Nghe nhạc Phú Quang thấy được hình ảnh Hà Nội

Thứ Sáu, 10/12/2021, 21:34 [GMT+7]
In bài này
.

Trong kho tàng âm nhạc đồ sộ của Việt Nam qua các thời kỳ, những nhạc sĩ sáng tác ca khúc về Hà Nội nếu làm một con số thống kê chắc không hề nhỏ. Nhưng để trở thành dấu ấn, in được chữ ký của mình lên tác phẩm mang đậm chất Hà Nội để đứng riêng như một nhạc sĩ của Hà Nội, viết về Hà Nội mà chỉ cần nghe ca từ khi ca sĩ cất tiếng hát thì biết tên tác giả bài hát thì rất ít nhạc sĩ đạt được điều hiếm hoi này. Trong số ít, hiếm hoi ấy mừng thay lại có nhạc sĩ Phú Quang.

PHÚ QUANG, NHẠC SĨ IN ĐƯỢC CHỮ KÝ LÊN CA KHÚC VỀ HÀ NỘI

Chỉ tính từ lớp nhạc sĩ tiền chiến đã thấy nổi lên những gương mặt lẫy lừng: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Huy Du, Hoàng Quý, Dương Thiệu Tước, Văn Phụng, Hoàng Dương, Đặng Thế Phong, Dzoãn Mẫn, Nguyễn Đình Thi, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Cung Tiến… Thật sự không thể kể hết vì không nhớ hết tên nhạc sĩ chứ nói chi đến tên các ca khúc viết về Hà Nội bằng hình thức này hay hình thức khác. Riêng về những nhạc sĩ cận đại như Thuận Yến, Phan Huỳnh Điểu, Phó Đức Phương, Phan Lạc Hoa, Phú Quang… rồi cả nhạc sĩ sống trong miền Nam như Hoàng Hiệp, Trần Quang Lộc, Trịnh Công Sơn hoặc các nhạc sĩ trẻ hơn sau này như Nguyễn Vĩnh Tiến… cũng đầy cảm hứng sáng tác với đề tài Hà Nội.

Nhưng cũng như hội họa, khi nói đến họa sĩ Bùi Xuân Phái mà trong giới đặt cho ông biệt danh “Phái Phố” thì người ta nghĩ ngay đến những bức tranh vẽ phố cổ của ông, rất đặc trưng Hà Nội. Bên lĩnh vực âm nhạc, Phú Quang nổi lên như một nhạc sĩ mang nặng nỗi niềm về Hà Nội. Rất nhiều ca khúc của anh chỉ nghe ca sĩ cất tiếng hát, ca từ lướt đi trên nền nhạc người nghe đã biết đó là nhạc của Phú Quang viết về Hà Nội. Bởi nhạc Phú Quang viết về Hà Nội không cần trực diện mà chỉ bằng hình ảnh anh mô tả, ca từ chuyển tải, điệu thức, cung bậc trữ tình, lãng mạng, da diết… mang đậm chất Phú Quang, một người con, một nhạc sĩ sinh ra ở Hà Nội và dường như cuộc sống, cõi lòng, tâm trạng ông luôn vương vấn biết bao nỗi niềm về Hà Nội. Đó là vùng trời chất đầy kỷ niệm, ký ức vui buồn, hạnh phúc thậm chí đau khổ về tình yêu, mất mát, nhớ thương, hay phải đi xa để nhớ về khoảnh khắc chuyển mùa, hàng cây lá đổ, góc phố rét se da thịt và mênh mông hơn nữa đó là đất trời, con người Hà Nội.

Cũng như nhiều nhạc sĩ khác, Phú Quang không chỉ sáng tác bằng cảm xúc mà còn dùng nhiều chất liệu trong cuộc sống để làm phong phú ca từ và thăng hoa nhạc cảm lên những cung bậc cao hơn. Một “Chiều Phủ Tây Hồ” đậm chất ca trù nghe rờn rợn cảm giác chìm ngập vào sương khói mông lung của cõi tâm linh. Đó cũng là khoảng trống đồng thời là gạch nối giữa thế giới mơ hồ, huyền ảo và đời thật của con người. Một ca khúc đậm nét ca trù Bắc Bộ nhưng lại thanh thoát trên nền nhạc để bay bổng một cách trữ tình, lãng mạn chứ không nặng nề, vướng lại tục lụy ưu phiền. Một “Im lặng đêm Hà Nội”, hay một “Em ơi Hà Nội phố” cho người nghe thấy ngay hình ảnh của Hà Nội vừa gợi lên nỗi nhớ nhung da diết và chỉ có ở Hà Nội chứ không lẩn vào một thành phố khác.

Đặc biệt với ca khúc “Em ơi Hà Nội phố” nhạc sĩ Phú Quang đã trở thành một dấu ấn, một chữ ký là nhạc sĩ của Hà Nội, viết về Hà Nội như họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ và đóng dấu, in chữ ký tên “Phố Phái” lên những bức tranh phố của Hà Nội không lẩn với ai khác.

Nhưng đừng tưởng nhạc Phú Quang dễ hát và ai hát cũng được. Tôi đã nghe nhiều ca sĩ nổi tiếng hát nhạc Phú Quang, nhưng ca sĩ hát nghe được, chuyển tải được ca từ, hồn vía nhạc Phú Quang thật sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có một ca sĩ nữ, khá nổi tiếng một thời được “lăng xê” như một diva mà tôi không muốn nêu tên ra đây hát nhạc Phú Quang như “lên đồng” không phải khi hát “Chiều Phủ Tây Hồ” mà là “Im lặng đêm Hà Nội”, “Đâu phải bởi mùa Thu” mà ngay cả “Em ơi Hà Nội phố” cũng phá cách, phá tiếng, và phá cả nhạc của Phú Quang.

NHỮNG KỶ NIỆM VỤN VỚI NHẠC SĨ PHÚ QUANG Ở SÀI GÒN

Nhạc sĩ Phú Quang có một thời gian dài sống ở Sài Gòn. Lúc tôi còn bên Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh anh vẫn thường tới chơi. Anh quen cả tôi và anh Hà Phi Long nên chuyện anh tới báo chơi, ăn cơm trưa thân mật với chúng tôi là chuyện bình thường. Vì dạo đó BBT có dành bất cứ buổi trưa nào trong tuần để tiếp khách, mời cơm thân mật tại tòa soạn. Nên khách văn chương, báo giới, nghệ sĩ không chỉ ở Sài Gòn mà cả ngoài Hà Nội vẫn thường ghé chơi.

Có hôm ăn cơm trưa xong bên phòng khách BBT, anh Phú Quang qua phòng làm việc của tôi ngồi uống trà, nói chuyện khào. Thời gian đó anh hay phổ thơ của một số tác giả thơ mà anh yêu thích nên có đề nghị phổ thơ tôi. Lúc đó tôi cũng vừa in xong 4 tập thơ: Tái hiện giấc mơ-Áo còn vướng lại-Nửa đời ta yêu em-Có tên một dòng sông nên ký tặng bản đặc biệt cho anh Phú Quang với sự đồng cảm và trân trọng một tài năng âm nhạc.

Tất nhiên so sánh nào cũng khập khiễng, nhưng trong mắt tôi, Phú Quang sáng tác nhạc rất “Tây”, giống như Cung Tiến của Sài Gòn trước năm 1975. Nhịp chậm rãi, ca từ đẹp, mượt mà, lãng mạn, da diết, sang trọng. Mỗi lần phổ thơ tôi thành ca khúc, anh đều tới tòa soạn “khoe”, đưa tôi bản ký âm và hát lẩm nhẩm cho tôi nghe để... góp ý. Tôi chẳng có gì để góp ý, chỉ mang chai rượu Tây ra đối ẩm với bạn như một lời cảm ơn chân tình, chia chung niềm vui với Phú Quang vì một ca khúc mới của anh từ thơ của tôi.

Trong một số ca khúc anh Phú Quang phổ từ thơ của tôi có bài “Gửi đôi mắt”, được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng hát và rất thành công như Quang Lý, Mỹ Linh. Ngọc Anh... Mặc dù trên nền tảng Youtube không ghi tên tôi là tác giả thơ, chỉ có tác giả nhạc là Phú Quang. Nhưng thôi kệ, không sao cả. Tôi nghĩ Phú quang không cố ý mà đây chắc là lỗi của người quay clip và đưa lên Youtube. Kể cả ca khúc “Dòng sông không trở lại” cũng y như trường hợp này.

Rồi nhạc sĩ Phú Quang mở nhà hàng ở đường Đồng Khởi Q.1, TP.HCM. Đúng hơn đó là một phòng trà vì có sân khấu và ca sĩ trình diễn mỗi tối. Ban ngày thì bán thức ăn, bia rượu và cà phê. Mấy lần tôi, Đoàn Thạch Hãn và NS Trịnh Công Sơn ghé đây chơi, nhưng chỉ buổi sáng uống cà phê, buổi chiều nhắp nháp tí rượu. Chúng tôi thường ngồi ở cái bàn cố định phía ngoài cửa, chỗ hành lang bên tay trái để nhìn thẳng ra đường Đồng Khởi. Buổi sáng và buổi chiều tàn ở đây rất đẹp. Từ lúc mở phòng trà, nhà hàng, Phú Quang rất bận nên ít ghé tòa soạn Báo CATP.HCM chơi với anh em chúng tôi. Nhưng rồi nhà hàng, phòng trà của Phú Quang thua lỗ không trụ nổi. Thời gian sau đó nghe anh về Hà Nội và không vào lại Sài Gòn. Rồi nghe tin anh Phú Quang lâm bạo bệnh.

Nhạc sĩ Phú Quang vừa mới mất sáng ngày 8/12/2021 lúc 8 giờ 45 tại Bệnh viện Việt Xô, Hà Nội. Tin buồn này được lan tỏa một cách nhanh chóng trên mạng xã hội và trong đời sống đang tiếp diễn ở những ngày cuối tháng 12. Cuối năm thường là một cuộc điểm danh bạn bè ai còn, ai mất. Nhưng không ngờ trong số người ra đi lại có tên nhạc sĩ Phú Quang. Dù biết anh mất vì bạo bệnh kéo dài, nhưng sao vẫn thấy bất ngờ và thật sự ngậm ngùi tiếc thương không chỉ cho số phận đời người mà là một đời người vương vào hai chữ “nghiệp dĩ” và “tài hoa”.

Nhạc sĩ Phú Quang mất đi nhưng những ca khúc thấm đẫm nỗi niềm về Hà Nội của anh vẫn còn sống mãi. Từ bây giờ chắc anh không còn bận lòng gì về Sài Gòn nơi mà người nhạc sĩ tài hoa đã có một cuộc dạo chơi dài hay có thể nói là một cuộc đi rong, giang hồ vặt cho biết Sài Gòn để rồi anh quay về Hà Nội nơi có “Cây bàng mồ côi mùa đông”, “Góc phố mồ côi mồ đông”. Và rồi anh nằm yên lại đó cũng trong những ngày Hà Nội lập đông.

Trong cảm xúc ngậm ngùi của một người ở lại, tiếc thương một nhạc sĩ tài hoa, một người bạn đã về cõi khác, đặc biệt trong thời tiết lập Đông không còn bao lâu nữa sẽ chuyển sang xuân, năm mới 2022 tôi đã lặng người ngồi nghe hết 10 ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Phú Quang, trong đó có ca khúc “Gửi đôi mắt” anh đã phổ từ bài thơ cùng tên của tôi qua giọng hát của ca sĩ Mỹ Linh và ca sĩ Quang Lý tôi chợt lạnh người về sự mất mát không thể bù đắp. Thật vậy, mai này còn đâu một nhạc sĩ Phú Quang với gương mặt trầm ngâm thường ngồi lặng lẽ hướng ánh mắt về một cõi nào… Cõi đó chắc là ngày anh trở về. Phải chăng đó là “Góc phố mồ côi mùa Đông, Cây bàng mồ côi mùa Đông” của chính anh?

Lập Đông 8/12/2021.

TỪ KẾ TƯỜNG

;
.