Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo trực tuyến tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa do Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 12/1.
Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và 10 năm được sửa đổi, bổ sung, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xếp hạng 10.000 di tích cấp tỉnh; Bộ VH-TT-DL đã xếp hạng 3.590 di tích quốc gia; Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng 119 di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, có trên 40.000 di tích được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Tại hội thảo, đại diện các địa phương, các chuyên gia và các nhà khoa học đã tham luận, đóng góp ý kiến từ góc độ thực tiễn và tiếp cận khoa học chuyên sâu để Bộ VH-TT-DL xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đề nghị các địa phương cần nâng cao nhận thức và thể chế hóa, bám sát các quan điểm chỉ đạo cũng như tiếp cận ở góc độ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di sản, để hệ giá trị di tích, di sản thực hiện vai trò dẫn dắt, quảng bá thương hiệu khẳng định hồn cốt dân tộc. Bên cạnh đó, cần tạo mối quan hệ tương thích, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa và các bộ luật khác để tạo động lực cho sự phát triển giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
QUANG LÊ