Tết ơi

Thứ Sáu, 14/01/2022, 17:39 [GMT+7]
In bài này
.

Tầm sát tết Tây ra đường, đã nghe thiên hạ ỉ ôi chuyện tết.  Chẳng có nỗi mong đợi nào. Ai cũng càm ràm. Chưa kịp tiễn tết cũ, tết nữa đã trờ tới. Chả chuẩn bị được gì, chả làm được việc gì… Rồi người ta thở dài. Không xòe tay tính đầu việc thì trong đầu cũng lẩm nhẩm mấy cái gạch đầu dòng. Gạch cho công việc, gạch cho tiền bạc, gạch buồn, gạch vui…. Chắc hẳn sẽ có người gạch ít, có người gạch nhiều nên cứ sem sém hết năm là những tiếng thở cứ dài ngoằng ngoẵng ra, thất thểu kéo nhau về.

Bà Bộng vừa vãi thóc cho mấy con gà mái đẻ chưa tròn hai lứa vừa lẩm bẩm. Không khéo lại phải bán. Mai mốt tết về còn đong cân nếp, cân đậu. Chưa kể mấy món thịt thà, rau dưa. Con Kén bảo bà ở một mình vậy thì lo chi tết. Thích thì đến, không thích thì thôi. Mả cha mày, nói chi mà càn. Thì cũng phải có mâm cơm cúng tổ tiên ba ngày tết chớ. Tổ tiên có ăn được đâu mà cúng kiếng. Trời ạ, cái con này. Mày đi giúp việc nhà giàu thì mày cũng phải học được nhà người ta cái chi chớ. Ăn nói chi què quặt vậy mày. Năm nào nhà bà Hai chả sắp mâm cúng ú ụ xôi gà rượu oản, lạy trước lạy sau vài ba cái, lầm rầm mấy câu xin xỏ rồi cũng hối nhau ăn như làm khoán. Người nào việc nấy, cắm cúi ăn, loáng cái là hết. Ăn như cho xong của nợ. Rồi còn phải lao đầu vào việc khác. Tết với chả nhất, thảnh thơi chi cho cam. Rồi cũng xoắn xít đủ kiểu. Có khi còn bận bịu hơn ngày thường. Bọn trẻ con chây lười thức ăn, chỉ hóng mấy quả pháo tét đì đẹt nổ trộm. Người lớn cầm bát chạy theo hết dỗ rồi dọa. Cũng chẳng khác gì đút cho xong của nợ. Có thấy ông bà tổ tiên hiện về nói chi đâu. Con Kén huơ huơ hai chân buông thõng bậc thềm, vừa nói vừa bình luận. Giọng cong cớn lắm. Bà Bộng sắm nắm cái rổ, cái chổi, hết đặt chỗ này lại chuyển sang chỗ kia. Chỗ nào thì cũng thế, nhà chỉ nền đất với phên nứa, có ai ngó ngàng nhà bà ngoài Kén đâu mà sắp đặt cơ chứ. Là Kén nghĩ vậy thôi. Nói ra chi cho bà buồn. Đôi lúc đanh đá nói không kịp cầm hơi nhưng cũng biết ý tứ giữ gìn. Chắc là cũng có nói đấy. Mình người trần đâu có nghe. Bựa nay sao rảnh rỗi vậy?

Du Xuân. Ảnh minh họa
Du Xuân. Ảnh minh họa

Bà Hai than tết đến nơi rồi, lên tỉnh kiếm ít đồ. Chắc ở chơi qua ngày.

Ông Hai cũng đi hử?

Chắc thế. Mà con cũng không biết. Thấy bà Hai làu bàu ông không đi thì lên xóm trên hỏi mấy đứa còn nợ. Được đồng nào hay đồng ấy. Tết rồi. Cũng phải để người ta sống với chứ.

Ông Hai nhăn mặt cười chua chát. Có mà bà để người ta sống ấy. Năm hết tết đến lại đi đòi nợ. Trăm thứ tiêu, vạn thứ tiêu.

Tôi không biết. Không đi với tôi, không đi đòi nợ, ông ở nhà làm chi. Con Kén thì cứ hơ hớ thế. Bà Hai đảo mắt qua Kén, ánh mắt sắc lạnh đe nẹt.

Kén buông thõng tiếng thở dài. Vậy đó bà. Nên con bảo với bà Hai cho con sang ngủ với bà bữa. Khi nào bà Hai về thì ới con tiếng, con về ngay. Người ta chả mừng húm, vậy mà trừ của con nguyên ngày công. Bổ béo gì đâu bà. Con gật đầu cái rụp à.

Chà chà, là vậy. Thảo nào tao máy mắt liên tục. Vậy cũng vui, cũng vui. Mày vô trong coi cơm nước sao. Tao ra vườn kiếm ít rau.

Bà Bộng lắc đầu. Chả biết lắc cái nỗi gì. Có thể lắc vầy thì tiếng thở dài mới không phải bung ra. Kẻo Kén lại nghe thấy. Lại bảo con không thở thì thôi, bà thở chi cho mệt. Bóng bà đổ cong cong trên nền đất. Kén  bật cười nghĩ mai mốt mình già rồi người ngợm cũng cong như chữ C vậy không biết thằng Biện có còn thương.

Hôm nay cơm nước để con lo hết. Bà cứ ngồi đó.

Ây dà, coi bộ lớn đến nơi rồi.

Kén nhảy phóc xuống, lập cập đỡ bà vào hiên. Muốn kể cho bà chuyện thằng Biện trộm mẹ cho 5 quả trứng vịt, đang lùi sau đống rơm. Nhưng bà tai được tai nghễnh, nói to không đặng, nói nhỏ không tới nơi. Thôi kệ. Kén vui như được ở nhà mình. Nấu bữa cơm thì có chi khó. Trứng có đó rồi. Rau có sẵn rồi. Đi ở đã bao năm,  chuyện bếp núc với Kén là chuyện nhỏ. Sắp đâu vô đấy hết.

Chiều cuối năm khói sương mảnh khảnh. Mùi hương trầm vương vít cột tâm can người với tết. Thiên hạ đi lo tết hết. Kén chả có việc gì để lo. Đến cả cha mẹ mình còn không biết thì quê quán là cả một mơ hồ, nói chi đến cúng kiếng.

Hồi đưa mày vô chùa, cả làng bu đen đỏ luôn. Đứa trẻ bụ thế, ai nỡ vứt vệ đường. Tao đi làm đồng về, thấy  tay chân im lìm, mặt mày tím tái. Đứa nào vứt con Chắt của tao ở đây? Không chừng chết chắc rồi. Bế được mày lên chân tay run lẩy bẩy, không rõ là vì đói hay vì sợ nữa. Vạch áo cho mày bú mà nhớ con Chắt ghê gớm. Nó bỏ tao đi. Cũng ngần này tháng tuổi thôi. Mỗi lần sữa về không có con đau đớn không sống nổi nữa. Vậy mà hôm bế mày, đói quá, rét quả chả vắt nổi giọt sữa.

Sao bà không đưa về mà nuôi, lẳng con vô chùa chi chừ ngồi tiếc.

Mả cha mày. Không gửi mày vô chùa không chừng bây giờ chết đói cả lũ rồi. Thân tao còn lo chưa xong.

Bận nào sang, bà cũng góp chừng ấy chuyện thôi. Kén thấy không cần thiết hỏi thêm gì. Ngôi nhà nhỏ trống hoác huơ. Bà ở một mình. Hồi còn ở chùa, thi thoảng Kén gặp bà, thành tâm trước Phật. Lần nào cũng chuyện. Chắt ơi, Chắt…. con bây giờ ở đâu? Con có khỏe không? Lớn ngần nào rồi con? Hôm qua đàn gà đẻ lúc chục trứng. Bà Hai sang bưng luôn. Bà để lại tờ tiền chắc đủ cho mẹ ăn cả tháng.

Kén lúi húi bên cạnh, bảo có năm chục ngàn thôi, sống chi được cả tháng. Bà dóc cũng vừa thôi.

Tao nói vầy để nó còn an tâm. Mày không lo công buổi đi, quẹo vô đây chi.

Lần nào lên bà cũng khen bà Hai ấy, con ghét.

Đợi bóng bà Bộng khuất cổng chùa, Kén cũng ngồi thụp xuống, thành tâm trước bàn thờ Phật. Chị Chắt à, chị Chắt ơi, bà Hai ấy cũng đâu có tử tế gì, kì kèo với nhà chùa cho em về ở đợ mà không tiến nổi đôi hạc gỗ. Sư bà bảo không cần trả tiền, tùy tâm Phât tử. Nhà chùa chỉ nuôi nó chứ không giữ nó. Nó lớn rồi thì để nó tự quyết định. Em rối quá chị Chắt ơi.

Rối là rối vậy nhưng cũng phải gỡ rối mà đi. Ngày bà Hai vô chùa đón Kén trời mưa to lắm. Sư bà dỗ mãi, bảo Kén nín đi, lặng đi. Cứ khóc vầy làm trời mưa mãi, làm sao mà về. Bà Bộng cũng lên, tay hoa tay oản. Chắt à, Chắt ơi, bữa nay mưa, con Kén chịu qua nhà bà Hai rồi. Hôm qua mẹ phải dỗ mãi. Nhà chùa bớt được một miệng ăn là thêm phần cho những đứa trẻ khác. Còn đôi hạc gỗ, bà Hai cũng chịu rồi. Là mình nghĩ nên vậy thì khuyên vậy chứ nhà chùa đâu có nặng nề chi.

Thế mà cũng 10 năm rồi đó Kén.

Bà Bộng thở hắt ra, chả cần biết Kén có nghe được không. 10 năm như chớp mắt, loáng cái là qua. Biết rồi bà còn thêm được bao năm nữa. Cha mẹ bà đã về với đất. Kể cả người đàn ông đã hứa như muốn móc tim ra làm tin ấy, cũng bỏ đi sau cái đêm mưa đổ ầm ầm. Mất cái Chắt rồi, bà nghĩ mình sống tiếp cũng chả có ý nghĩa gì nữa. Bao lần cầm cán liềm lên xát cổ tay lại nghĩ nhỡ mai mốt ổng về, ổng hỏi giọt máu bữa ổng để lại đâu, biết lấy ai trả lời. Lấy ai chỉ đường cho ông lên chùa thắp cho nó nén nhang. Dù gì thì cũng là cha con. Đàn bà được cái lý sự, những lý sự cùn trơ mà cứ ham níu vào.

Hay mày qua ở với tao đi Kén.

Đôi lúc bà muốn mở lời vậy nhưng cứ dằn vặt mãi. Cái hôm nhặt được Kén ở vệ đường bà chẳng cho nổi giọt sữa. Bây giờ Kén đã đủ lông cánh, vứt đâu chẳng sống được mà phải luẩn quẩn bên bà. Kể cả lúc kén than như trời sụp rằng giờ mà có chỗ để về chắc Kén bỏ nhà bà Hai đi mất, bà cũng đã nấn ná nhưng mồm miệng cứ đóng kin kít. Chỉ bâng quơ đôi câu rằng tiền mày công quả nhà chùa vậy cũng hòm hòm rồi, từ giờ có đồng nào cất đi còn tính chuyện chồng con. Nhưng Kén cứ khăng khăng rằng mạng sống này của Kén là nhà chùa cho, công quả bao đời cho đủ. Kén bảo vậy thì bà nghe vậy, cũng chẳng biết bàn ra bàn vô chi để lung được lòng Kén.

Thằng Biện xô hàng rào chạy xồng xộc vô nhà. Bà Bộng ơi, cái Kén bỏ nhà bà Hai đi rồi.

Trước sau gì thì cái sự bỏ đi của Kén bà cũng tiên liệu được nhưng đường đột vậy làm bà luýnh quýnh.

Mả cha hắn chớ, đi đâu kiếm được giờ? Mày chạy qua chùa ngay.

Con qua rồi, sư bà bảo không thấy.

Chắt ơi, mẹ kiếm nó ở đâu bây giờ đây Chắt? Mày sống khôn thác thiêng mày phù hộ cho em nó. Bà Bộng cắp nón mê tất tả ra đường. Bà còn biết đi đâu ngoài lên chùa. Vừa đi vừa cầu trời khấn Phật. Giá mà bà mở lời, Kén đã có chốn mà về. Đằng này còn ham hố giữ gìn. Lòng tự trọng đôi lúc là bức tường thành ngăn cách con người ta ghê gớm.

Cơ sự như nào, kể coi Biện.

Nghe người ta kháo bà Hai về nhà, thấy ông Hai trong buồng Kén. Mặt ông ta biến sắc…

Mả cha nó, mắc mớ chi mà phải bỏ đi. Mình làm gì nên tội đâu. Lão già ấy bao lần sàm sỡ nó đã sổng kịp rồi. Lần này tao kể hết với chính quyền, coi nhà đó còn làm trò.

Thằng Biện lập cập chạy theo. Muốn can bà chuyện báo chính quyền. Thực ra, Kén cũng chẳng còn cách nào khác, buộc phải báo bà Hai về giữa chừng, đúng cái lúc ông Hai mò vô buồng. Nhịn bao lần rồi, lần này phải trắng đen ra. Cách này hơi ầm ĩ tý nhưng còn có cớ mà đi. Nhưng bà đi nhanh quá. Thanh niên gì chạy theo bà già còn không kịp. Bộ này mà biết được Kén với Biện đang diễn trò chắc còn dư sức phang đòn gánh.  Bà đâu biết được bây giờ Kén đang lúi húi dọn dẹp nhà cửa, thằng Biện không la làng vậy bà sấp ngửa chạy lên chùa vội chi. Tết đã xáp vô tận cửa nhà. Giờ thì lo mà kê đặt lại cửa nhà cho tinh tươm rồi đợi bà về mắng chứ biết làm sao.

Lần đầu tiên trong đời Kén háo hức một cái tết. Mà suy cho cùng, tết có tội tình chi. Tại người cả thôi. Mắc mớ chi quàng xiên cho lắm vào. Tết là tết. Cứ đến rồi đi như mưa nắng giữa đời vậy, có làm phương hại đến ai đâu mà hễ thấy mưa bụi lây rây trước mắt là đưa ra đay nghiến vậy trời?

Truyện ngắn của NGUYỄN HỒNG

;
.