Xuân gõ cửa - Vạn nẻo đường xuân

Thứ Sáu, 21/01/2022, 18:08 [GMT+7]
In bài này
.

Tết Nhâm Dần đã gõ cửa mọi nhà. Vạn nẻo đường Xuân. Ngày 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo, ngày đầu tiên trong chuỗi hoạt động chào mừng mùa Tết nhộn nhịp. Mai vàng ra Bắc, đào thắm vào Nam, Tết đang đến rất gần, sau một năm dịch bệnh và thiên tai, bao khó khăn và hệ lụy. Sức trẻ mùa xuân - đất nước rạng ngời lật trang mới.

Tết Nguyên đán Việt Nam tính theo lịch hệ mặt trăng. Theo lịch sử Trung Hoa, Tết Nguyên đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế. Chữ Hán nôm, Nguyên có nghĩa là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai. Tết Nguyên đán là Tết bắt đầu của năm, mở đầu cho mọi công việc. Văn hóa vùng Đông Á thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu canh tác đã phân chia thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau. Và ứng với mỗi tiết có một thời khắc giao thời, trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu một chu kỳ canh tác, tức là tiết Nguyên đán, sau này là Tết Nguyên đán.

Từ núi Nghĩa Lĩnh nơi đất Tổ, Hồng Bàng dựng nước Văn Lang, người Việt đã ăn Tết có bánh chưng, bánh dầy nhờ sáng kiến của Lang Liêu - con trai thứ 18 của vua Hùng thứ 6, sớm hình thành nền văn hóa truyền thống mang bản sắc văn hóa của người Việt, cùng những sản vật từ lúa gạo, mà gạo nếp là thứ ngon nhất dệt nên bánh chưng xanh. Ngày Tết, nhà cửa được trang hoàng mới, chưng thêm hoa, cây trái, người đi xa đều trở về quê nhà  sum vầy, đoàn tụ. Nhà nhà - người người cầu chúc một năm mới sức khỏe đủ đầy, an lành, thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc.

Người Việt quan niệm Tết là để trở về, Tết là nguồn cội, hướng về ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Văn hóa Tết của người Việt đặc sắc. Chí sĩ Huỳnh Văn Nghệ có cảm hứng để lưu truyền cho hậu thế câu thơ bất hủ: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Đôi ba lần, đây đó nêu chính kiến gộp hai cái Tết dương lịch và âm lịch - vốn thời gian xê dịch rất gần nhau nhưng đã không nhận được sự đồng thuận của xã hội, cũng chính là nét độc đáo lâu đời của văn hóa Tết Việt.

Tết Nhâm Dần 2022 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, đại dịch COVID-19 kéo dài 2 năm nay, đặc biệt là từ đợt bùng phát thứ 4, từ cuối tháng 4 năm 2021, đến cuối năm 2021 cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến  phức tạp khó lường. Hậu quả của đại dịch để lại thật nặng nề cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống người dân và DN. Hơn 36.000 ca tử vong, nhiều trẻ mồ côi, mất cả cha và mẹ.

Vấn đề chăm sóc Tết cho người nghèo, người thất nghiệp, trẻ em mồ côi, đối tượng yếu thế đang được toàn xã hội chung sức chung lòng thực hiện bằng tấm lòng nhân ái, thương người như thế thương thân. Đô thị Vũng Tàu, Bà Rịa, các huyện thị trong tỉnh đang nhiệt thành tổ chức nhiều hoạt động chăm lo tết các đối tượng chính sách, bà con nghèo, người yếu thế, mất việc làm do dịch bệnh, mở các quầy hàng Tết “không đồng”, “mái ấm tết tình thương”, nồng ấm đón bà con xa về gia đình ăn Tết bằng những nghĩa cử nhân văn, cao đẹp.

Thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, chống dịch hiệu quả”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành các cấp thực hiện tốt việc chăm lo bà con xa quê có điều kiện trở về nguồn cội, vui Tết trong bầu không khí gia đình đoàn tụ. Hàng ngàn suất quà Tết của các nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện đã và đang tiếp tục được chuyển tận tay nhiều bà con trong tỉnh vui Tết đón Xuân. Mai vàng - đào thắm, mọi nẻo đường xuân thật ấm lòng.

Thật phản cảm khi ở đâu đó thực hiện những biện pháp chống dịch thái quá, máy móc, rập khuôn, gây khó cho bà con. Họ bàng quan và lỡ nhịp với tình yêu gia đình, quê hương của bao người con xa quê hương. Thật khó chấp nhận cán bộ chính quyền thôn ấp, phường, xã lại cho khóa trái cửa các hộ gia đình có người thân từ nơi xa trở về nhà đón Tết. Thật không phải đạo khi bà con trở về từ vùng xanh, vùng vàng (cấp độ 1 và 2) đã tiêm đủ 2-3 mũi vắc xin vẫn phải cách ly 7 đến 10, 14 ngày, phải test COVID-19 nhiều lần trong 7 hay 10 ngày đầu về quê?

Những cách làm đó là trái với chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt chống dịch”, vi phạm pháp luật, trái với tuyên ngôn đã được hiến định về quyền tự do cư trú, tự do đi lại của người dân. Hành xử tắc trắch thiếu cả lý và tình, còn gì là sự ấm áp, Tết sum vầy, Tết cội nguồn - của văn hóa Tết?

Cao hơn hết, trước hết là ý thức của người dân tự giác thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định, để mọi người mọi nhà đón Tết an vui, theo truyền thống Tết cổ truyền của người Việt.

Mọi nẻo đường xuân - mai vàng, đào thắm - muôn loài hoa đâm chồi nẩy lộc tung cánh. Nhà nhà, người người đoàn kết bên nhau chung sức đồng lòng vượt khó chiến thắng dịch bệnh, chúc mọi sự an lành, nghĩa tình thấm đậm - cội nguồn của sức mạnh đổi mới vững bước đi lên - cả nước, toàn dân tộc.

QUỐC TOÀN

 

 

;
.