Happy new year! Happy new year… Tiếng nhạc chuông báo thức vang lên khiến Nhi bừng tỉnh giấc.
6 giờ rồi. Thời gian gần đây phần tại trời lạnh dễ ngủ, thêm cái vụ học online không phải chuẩn bị để đi đến trường nên học sinh thường hay ngủ nướng. Hậu quả là 7h30 mới vào học mà khi vào phòng học rồi mấy đứa bạn Nhi vẫn nhăn nhó than là chưa ăn sáng.
Hồi mẹ ở nhà, mẹ là chuông báo thức. Mẹ đi rồi, Nhi đặt chuông báo thức bằng điện thoại nhưng thường tối trước khi đi ngủ, Nhi tắt nguồn. Chuông không kêu, thế là Nhi vẫn thường xuyên dậy muộn.
Tuy nhiên hôm nay là ngày đặc biệt. Tuần trước mẹ đã hẹn, nếu không có gì trục trặc, mẹ và chị sẽ về Vũng Tàu trước rằm tháng Chạp. Hôm qua là mười bốn, hỏi mẹ vẫn bảo: Còn tùy bác sĩ! Nhưng chị An nhắn cho Nhi bảo: Mẹ sợ Nhi “Hy vọng lắm lại thất vọng nhiều” nên nói vậy, chứ mẹ và chị đã thu xếp đồ đạc xong xuôi để mai trả phòng rồi. Thế nên hôm nay, Nhi mới dậy sớm dọn dẹp nhà cửa gọn gàng để đón mẹ.
Việc đầu tiên là phun nước tưới rau, tưới cây. Sáng qua dậy trễ, rồi bận học bài, nhớ ra thì mặt trời đã quá đỉnh đầu, đành cho qua, tính đợi đến tối tưới luôn thể nhưng tối mải điện thoại với mẹ với chị, Nhi lại quên. Mẹ cười: Con cứ quên luôn như vậy thì rau hoa gì cũng héo hết, tết chẳng có hoa chưng. Nhớ mai phải tưới sớm đấy, mùa này đâu có mưa!
Trời không có mưa nhưng mà lạnh. Cái lạnh se se, the thắt, khẽ khàng của buổi sáng chạm vào da thịt Nhi như một viên kẹo bạc hà nơi đầu lưỡi. Với cái khí hậu một mùa nóng một mùa nóng hơn của phương Nam thì thời tiết của những ngày cuối năm này chính là sự đãi ngộ đặc biệt của đất trời. Nó khiến lòng Nhi chộn rộn nôn nao.
Nhi đi đôi ủng vào, bước ra vườn tìm cái vòi phun. Bắt đầu từ những cây xoài, mít, chuối, nhãn, đu đủ. Sau đó là những hàng rau, sau nữa thì tới những cây hoa. Hết cả khu vườn thì mặt trời cũng vừa ló qua hàng rào. Cái không khí nhè nhẹ của sương sớm, gió mùa và cái màu nắng ban mai của vùng ngoại ô đúng thật lay động lòng người. Khung cảnh thiên nhiên xung quanh Nhi dường như đẹp hơn.
Ngoài kia đường sá đã được quét dọn, gọn gàng, sạch trơn. Các chợ tự phát, vỉa hè gần như bị dẹp nên những hình ảnh lam lũ nhếch nhác cùng cái mùi hỗn độn của chợ búa mọi khi cũng không còn. Trời trong, cảnh đẹp như vậy lẽ ra sẽ khiến lòng người hân hoan, chộn rộn háo hức lắm nhưng năm nay mỗi người sẽ đón Tết với một tâm trạng khác. Con vi rút quái ác đã làm thay đổi cuộc sống của tất cả mọi người, cũng vì nó mà Nhi mới phải xa mẹ lâu như vậy.
Trong mắt những đứa con nhỏ, mẹ luôn là người tuyệt vời nhất. Những đứa con lớn, nhất là mấy đứa đang độ tuổi teen như Nhi thì có thể nghĩ khác. Thế nhưng với Nhi, mẹ lúc nào cũng là số một. Ba mẹ chia tay nhau từ khi Nhi còn nhỏ xíu. Một mình mẹ nuôi cả hai con. Bình tĩnh, tính toán hợp lý từ chuyện nghỉ việc mở công ty, chuyện chuyển trường cho Nhi, chuyện quyết định cho chị An về nước hồi năm ngoái. Thì đấy riêng cái vụ mẹ tranh thủ lúc dịch chưa bùng phát, bán thanh lý hết số hàng bị tồn do ảnh hưởng bởi tin đồn có ca dương tính với COVID-19 từ đợt Tết năm trước đã thấy mẹ sáng suốt rồi.
Khi mấy người ôm hàng, đợi hết dịch bán, kêu trời kêu đất về chuyện tiền mặt bằng, điện, nước, nhân viên chưa kể hàng hóa hư hỏng, hết đát, không bán được thì mẹ con Nhi đã ung dung ở trong căn nhà mới xây có khu vườn rộng cả ngàn mét vuông dưới Phước Thắng rồi. Mẹ bảo: Dịch giã còn dài, chúng ta về đó nuôi gà trồng rau, tránh dịch, sống tối giản một thời gian. Nói là sống tối giản nhưng mẹ cũng sắm sửa đủ cả xoong nồi, chén bát, bàn ghế, ti vi, giờ chỉ lắp thêm wifi, mua thêm ít gói hạt giống, phân bón thế là ba mẹ con có chỗ trú ngụ, thư giãn và làm việc tuyệt vời.
Trước tiên phải kể đến khu vườn. Do mẹ mua từ khi giá nhà đất còn rẻ, lại chỉ bỏ ra có trăm mét vừa nhà vừa sân nên khu vườn khá rộng. Cộng với việc những nhà xung quanh cũng chưa ở đến nên sẵn tiện hạt giống mẹ mượn đất trống, trồng rau luôn. Ba mẹ con vừa làm vừa giỡn nhau mà chỉ mấy tháng sau cả khu đất quanh nhà đã xanh ngát.
Những luống rau đay, rau cải, mùng tơi, bí, mướp, đậu bắp, cà chua đua nhau khoe những chiếc lá to non mỡ màng. Sau đấy thì hành lá, xà lách, rau mùi, rau hẹ... cũng chen nhau nhú mầm. Đất tốt, rau tươi non, ăn đến đâu cắt đến đấy, mỗi ngày mỗi món khác nhau, chả cần nhiều thịt cá mà Nhi và chị An vẫn đánh bay hai chén cơm đầy mỗi bữa. Số rau nhà ăn không hết, mẹ mang biếu họ hàng, người quen, cũng là một cách tiếp thị. Người này mách người kia, nguồn rau sạch mẹ trồng thường xuyên cháy hàng, dù giá bán đắt gấp đôi giá chợ. Nguồn thu từ rau đủ để mua thịt, cá, và các nhu yếu phẩm khác.
Ở đây tuy vắng vẻ, xa trung tâm nhưng có mẹ, chị em Nhi chả có thời gian để buồn. Mẹ nghĩ ra nhiều chuyện để làm lắm. Chỉ riêng việc chăm sóc khu vườn hết ngày rồi. Lúc đầu vườn chủ yếu là rau. Sau đấy, mẹ mua mấy cây mía tím về ăn, tiện cắm đầu mía xuống, thấy nó nhanh nhú mầm, mẹ quyết định mua thêm ít cây giống nữa, giao cho hai chị em Nhi trồng và chăm. Mẹ còn tổ chức cuộc thi “Người làm vườn chân chính”. Ai có cây thu hoạch sớm nhất sẽ được chọn nơi du lịch khi hết dịch.
Nhi ngốc nghếch, chọn phụ trách mấy cây xoài, ổi, tưởng cây ổi đã ra hoa sẽ nhanh ra trái nhưng mãi mà quả vẫn chưa ăn được. Chị An chọn nhãn, mít cũng vậy. Mẹ thắng giải vì chọn chuối và đu đủ. Chuối thì mẹ dùng lá để làm bánh bột lọc, đu đủ xanh mẹ dùng nấu canh xương. Quả chưa ăn được thì có thể biến nó thành rau. Mẹ rất hay kết hợp vừa hấp bánh vừa nấu cơm như vậy.
Những cây hoa ngoài sân cũng vậy. Chủ yếu là hoa Tết mua tốn tiền nhưng dùng xong, nhà nhỏ, không có đất, đành bỏ. Mẹ cho chở lên đây, thêm đất, thêm phân, thêm công chăm sóc thế là bây giờ trước sân nhà đã có mảnh vườn hoa nho nhỏ đủ loại. Khi năm, bảy bông nhài thơm ngát, khi vài nụ hồng đỏ rực. Ngâu và cúc vàng thì liên tục tỏa hương. Hiếm hoi hơn nhưng thược dược, đồng tiền đôi khi cũng bẽn lẽn hé ra một vài bông màu cam và hồng tím. Trước đấy mẹ thường bảo; Nếu chăm sóc tốt có khi tết năm nay nhà mình không phải mua hoa ngoài chợ. Nhìn mẹ quyết đoán chỉ chỗ cho thợ khoan giếng, lắp điện, xăm xắn trồng cây, rào dậu, Nhi vừa cảm động vừa cảm phục. Dường như không có khó khăn gì có thể làm khó được mẹ.
Ấy thế mà đùng một cái mẹ bệnh. Căn bệnh mà An vẫn nghe mọi người nói về nó sợ hãi như nhắc đến thần chết. Hôm biết tin, bà và chị em Nhi khóc mãi nhưng mẹ bảo: Chả sao, bệnh này giai đoạn đầu người ta chữa khỏi mà. Mất thời gian tí thôi nhưng may thời gian này đang rảnh. Bà ngoại bảo: Mẹ mày lì nhất nhà. Hồi bà đẻ mẹ mày, bà đau bụng cả hai ngày, mẹ mày mới chịu chui ra.
Rồi mẹ và chị đi Sài Gòn. Dịch giã, giãn cách đi lại khó khăn nên mẹ thuê nhà ở luôn trên đó, tiện cho chị An học online. Nhi cứ tưởng chỉ năm bữa nửa tháng là mẹ về. Nào ngờ, một tháng, hai tháng, rồi ba tháng, mẹ vẫn chưa về. Thời gian đầu Nhi ở cùng bà ngoại. Chó, mèo mang đi gửi. Gà, vịt mang đi cho nhưng còn khu vườn chả thể bê đi đâu. Nhi lo cho mấy cái cây của mình thì ít, sợ mấy luống rau, mấy cây hoa của mẹ chết thì nhiều nên tuần mấy lần chạy đi chạy lại giữa nhà ông bà ngoại và nhà mình. Sau đó có lần trễ quá, ngại về, Nhi khóa cổng cửa, ngủ luôn tại nhà, quyết định ở một mình luôn. Mẹ và ông bà ngoại lo. Chị An bảo: Nhà có camera, trộm cắp bây giờ cũng sợ COVID, chẳng dám đi ra ngoài lo gì. Nhi trêu mẹ: Hay để con mượn tấm biển “Nhà có người đang cách ly y tế” treo ở cổng cho trộm nó sợ!
Riết rồi cũng quen, Nhi cứ khóa cổng ở lì trong nhà, có khi cả vài ba ngày mới chạy ra ngoài để lên nhà ông bà hoặc đi giao rau. Vườn rau bây giờ chỉ còn có mấy loại dễ trồng, chỉ có cây và hoa thì vẫn nguyên như thế. Hoa hồng, hoa cúc, đồng tiền, thạch thảo vẫn luân phiên nở hoa, tỏa chút hương thơm cuối đông đậm đà. Ngày rằm, mồng một âm lịch nào Nhi cũng cắt vài cành, cắm vào chiếc lọ sứ đặt phía trên ban thờ, thầm lạy trời khấn phật cho mẹ sớm về với Nhi.
Mấy lần Nhi đã tính đi Sài Gòn nhưng mẹ và chị không cho, mẹ nói Nhi chưa tiêm đi lên đây mẹ không yên tâm nhưng Nhi biết thời gian đó mẹ không khỏe nên không muốn Nhi thấy mẹ yếu mà đâm lo. Tiêm vắc xin xong, Nhi cũng tính lên Sài Gòn nhưng mẹ lại nói mấy bữa nữa điều trị xong mẹ về, nhớ thì đã có zalo, messenger nhưng nhìn mẹ qua màn hình điện thoại sao bằng nằm trong lòng mẹ, nắm lấy đôi tay chai sần, sờ lên vết sẹo trên ngực, bẹo vào đôi má còn căng đầy của mẹ chứ. Chưa kể Tết nhất đến nơi rồi nhà bao việc cần mẹ.
Nếu có mẹ ở nhà, mẹ sẽ đi mua mấy cái chậu, chọn trong số những bụi cúc đang chúm chím nụ vàng kia ra những cây đẹp nhất, bứng lên, trồng ghép vào, thể nào tết cũng có hai chậu hoa đẹp hai bên cổng. Rồi mẹ sẽ chỉ cho Nhi cách nhặt lá cho mấy cây mai thế nào, bón phân cho mấy bụi hồng ra sao để chúng ra hoa đúng tết. Mẹ cũng sẽ đôn đốc hai chị em, quét lá khô trong vườn, dọn dẹp lau chùi nhà cửa, bỏ bớt những đồ dư thừa cũ kỹ cho gọn nhà. Sau đó mẹ và chị em Nhi sẽ đi sắm đồ tết, tối về thì vừa xem tivi vừa nhặt hành, kiệu để muối dưa, rửa lá dong gói bánh chưng, thái gừng, dừa, đu đủ để làm mứt. Thế là nhà sẽ ngập tràn không khí tết. Không khí tết ấy sẽ chỉ có khi mẹ về.
Nhi cắt trái đu đủ to nhất, có một mặt đã hưng hửng vàng, đặt lên ban thờ, nhắm mắt, thút thít:
- Bây giờ con chẳng mong gì, chỉ mong mẹ khỏe mạnh và ở cạnh con thôi…
-…Rồi còn mong dịch tan, mong cho con sang năm thi đậu điểm cao, mong cho vườn rau nhà ta tươi tốt, mong mấy cây hoa nhà mình nở bông rực rỡ nữa.
Nhi ngẩng phắt đầu lên. Tiếng mẹ từ camera vọng xuống vui vẻ:
- Con gái ngoan, đừng khóc nữa nha. Mẹ và chị đang trên đường về nhà!
Truyện ngắn của BÙI ĐẾ YÊN