MẶT NẠ VÀNG GIỒNG LỚN

Những bảo vật quốc gia đầu tiên của Bà Rịa-Vũng Tàu

Thứ Sáu, 21/01/2022, 18:07 [GMT+7]
In bài này
.

Nhóm 3 chiếc mặt nạ vàng tìm thấy tại di chỉ khảo cổ Giồng Lớn - Long Sơn, đang được lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh là 1 trong 23 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia đợt 10, năm 2021.

Ba chiếc mặt nạ vàng Giồng Lớn - Bảo vật quốc gia đầu tiên  của tỉnh BR-VT.
Ba chiếc mặt nạ vàng Giồng Lớn - Bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh BR-VT.

Những chiếc mặt nạ vàng vốn là đồ tùy táng thuộc 3 ngôi mộ đặc biệt tại di chỉ khảo cổ Giồng Lớn, thuộc xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu được khai quật vào các năm 2003 và 2005. Nhóm hiện vật được xác định có niên đại từ thế kỷ thứ I trước Công nguyên (TCN) đến thế kỷ thứ II sau Công nguyên (SCN).

Những mặt nạ vàng có điểm chung là hình chữ nhật, in nổi hình đôi mắt mở to, 2 lông mày cong cụp xuống, sống mũi nổi khá rõ, cánh mũi to; rìa cạnh có các lỗ nhỏ để xỏ dây đeo. Mỗi chiếc cũng có những đặc điểm khác nhau về kích thước, hình dạng.

Chiếc mặt nạ vàng thứ nhất hình chữ nhật (15x3cm), phía trên mắt là đôi lông mày dài, thanh tú với phần đầu thấp ngang mí mắt, thân cong dần lên trên và đuôi mày cao vút; phần mặt sau là âm bản của những nét chạm của phần trước; 4 góc mặt nạ có 4 lỗ nhỏ. Đây là chiếc mặt nạ thuộc dạng “eye-cover” tức là chỉ thể hiện nửa mặt phía trên, chủ yếu là đôi mắt.

Chiếc thứ hai (15x6cm), phần mặt trước in nổi đôi mắt mở to, đôi lông mày cong cụp xuống cùng với sống mũi nổi cao, cánh mũi bầu; góc dưới của má bên phải được thể hiện một hình gần giống hình mặt trời, với một vòng tròn ở giữa và nhiều tia xung quanh; phần mặt sau là âm bản của những nét chạm của phần trước; mỗi cạnh dọc được đục 3 lỗ nhỏ.

Chiếc thứ ba (15x8cm), phần mặt trước in nổi khuôn mặt người với đôi mắt mở to, đôi lông mày rậm giao nhau, mũi to, môi dày; mặt sau là âm bản của những nét chạm ở mặt trước; ở 4 góc và gần phía dưới môi được đục lỗ để xỏ dây. Đây là chiếc mặt nạ thuộc dạng “full-face” tức là thể hiện toàn bộ đặc điểm của khuôn mặt.

Chúng đều được làm từ kim loại vàng với một trình độ kỹ thuật chế tác điêu luyện. Đây là những hiện vật gắn với tầng lớp người có địa vị cao trong xã hội đương thời của cư dân Giồng Lớn - Long Sơn.

Theo Bảo tàng tỉnh, vàng là kim loại quý không bị phong hóa và có giá trị nên được lựa chọn để dâng cúng bậc tiền nhân đã hiện diện khắp nơi trong khu vực. Tài liệu khảo cổ học cho thấy việc chôn theo mặt nạ làm đồ tùy táng (được dùng đặt trên mặt người chết trước khi mai táng) là một phong tục khá phổ biến ở khu vực hải đảo, phân bố trên một phạm vi rộng lớn từ Java, Bali qua Borneo (Indonesia) và Philippines, có niên đại kéo dài từ đầu công nguyên cho đến khoảng thế kỷ 15.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các hiện vật được gọi là “mặt nạ” ở Gilimanuk, Buni, Plawangan (Indonesia) hay Santubong (Malaysia), thì 3 chiếc mặt nạ tìm thấy tại Giồng Lớn độc đáo cả về hình dáng và kỹ thuật xử lý bề mặt. Tất cả đều có khuôn hình chữ nhật, được dát mỏng, sau đó được chạm nổi hình các bộ phận trên khuôn mặt, một trong số đó thuộc dạng che cả mặt trên đó thể hiện các đặc điểm về mặt nhân chủng như lông mày giao nhau, mũi to thô, môi dày của người Indonesia.

Ông Trần Anh Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết thêm, năm 2014 - 2015, trong quá trình thực hiện Dự án hợp tác trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” giữa Việt Nam và CHLB Đức, các nhà khảo cổ Việt Nam và Đức đều thống nhất đánh giá rằng, cùng với mộ thuyền Việt Khê của văn hóa Đông Sơn, 3 ngôi mộ chôn theo mặt nạ vàng ở Giồng Lớn là những ngôi mộ quan trọng nhất của khảo cổ học Việt Nam thời Sơ sử.

“Dự kiến Bảo tàng tỉnh sẽ làm Lễ công bố Bảo vật quốc gia đối với mặt nạ vàng Giồng Lớn vào cuối tháng 2 tới. Sau Lễ công bố, những chiếc mặt nạ này sẽ được trưng bày tại tủ trưng bày riêng, có hệ thống camera giám sát và cảm biến 24/24 tại khu Khảo cổ học của Bảo tàng tỉnh nhằm quảng bá rộng rãi đến người dân và du khách những giá trị văn hóa, lịch sử”, ông Trần Anh Thiện thông tin.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

Qua 2 đợt khai quật khảo cổ năm 2003 và 2005 tại Giồng Lớn - Long Sơn, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 2.000 hiện vật: đồ gốm, đồ đá, đồ sắt, đặc biệt là có nhiều đồ trang sức thủy tinh, đá nê-phrít, mã não, hồng ngọc và vàng, trong đó có 3 chiếc mặt nạ bằng vàng thời tiền sử. Những chiếc mặt nạ vàng tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ ở Long Sơn thực sự là những hiện vật đặc sắc góp phần làm phong phú thêm cho sưu tập cổ vật bằng vàng thời kỳ tiền Óc Eo và Óc Eo trên vùng đất phương Nam. Mặt nạ vàng đã chứng minh rằng, từ hàng ngàn năm trước, tổ tiên chúng ta đã khai đất, cư trú tại đây. Đây là khu vực quan trọng trong quá trình khai thiên, lập địa của nước ta.

 

 

;
.