Duyên muộn

Thứ Sáu, 23/02/2024, 17:06 [GMT+7]
In bài này
.

Gã bôn ba khắp nơi cuối cùng cũng chịu về nhà. Ba mẹ gã bỏ bụng mừng nhưng không dám tỏ ra mặt. Sau một thời gian bàn bạc, họ quyết định giao lại tiệm sửa xe cho con trai. Hai vợ chồng già về quê mua một mảnh vườn, cất nhà rồi sống luôn ở đấy. Họ bảo nhau rằng chỉ khi vậy, gã mới có trách nhiệm với công việc, không dựa dẫm ỷ lại.

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Thế nhưng, họ đâu biết, khi giật phăng cái sợi dây chuyền móng gấu dài thòng trên cổ, gã đã thề sẽ tu chí làm ăn. Gã chán dùng nắm đấm để kiếm sống, đêm về nằm nghe hơi thở của chính mình nặng trĩu trong khuya vắng. Gã chỉ muốn được ăn bữa cơm gia đình với những người gã thương yêu. Gã tự trách bản thân chưa lo được gì cho ba mẹ. Họ đã vất vả hơn nửa đời người, nay ở tuổi xế chiều cũng cần được nghỉ ngơi. Thế là gã sống một mình. Có điều nay gã đã có nhà, có công việc làm ổn định. Gã không còn là một thằng bảo kê bặm trợn trên thành phố.

Từ ngày về quê, gã biết trân trọng những đồng bạc lẻ chân chính. Gã xếp thẳng thớm, cho vào chiếc hộp để đầu giường. Ở xóm chợ này, chỉ cần một ngày kiếm được vài chục ngàn cũng đủ trang trải cuộc sống. Dân tứ xứ tụ tập về mưu sinh. Hàng hóa không đắt đỏ nhưng sức lao động rẻ rúng khiến họ không tài nào phất lên nổi.

Gã không qua lại với ai cả. Chỉ có mấy người họ hàng hay tạt vào tiệm chơi. Họ dòm trước ngó sau rồi tỉ tê loạt tin sốt dẻo ở xóm chợ. Đại loại như chuyện thằng Vũ đổ nợ cờ bạc bỏ trốn. Ông Tư bị mất con gà nòi. Bà Sáu vừa mua chiếc ô tô mới. Thi thoảng họ lại rỉ vào tai gã những lời không mấy tốt đẹp về cô ả bán cá khô sát vách. Cô ả nổi tiếng đanh đá. Ban ngày, cô chửi sa sả vào những ai làm mất lòng, đêm về mở nhạc đến tận khuya. Bởi thế, cô vẫn giường đơn gối chiếc dù tuổi đã cập kê tứ tuần.

Gã chỉ gật gù cười mỉm cho qua chuyện. Đối với gã, mười lăm năm lăn lộn bên ngoài thì loại người nào mà gã chưa gặp qua. Gã chẳng bận tâm. Gã chỉ muốn cuộc sống yên ắng, bình lặng đến hết cuộc đời. Ai làm gì mặc kệ!.

Gã hay nằm đong đưa trên võng lướt điện thoại mỗi khi vắng khách. Giọng cô ả bán cá khô đon đả đón khách cứ the thé giả tạo làm gã khó chịu. Lúc ngọt ngào như rót mất vào tai, khi không vừa ý lại buông lời chua chát. Gã nhớ tuần trước cô ta bị lừa mất năm trăm ngàn. Cô lôi cả tông ti họ hàng nhà thằng lừa đảo ra chửi rồi khóc lóc từ sáng đến tối. Gã không thể nào thiện cảm nổi.

Hôm nay cô ấy dậy sớm bày mớ hải sản khô ra sạp. Cô đốt nén nhang cắm ngay trước sạp cầu cho một ngày mua may bán đắt. Khi cô đang lúi húi cân hàng thì có người phụ nữ dừng lại. Xóc qua xóc lại, bóp, nắn một hồi, vị khách chỉ mua hai mươi ngàn rồi bĩu môi chê mắc. Cô ả trợn tròn mắt, hai tay chống nạnh đuổi đi. Với kinh nghiệm nhiều năm, cô dự đoán cả ngày hôm nay chẳng bán được gì.

Quả đúng như vậy thật. Cô ngồi từ sáng sớm đến nửa buổi chỉ bán một ký cá khô với hai con mực lá. Chiếc quạt trên tay phe phẩy liên tục. Ả ghét mấy con ruồi cứ lờn vờn trước mắt. Chợ ế ẩm. Người bán thậm chí còn nhiều hơn người mua. Năm nay làm ăn khó khăn, công nhân thất nghiệp đa phần về quê. Số người bám trụ lại mảnh đất này đồng lương ít ỏi nên cũng chẳng ra chợ thường xuyên. Nhà hàng, quán ăn đóng cửa. Cứ cách vài ba sạp thì có biển treo cho mướn nhà, bán ki-ốt.

Tiếng xe máy vỡ bô tạch tạch chạy vù qua. Người đàn ông làm rớt bịch huyết heo xuống đất đổ tung tóe trước sạp. Ả điên tiết nhảy bổ ra nhìn theo bóng lưng chửi xối xả. Vừa la lối ả vừa kéo vòi nước ra xịt sạch sẽ. Ả quét luôn cả vệt máu dài chảy trước tiệm sửa xe. Gã đang lúi húi tra cái lốp xe định bụng ngước lên cảm ơn. Không ngờ cái túi ni lông bay từ trong tiệm ra quấn vào chân ả. Ả như vớ được người trút cơn bực tức chì chiết gã làm mất vệ sinh khu phố. Gã không muốn đôi co với đàn bà, im lặng bỏ vào trong nhà đóng sầm cửa lại. Vài khách vãng lai chốc chốc quay lại nhìn, ả trừng trợn khiến họ cũng luýnh quýnh bỏ đi.

Mặt trời đứng bóng, chỉ lèo tèo người qua lại. Mấy hàng quán bên cạnh đóng cửa. Ả bưng tô bún lên không buồn ăn. Mấy nay dạ dày ả khó chịu, đói bụng nhưng lại sợ mùi đồ ăn. Ả bưng ra ngoài đợi ông lão chở thùng đồ ăn thừa. Thấy hai bà cháu đi ngang, ả đon đả mời chào. Con bé đứng nhìn tô bún còn dở. Bà lão thấy vậy, vội kéo đi. Nó ngoảnh lại nuốt nước bọt. Ả mủi lòng chạy theo nhét vào túi nó hai cái bánh ngọt.

- Gớm! Mặt mày lấm lem hết cả rồi. Trưa nắng thế này bà dắt nó đi đâu?

Bà lão lắc đầu. Đứa bé cũng im lặng nhìn ả.

- Không có miệng à?... Thôi đi đi! Mắc mệt! Ả tức tối.

Nắng rọi vào khuôn mặt đỏ bừng của ả. Ả vội kéo khẩu trang lên, lườm hai bà cháu rồi chạy vào trong sạp. “Của cho không bằng cách cho”, gã buột miệng. Thế nhưng, gã biết ở cái xóm chợ này chẳng ai cho ai một thứ gì. Thời buổi kinh tế khó khăn ai cũng lo cho mình miếng cơm manh áo. Xem ra ả cũng có lòng. Mà cũng không thể cứ chìa cho người ta hai cái bánh ngọt rồi hoạnh họe đủ điều. 

Buổi tối, khu chợ nhỏ vắng tanh. Vài con mèo hoang trườn qua mấy ki-ốt bên cạnh tìm đồng loại. Tiếng kêu “ngoao ngoao” vọng lại tê tái trong đêm. Thỉnh thoảng chúng rượt đuổi, cắn nhau chí chóe. Ả ngồi gác chân lên ghế cắn hạt dưa, miệng ngân nga theo câu vọng cổ trên màn hình. Mắt ngân ngấn lệ như sắp khóc. Ả thấy chạnh lòng. Bỗng chốc ả muốn có một bờ vai vững chãi nương tựa. Thèm chăm ẵm đứa con đỏ hỏn trên tay. Ả tắt ti vi, nằm liu riu ngủ…

Một hét lớn vang lên làm ả giật mình. Cả xóm chợ xúm xít lại. Ả len lỏi vào trong đám đông thấy hai bà cháu kẻ quỳ, người bị thằng Đại túm sau ót. Có mấy người vào can ngăn nhưng thấy con dao trên tay hắn, ai cũng sợ. Hắn nghiến răng:

- Mày có trả tiền cho tao không thì bảo? Thằng Vũ nợ, thì bà cháu mày trả. Đâu phải trốn là xong.

- Tôi van anh, nhà cửa tôi bán hết rồi. Anh thư thả vài hôm để tôi kiếm tiền trả tất. Anh thả con nhỏ ra đi, nó tội tình gì?

- Tao mang nó đi làm trả nợ.

Thấy thằng Đại sắp đem đứa nhỏ đi. Ả sốt ruột, mạnh dạn lên tiếng:

- Ấy! Chú bình tĩnh. Chú có nợ chú đòi là đúng. Nhưng chú làm vậy, công an đến thì không hay.

- Đứa nào báo công an, tao giết cả làng. Thằng Đại chĩa dao về phía ả.

- Thả đứa nhỏ ra.

Ả nhận ra tiếng gã sửa xe ngái ngủ sau lưng mình. Gã từ từ đi về phía trước. Thằng Đại ôm đứa nhỏ lùi lại phía sau, tay vẫn lăm le con dao sắc nhọn.

- Dừng lại. Không phải chuyện của mày!

Câu nói vừa dứt thì con dao trên tay hắn cũng rơi xuống đất. Gã đạp ngay một phát vào bụng hắn rồi xốc con bé trên tay. Miệng Đại rỉ máu. Hắn điên tiết nhảy bổ vào thì bị đá văng ra xa. Gã lạnh lùng nhìn hắn.

- Nợ bao nhiêu?

- Hai mươi triệu gốc, mười triệu lãi.

Ả chạy vào đỡ bà cụ đứng dậy. Bàn tay gầy gò, nhăn nheo run rẩy khiến ả mủi lòng. Ả rưng rưng nước mắt nhìn mọi người đang bàn tán xung quanh.

- Bà con làm phước mỗi người góp một ít giúp bà cháu nó. Già thế này còn làm gì được mà trả nợ.

Tiếng xì xầm trở nên to hơn. Kẻ buông lời đay nghiến “Ai đời góp tiền trả nợ cờ bạc?”. Người thương tình tỏ ra cảm thông “Tội nghiệp bà cháu nó nhưng tôi cũng khổ. Con cái học hành, chạy đon chạy đáo mới đủ”. “Tôi mỗi tháng còn phải đóng ba chân hụi chết, lấy chỗ này đắp chỗ kia, có khá giả gì đâu”…

Ả không có gia đình, con cái, cũng không chơi hụi. Quanh năm chỉ cày bục mặt rồi thỉnh thoảng gửi vài đồng về cho mấy đứa cháu ở quê. Còn dư chút để dành lúc ốm đau bệnh tật. Ả nhất quyết không thể vung ra theo cảm tính được. Nhưng đứng trước tình cảnh này, lương tâm đâu cho phép ả làm ngơ.

- Thôi được rồi. Thả bà cháu nó ra đi. Tao trả cho mày trước một nửa.

Ai cũng trố mắt ngạc nhiên. Một con người yêu tiền hơn sinh mệnh của mình mà có thể cho đi hẳn mười lăm triệu. Hóa ra ả tốt đấy chứ! Nhiều lúc chửi rủa người khác ghê gớm, giờ lại chìa tay ra cứu vớt hai con người đang quỳ rộp dưới chân kẻ khác.

- Tôi sẽ trả phần còn lại.

Gã nhìn vào đôi mắt sâu hun hút của ả. Bỗng chốc hơi ngượng ngùng, gã tằng hắng rồi quay vào trong nhà.

Đưa mớ tiền, ả tiếc. Bàn tay nắm chặt không nỡ buông. Thằng Đại giật mạnh rồi bỏ đi. Ai về nhà nấy. Bà cháu nọ quay về phía hai ân nhân, quỳ xuống gập đầu, miệng không ngừng cảm ơn. Gã vội vàng đỡ họ dậy. Đột nhiên, trời nổi gió lớn. Bà cháu vội vã dắt díu nhau đi.

- Vào đây! Giờ còn lang thang đâu nữa...

Ả giữ họ lại hay nói đúng hơn là ả chấp nhận cưu mang hai bà cháu. Kể khi có thêm người bầu bạn, ả vui vẻ hẳn ra. Tiếng cười nói làm ấm cả căn nhà nhỏ vốn hiu quạnh đã lâu. Ả cũng bắt đầu cởi mở hơn với gã. Ả thường sai đứa nhỏ mang sang đĩa rau, con cá, có hôm chén thịt kho tàu. Từ nhỏ, chỉ có mẹ chăm chuốt cho gã miếng cơm manh áo. Lên thành phố, gã làm gì biết đến cái chén, đôi đũa. Cơm hộp người ta ship về tận cửa, mỗi khi nhậu nhẹt toàn để bụng đói ngủ đến sáng. Khi về sống một mình ở đây, gã có nấu ăn nhưng cũng bữa nhạt bữa mặn. Thành thử cơm ả nấu gã thấy ngon đến lạ. Để đáp trả, gã cũng thường sang sửa giúp cái bếp, bắt cái bóng đèn hoặc khiêng đống hàng hóa vào nhà. Mối quan hệ của họ cũng trở nên tốt đẹp hơn.

Một buổi sáng, gã thức dậy trễ. Vươn vai nhìn sang tiệm cá khô vẫn đang im ắng. Chiếc cửa khóa ngoài, sạp hàng phủ bạt. Ả có chuyện gì? Từ trước đến giờ dù có bệnh liệt giường ả cũng bò ra sạp ngồi bán. Tự dưng nay lại đóng cửa. Hay ả về quê? Gã châm điếu thuốc, đung đưa võng. Đôi mắt liu riu chờ đợi tiếng kéo cửa sột soạt. Vài người khách ghé vào, gã bảo hôm nay nhà có việc bận. Có người bỏ xe ở đấy đi bộ về, có người lắc đầu dắt vào tiệm khác. Gã không quan tâm. Khi bóng hoàng hôn rũ xuống hiu hắt trên mái tóc lòa xòa của gã thì họ cũng về. Thấy ba người cười nói vui vẻ, gã đứng dậy vươn vai hỏi thăm.

- Cả nhà đi đâu về mà rôm rả quá?

- Chúng tôi lên chợ tỉnh. Ả vồn vã đáp lại.

- À…

Thấy ả vẫn đang nhìn mình, gã vờ ho húng hắng vài tiếng rồi đi vào nhà. Gã cười. Trong lòng nhẹ tênh.

Khuya. Gã nằm vắt tay trên trán. Hình ảnh người đàn bà sát vách cứ mãi nhởn nhơ trong tâm trí. Ả có đôi mắt sắc sảo và đôi má hồng hào. Ả không phải tuyệt sắc giai nhân nhưng cũng có phần phúc hậu. Gã nhìn ra cửa sổ. Mảnh trăng lưỡi liềm treo lủng lẳng trên góc trời khuya. Vài ngôi sao lấp lánh nhô ra khỏi màn mây. Gã lấy hơi thật sâu rồi ngân lên một câu vọng cổ. Dù vụng về nhưng cũng làm trái tim bên kia bức tường xao xuyến.

 MINH NGỌC

 
;
.