tỉnh mà. Kiều thoáng nghi ngờ ba cố tình. Phải kiếm cớ quậy nát nước để bệnh viện cho về nhà. Nhìn một bãi vàng khè lõng bõng trên nền đất giữa phòng, mặt Kiều sượng ngắt, tưởng sắp lộn gan lên đầu nên đâu nghĩ được chi khác. Lau dọn xong, Kiều quỳ thụp hai chân xuống nài xin. Ba ráng ở lại đây thêm ít bữa để các bác sĩ chữa trị mới khỏi bệnh được. Trời mưa lạnh, con không có xe, nhà mình cách hơn bốn chục cây số, ba muốn về thì con cũng chẳng biết làm sao. “Ai mướn mày lo, mắc mớ gì nhốt tao trong này. Thả ra tao tự bắt xe ôm về được!”
Đâu ai nhốt ba, Kiều càng không muốn ở bệnh viện. Suốt một năm vùi đầu vào sách vở trên giảng đường, lăng xăng đi làm thêm khắp Sài Gòn kiếm tiền đóng học phí. Được mỗi mùa Tết về quê nghỉ xả hơi, đi chơi với bạn bè. Chăm ba là chuyện thường, mà ước chi ba dễ chịu như ông chú tóc bạc cùng phòng. Nói gãy lưỡi ba mới ăn được hai muỗng cơm hoặc mấy muỗng cháo. Khóc lóc cầu xin ba mới chịu uống hết bụm thuốc (phải ngồi canh chừng chớ ba phun thuốc ra cửa sổ). Khuyên hụt hơi ba mới đi vệ sinh đúng chỗ.
***
Thỉnh thoảng má vào viện thay ca, nhưng phần lớn thời gian Kiều một mình chăm ba tới khi hết Tết thì vào Nam tiếp tục việc học. Nửa năm sau, ba dần khỏe hơn nên được phép xuất viện. Dịp lễ tranh thủ về thăm nhà, Kiều cứ tưởng ba đã hoàn toàn khỏi bệnh. Có thể ba đã đuổi được con vi khuẩn lao đi rồi, còn “con sâu rượu” quấn lấy cơ thể ba không buông tha rời bỏ. Rượu quậy nát gia đình Kiều và tàn phá sức lực của ba. Tuy thế, rượu không có lỗi, mọi thứ do chính ba lựa chọn.
Hình ảnh ba nằm co ro trong giấc mơ của Kiều có thể không phải vào cái năm ba đau, mà là tháng Giêng năm sau nữa. Bốn giờ sáng, Kiều gói ghém quần áo vội vội vàng vàng cho kịp giờ xe đi Sài Gòn. Kiều đứng sát giường, nhìn qua tấm mùng vải, thấy ba cuộn tròn người lại giống như con tôm. Trời lạnh tái tê da thịt. Muốn lay ba dậy, chào ba con đi, nhưng sợ phiền giấc ngủ khó khăn lắm mới yên ắng. Kiều thò tay vào mùng kéo mền lên đắp cho ba rồi quày quả bước đi, định bụng khi nào về sẽ thưa bù. Có ngờ đâu, đó là hình ảnh cuối cùng của ba mà Kiều được nhìn thấy.
Phải chi Kiều có thể ngược chiều mưa rơi, ngược dòng thời gian quay lại cái đêm trước ngày Kiều lên đường. Ba tỉnh táo nằm đưa võng, Kiều ngồi bệt dưới nền, thủ thỉ trò chuyện. Khung cảnh này diễn ra cả trăm lần trong quá khứ, vào những ngày ba thoát khỏi cơn say, Kiều đọc sách báo cho ba nghe hoặc hỏi lung tung mấy chuyện đời xưa cũ.
Bữa đó khác lạ, lần đầu tiên ba khóc cho Kiều. Ba biết đời ba sai lầm nhiều lắm. Vì ba mà con khổ. Những đêm ba say, đánh đập, chửi rủa, đuổi con chạy ra vườn đầy rắn rết, muỗi bọ. Những ngày con thiếu đồ ăn nhưng ba dồn hết tiền mua rượu. Việc đúng nhất ba làm là cho con đi học.
Kiều hỏi ba còn bao nhiêu lâu, sợ rằng đi chuyến này, lỡ ngày về không kịp nữa. Ba từ tốn trấn an Kiều. Con cứ yên tâm mà đi, đừng lo chi, ba vẫn khỏe lắm. Ba sẽ sống thêm mười bảy năm nữa lận. Đi đi con, ráng cầm được tấm bằng đại học.
Tin lời ba, Kiều đi, và đúng mười bảy ngày sau quay về trong nước mắt.
Ba đoán chính xác con số, nhưng thay năm bằng ngày. Đôi khi, thời gian còn lại của một người chỉ ngắn ngủi tựa cơn mưa bay. Trời chưa kịp tạnh, nắng đang chờ lên, người ta đã xong một đời. Nếu biết trước, Kiều chắc chắn gác việc học qua bên. Nhiều nhặn chi đâu mười bảy ngày để bên cạnh người mình thương yêu nhất. Nếu biết trước, Kiều đã gọi ba dậy chào một câu cuối. Dáng ba nằm cúm rúm trở thành nỗi day dứt trong lòng Kiều, đeo đẳng vào tận giấc mơ mãi những năm sau này. Dường như ai sống trên đời cũng có một vài điều hối tiếc. Ta nếm trải cảm giác dằn vặt thì mới trưởng thành và biết trân trọng đoạn đường phía trước.
Mà phải chi, ba không chỉ nằm bên cạnh Kiều trong những giấc mơ…
Truyện ngắn của: NY AN