Hương mùa cũ

Thứ Sáu, 01/03/2024, 17:14 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngọn gió se se phả nhẹ lên tóc, lên má, từng tia nắng hanh vàng vẽ thảm hoa dưới tán cây dọc theo hè phố. Ngày cuối thu cảm xúc bồn chồn xốn xang thương này nhớ nọ. Trên nẻo đường thiên di, cảnh sắc và hương vị làng quê hoa trái theo tháng ngày dồn ứ, ủ men trong lòng. Mỗi lần dội cơn say nhớ, tâm trạng như chòng chành sóng.

Khi giặc Mĩ leo thang bắn phá miền Bắc, tôi cùng bà nội và các em sơ tán từ thành phố Vinh về Thanh Chương quê ngoại. Hoàn cảnh sống bấy giờ thiếu trước hụt sau nhưng đó là những năm tháng trong trẻo hồn nhiên, đầy ắp mộng mị tuổi xuân thì. Âm hưởng mộc mạc của người quê mô tê răng rứa vẫn len lỏi bám riết… Trời chớm hửng gà vỗ cánh từ nhà mình vọng ra, từ xóm bên gáy tới gọi bình minh. Chẳng biết người già họ thức giấc từ lúc nào? Mỗi lần chuẩn bị đến trường đã nghe từ gian bếp tiếng rỉ rả về mùa màng thời tiết… Củi nỏ cháy lép bép túa lên từng đốm than hoa li ti quanh ấm nước reo sùng sục. Mái tóc bà ngoại trắng như cước vấn quanh khuôn mặt hồng hào ánh lửa. Bà nội lom khom bê rổ khoai nghi ngút khói trút lên cái mươn tre. Món ăn sáng mùa nào thức nấy, nhà nào quanh năm cũng từng đó thực đơn. Vị đậm đà của khoai lang củ sắn, vị ngọt của trái bắp, vị dẻo bùi khoai từ khoai sọ, đến bây giờ trở thành món đãi đằng nhau của dân thị thành.

Vật dụng nhà bếp ngày nay nâng cấp lên bếp gaz rồi bếp từ, bếp hồng ngoại, rất tiện ích, sạch sẽ. Thế nhưng nơi cất giữ nhiều cảm xúc và kỉ niệm ấm áp của tôi là góc bếp ám màu khói, bập bùng ánh lửa của rơm rạ, của sim mua hái trên đồi. Sức trẻ mới lớn bao lần thỏa cơn đói nhờ những món ngạt ngào hương vị đồng quê cùng nụ cười hiền hậu và bóng dáng  người thân. Ở làng tôi được nghe tiếng đồng quê xôn xao. Tiếng chào xởi lởi của người già, người trẻ gặp nhau dù đã quen hay còn lạ. Tiếng mõ lốc cốc lùa trâu nghé về chuồng. Tiếng vặn mình kẽo kẹt lũy tre ngà che chắn gió. Tiếng xào xạc của chiếc tàu cau rơi trước ngõ. Tiếng ríu ran dành mồi của chào mào, chèo bẻo mổ vào quả chín trên cây. Tiếng giọt sương đọng trên mái lá rơi xuống bể nước ngỡ như tiếng mưa, và tiếng lao xao lay động cả bờ lau lách…

Chẳng rõ cây trái vườn nhà ngoại trồng tự bao giờ mà mùa nào quả nấy? Ngoài bưởi bòng cam chanh đào mận… tôi vẫn thích và ấn tượng mãi cây quýt hôi. Đến mùa trái chín nó đỏ lửng cả khu vườn, múi rất mọng nước và ngọt đậm. Bóc vỏ quýt hôi tinh dầu túa đẫm kẽ tay tỏa hương thơm nồng nàn nhất trong họ nhà quýt, gợi mùi dẫu đứng xa chục mét vẫn không lẫn vào đâu được. Rồi tôi nhớ cây mận tím gắn với tuổi thơ chị em tôi. Vì cây mọc cạnh hố ủ phân gần chuồng trâu, người lớn sợ đau bụng cứ hù dọa: “Ăn vào vi trùng nó đục thủng ruột, không nghe bị đòn nha”. Trớ trêu cây mận đó đặc biệt ngon, quả nào cũng giòn tan, ngọt lịm. Càng cấm chúng tôi càng thèm, thế là nảy cách. Thường ngày, nội và ngoại rất thính tai phát hiện tiếng máy bay, mới ù ù từ xa đã lùa chị em tôi xuống hầm trú ẩn. Thế là buổi trưa khi các cụ vào giấc, thằng em đứng sát giường hô khe khẽ: “Máy bay, máy bay”. Lặp lại và to dần vẫn chỉ nghe tiếng ngáy đều đều, cả lũ yên tâm ù ra cây mận. Đứa thoắt leo lên, đứa đứng dưới gốc vừa ôm vừa lắc, đứa cúi lượm trái nhét vào túi áo rồi chạy tới gốc bưởi nhai ngấu nghiến. Chị em tôi đã lùa mấy trăm trái mận lớn bé vào bụng mà chẳng  đứa nào rên bị vi trùng đục lủng ruột. Làng quê hiền hòa, thức ăn nước uống cũng hiền hòa, trẻ em vô tư ăn tươi nuốt sống rau trái kể cả nước sông mà không sợ thuốc này, hóa chất nọ.

Mỗi vùng quê đều có những món ăn hấp dẫn lạ miệng, theo thời gian nhiều thực khách ưa thích xếp nó là đặc sản. Trong nhiều món chế biến từ cây nhà lá vườn, tôi vẫn khó quên hai món dân dã lúc còn ở nhà ngoại. Sau giấc trưa, trước khi ra đồng hoặc vào núi hái củi thường ăn bữa lỡ lót dạ. Em trai tôi rất giỏi leo trèo, bà ngoại sai nó ra vườn thăm dò quả mít nào gai đã nở to vỗ vào nghe “bộp bộp” là hái xuống. Cả nhà xúm quanh cái nong tre xẻ mít chín ương, xếp múi vào chõ đồ xôi đem hấp chín. Ngày đó hạt lạc là thực phẩm chính thay dầu mỡ. Bà nội trộn lạc sống với muối và ít tép hành rồi rang đều tay trong nồi đất. Dầu lạc ứa ra gặp lửa nóng chiên phồng hạt lạc mảnh (giống như kiểu cơm chấm với gạo rang). Mít hấp chín màu vàng hươm cắn từng miếng thấy những sợi tơ vàng dẻo quánh, chấm vào lạc quyện đủ vị ngọt bùi ngon béo ngậy.

Món độc đáo nữa là chấm cả múi bưởi vào bát tương dầm thêm ớt chỉ thiên. Tép bưởi đào căng hồng vị chua ngọt rôn rốt, tan trong vị đậm đà của hạt tương cùng mùi nồng cay của ớt, tất cả quyện vào ngon thấm lưỡi, ăn căng bụng mà vẫn không bị ngán. Sẵn bưởi ngoài vườn, mỗi bữa vậy chúng tôi tiêu hết một dành bưởi đầy.

Sống trong thời kì toàn dân thắt lưng buộc bụng “tất cả cho tiền tuyến” ước được ăn no cũng ám cả vào giấc ngủ. Ngày được mùa người nông dân vui mừng hưởng giọt mồ hôi mặn mòi của chính mình. Làng quê hoa trái bao bọc chở che bà cháu chị em tôi qua bao kì giáp hạt.

Hướng về cội nguồn để gặp lại tuổi thơ thơm thoảng hương cau dịu ngọt, hương bưởi nồng nàn. Ra giêng hoa đào hoa mơ nở trắng cùng chồi non lộc biếc như níu ánh mắt người. Khu vườn xanh mướt và làng xóm xưa giờ vắng bóng bao người thân như đã hóa thành cổ tích… Và tôi vẫn luôn có riêng một vùng quê trong hồi ức của mình.

HUỲNH NGỌC LAN

 
;
.