Người khách về xứ biển
Con chim ưng VN 157 giảm độ cao hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất ngoan ngoãn chạy vào đường băng rồi dừng hẳn. Kỹ sư Bình An cùng hành khách rời máy bay bước xuống chiếc xe buýt đỗ sẵn dưới chân cầu thang. Cô bạn tên Ngọc Lan đi cùng chuyến, chỉ khi lên máy bay ngồi cạnh mới làm quen. Ngọc Lan là nữ hành khách trẻ cuối cùng lên máy bay. Ngồi sát cửa sổ là ông tây da đen lạ hoắc. Bình An ngồi ghế ngoài chủ động đứng dậy nâng chiếc va ly của nữ hành khách lên giá hành lý, vui vẻ:
- Ghế của cô ở giữa, nhưng cô ngồi sát lối đi cho tiện.
Trên máy bay, hai người làm quen qua quýt, cô bạn chỉ nói là em mang tên một loài hoa - Ngọc Lan - về xứ biển, đúng với thành phố mà Bình An dự định lập thân lập nghiệp, rồi mỗi người chìm vào một ý nghĩ riêng. Chàng kỹ sư bước qua tuổi 24 nhưng chỉ mới vào Nam lần đầu, nhận bằng kỹ sư xong là dong thẳng, cũng chẳng kịp về quê chào bố mẹ ở huyện đảo vùng ngoại ô đất Cảng. Đó là thời điểm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đất nước phát lệnh đổi mới được mấy năm. Tuổi trẻ thích mạo hiểm, chưa biết cuộc đời con tạo xoay vần đến đâu.
Minh họa: MINH SƠN |
- Em có xe lên đón, anh có thể đi cùng về xứ biển?
- Vậy thì quá hay. Đi xa, lạ nước lạ cái, tôi không lo lạc đường nữa rồi, cảm ơn cô!
Bình An nhận bằng kỹ sư cơ khí loại giỏi. Anh vù thẳng vào Nam, đến một vùng đất, vùng biển xa lạ không bà con thân thích. Thầy giáo Bách Hoàng đáng kính mách nước cho anh nơi xứ biển, viết thư cho người học trò cũ Văn Lê, kèm địa chỉ và số điện thoại.
Trên đường về biển, trời đang nắng chang chang, bỗng mây đen vần vũ và đổ mưa, mưa to, mưa xối xả, nước tràn xuống lộ, nhưng chỉ mười lăm phút là tạnh hẳn. Người bạn gái có tên loài hoa đẹp Ngọc Lan vừa mới quen trên máy bay cất tiếng:
- Vùng này hay mưa lắm anh. Có khi phía sau mưa, phía trước vẫn nắng chói chang, mưa to nhưng mau tạnh kiểu mưa đám mây, điện thoại dễ mất sóng.
Bình An vui vẻ góp chuyện:
- Có thể là do cấu tạo địa chất, trong lòng đất có cái gì đó nó “hút” mây, cũng có thể là do dãy núi cao kia kìa có mỏ khoảng sản, nhà gần núi, gần mỏ là hay có mưa bất chợt?
Bình An mỉm cười, cả hai cùng im lặng. Chỉ là vô tình Bình An nhặt hộ giấy chứng minh Ngọc Lan đánh rơi xuống sàn máy bay, anh biết mình lớn hơn Ngọc Lan 4 tuổi, từ xưng cô và tôi, đổi cách xưng hô anh và em. Chiếc xe bốn chỗ đi vào nội ô thành phố biển. Bình An im lặng, ngắm nhìn đại lộ rợp bóng cây xanh và những cây hoa giấy đỏ tươi rực rỡ. Thành phố biển vẻ bề ngoài quá thanh bình và rất đẹp. Xe dừng lại trên con hẻm nhỏ, Ngọc Lan dí dỏm, đưa cho Bình An mẩu giấy nhỏ:
- Hết tiền, mời khách xuống xe, địa chỉ mà anh cần đến là con hẻm này. Đây là số điện thoại của em, có duyên chúng ta còn gặp nhau.
Chàng trai xúc động, cảm nhận người bạn gái mới quen thật chu đáo nhưng chưa kịp hỏi quê quán của Ngọc Lan, làm gì ở xứ biển, quên cả việc cảm ơn cô bạn dễ mến cho đi nhờ xe? Họ chia tay nhau nhanh cũng y như cơn mưa dông bất chợt trên đoạn đường từ sân bay về biển.
*
Bình An tìm vào căn phòng mà thầy giáo Bách Hoàng cho địa chỉ, gọi điện thoại cho anh Văn Lê. Không đầy 15 phút sau, anh ấy vù xe về, mở cửa cho khách quý vào nhà. Anh nhẹ nhàng, đon đả:
- Anh làm trợ lý cho giám đốc. Thầy giáo đã điện thoại, anh ở chung với 2 chú em, có thêm em nữa không sao, cứ ở đây thoải mái. Ăn nhiều chứ ở hết bao nhiêu.
Bình An bắt chặt tay anh:
- Em chỉ có cái ba lô con cóc thời ông chú em đi bộ đội để lại. Trăm sự em nhờ anh giúp đỡ.
Chủ nhà vui vẻ:
- Chú mày yên tâm đi, anh em ta có gì “chơi” nấy, chăm chỉ công việc nhất định sẽ sống được.
Ông anh tốt bụng cười khì, chỉ lên gía sách:
- Chưa đi làm em tranh thủ mà đọc, thích sách nào đọc sách đó. Kiến thức là từ sách.
Từ đó, 4 anh em mỗi người một công việc nhưng có gì khó, có gì thuận, dự tính của tương lai, mấy anh em đều bàn bạc với nhau, cùng ra quyết sách. Đám đàn ông độc thân cách nhau dăm bảy tuổi cùng sinh hoạt, ăn ở trong một căn hộ có 3 phòng riêng biệt, tiền thuê nhà, tiền chợ búa cơm nước hàng tháng chia đều, phía ngoài có phòng khách nhỏ, vậy là “tươm”. Bình An được ông anh Văn Lê giao làm tổng quản, gọi là tư vụ trưởng, cứ răm rắp.
Bình An làm việc cho một xưởng cơ khí của công ty xây lắp công trình biển. Nghề cơ khí, công việc gì ở xưởng anh cũng lao vào làm, không nề hà, chẳng phân biệt. Ngày nghỉ anh ít là cà quán xá mà dành thời gian đọc sách. Việc trước hết là đọc để nâng cao kiến thức nghề cơ khí, kỹ năng quản lý. Anh chị em trong xưởng, từ sếp đến lính ai cũng quý mến Bình An. Quyết đoán, ngay thẳng, không ưa nịnh bợ, không vừa lòng là nói thẳng băng luôn. Văn Lê tâm sự với Bình An:
- Ngay thẳng vậy mà dễ sống. Tớ sợ nhất mấy ngữ mồm mép dẻo quẹo mà nhỏ nhen, thù dai nhớ lâu.
Một chiều nọ, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa biển rả rích, Bình An “ngố” sực nhớ đến Ngọc Lan, cô bạn tốt bụng. Thấm thoắt mà đã gần một năm. Anh nghĩ, mình là thằng ngố xuống xe không một lời cảm ơn. Từ ngày ấy đến giờ cũng ỉm luôn.
Anh lục bóp lấy mẩu giấy nhỏ ghi số điện thoại Ngọc Lan đưa lúc chia tay trên xe rồi bấm số, tiếng Ngọc Lan nhẹ nhàng:
- Xin lỗi ai gọi tôi ạ?
- Anh đây, ông bạn cùng chuyến bay được người đẹp cho đi nhờ xe.
- Ui, anh còn nhớ tới em à? Còn ở hẻm cũ nữa không?
- Vẫn đấy mà, ông anh cho tá túc.
- Nhà em cùng phố, nhưng đây không thèm tìm, sáng Chủ nhật, 8 giờ, mời anh đi cà phê Quê Hương, gần hẻm nhà anh.
- Rất tuyệt, cảm ơn em!
Đúng hẹn, Bình An bách bộ tới Quê Hương thì Ngọc Lan cũng vừa tới. Họ rất vui, được dịp nói ra bao điều về công việc nơi xứ biển, quê hương, bạn bè, chuyện học hành của mỗi người. Ngọc Lan đường đột đưa ra một tư vấn táo bạo:
- Có học vấn, có mối quan hệ với mấy ông Tây, bà Tây, tại sao anh không lập xưởng cơ khí riêng? Vốn liếng thì huy động bạn bè, vay ngân hàng theo chính sách ưu đãi?
Bình An đứng dậy bắt tay bạn bày tỏ sự đồng tình khi Ngọc Lan đưa ra một kiến nghị hay, mặc dù hai người chưa một lần gặp lại sau chuyến bay. Anh nói với Ngọc Lan:
- Ý kiến của em trùng khớp suy nghĩ của anh. Khi đang học khoa cơ khí anh đã nghĩ đến dự án đóng tàu sông biển. Ý nghĩ ấy cứ lớn dần từng ngày. Chính nó là sự thôi thúc để anh đến với vùng biển này.
Hoa Ngọc Lan mà tư duy năng động, mạnh mẽ chẳng khác gì hoa Phong Ba vậy. Ánh nắng trưa mùa hạ nghiêng bóng trước khoảng sân vườn cà phê Quê Hương. Gió biển thổi nhẹ, bầu trời trong xanh, thi thoảng xuất hiện vài đám mây trắng như bông. Ngọc Lan nhìn lên bầu trời xanh theo đuổi những đám mây trắng trôi dần về phía biển. Mỗi người lại theo đuổi một ý nghĩ riêng về dự án đóng tàu sông biển.
Chuẩn bị hành trang khởi nghiệp, kỹ sư Bình An tranh thủ ngày nghỉ, buổi tối tu luyện kiến thức pháp luật. Rồi đến một ngày, chàng tốt nghiệp đại luật Luật - bằng hai, ngành luật kinh tế. Làm doanh nhân mà thông thạo pháp luật thì sự quyết đoán sẽ được nhân lên, không lo làm sai luật lệ, cách chuẩn bị hành trang cho chính mình, trước khi bơi ra biển lớn.
Tuổi trẻ, có kiến thức, thích mạo hiểm, quyết đoán, Bình An được bạn bè, đồng nghiệp gợi mở các dự án “Thân lập thân”, lập xưởng riêng, công ty riêng, góp phần phát triển kinh tế tư nhân, được nhà nước tạo điều kiện, khích lệ. Bình An coi anh Văn Lê là người anh tin cậy cần tham khảo ý kiến, nhưng lại ngại ngần ông anh phản đối, khi công việc của chú em ở đội xây lắp đang thuận lợi. Thời điểm đó, Bình An đang là đội trưởng đội thi công xây lắp, cấp trên tin cậy, đồng nghiệp yêu mến, thu nhập khá.
Vào một buổi tối đẹp trời, bách bộ dọc đại lộ Nguyễn An Ninh ra biển, hai anh em tâm tình, khi Bình An vừa gợi mở Văn Lê đã nói ngay:
- Anh hoan nghênh dự định của chú, cứ làm đi anh luôn đứng bên cạnh.
Tuy chưa có dịp nói hết, nhưng Bình An cũng đã vài lần hỏi, ông anh tinh ý hiểu ngay, lần nào cũng vun vào, bổ sung ý nọ ý kia, nên lần này khi đề cập đến dự án, Văn Lê gật ngay. Đêm đó, về phòng thao thức không ngủ, Bình An nhớ đến Ngọc Lan và điện thoại cho em, tham khảo thêm ý kiến của một người bạn tin cậy. Kể từ hôm ở cà phê Quê Hương, dễ đã hơn nửa năm. Hai người có thêm buổi hò hẹn cà phê lần thứ hai vào cuối tuần, lần này không phải Quê Hương có cây hoa Ngọc Lan mà ở cà phê Bình Minh trước biển. Hẹn 8 giờ sáng, 7 giờ 30 Bình An đã phóng xe tới điểm hẹn. Xứ biển bước vào mùa mưa, vừa sáng mây đen đã dăng đầy trời, gió rít qua rặng dừa ven núi, mưa rơi nặng hạt. Bình An bồn chồn, đứng ngồi không yên, lo Ngọc Lan gặp mưa ướt hết, đoạn đường này một bên là biển một bên là núi, không chỗ trú mưa.
Đang lo bạn ướt thì Ngọc Lan như một cơn gió ào đến. Ngọc Lan có khoác áo mưa, nhưng chiếc áo khoác mặc ngoài bị ướt. Anh đưa áo khoác của mình “cưỡng chế” Ngọc Lan thay sợ em bị cảm. Ngọc Lan vui vẻ chấp hành:
- Em mặc áo này trông có vẻ giống kỹ sư Bình An đây. Mà anh cũng ga lăng ra phết!
Bình An mỉm cười không nói gì. Ngọc Lan cũng tủm tỉm cười trừ, nụ cười nhỏ nhẹ, giọng nói ngọt ngào hóm hỉnh:
- Xin đa tạ!
Mưa rơi gió rít, cành cây xà cừ cổ thụ rung lắc rơi xuống vệ đường. Gió lốc mạn Tây lan sang mạn Đông vịnh biển. Nhưng chỉ trong chốc lát, mưa tạnh, gió ngừng, bầu trời lại trong xanh. Dù có biến đổi khí hậu kiểu gì thì mưa lốc đến nhanh mà tan cũng nhanh, như là một thoáng trời Nam mà Huỳnh Văn Nghệ đã tỏ bày.
Bình An tóm tắt dự án lập công xưởng cơ khí, gắn với cơ nghiệp xây lắp các công trình biển. Anh cón mách bảo với Ngọc Lan về một ý tưởng mới đang ấp ủ, đóng tàu và thuyền - buồm bằng vật liệu nhẹ, do một nhóm bạn ở Đông Âu mách bảo; rằng kỹ nghệ là thế này, vốn liếng là chừng đây, kỹ thuật - thợ thuyền dự kiến như vầy; thủ tục pháp nhân gọn nhẹ như thế kia.
Không đứng dậy xiết chặt tay anh như lần trước, đôi má Ngọc Lan ửng hồng, miệng nở nụ cười tươi, bày tỏ sự vui mừng:
- Rất chúc mừng, duyệt luôn! Xin có một đề nghị, anh khai trương xưởng đóng tàu sớm để em còn dự, hơn 2 tháng nữa em đi Hoa Kỳ bảo vệ luận văn tiến sĩ, chuyến này có thể lâu, chưa hẹn ngày về.
Bình An như sững người lại. Bằng linh cảm hình như Ngọc Lan đang có một ẩn ý gì đây mà chưa tiện nói ra? Là bạn nhưng rất ít khi 2 người bù khú bàn việc nọ việc kia. Dù vậy, ý tưởng mở hướng làm ăn lúc nào cũng tương đồng. Vậy mà gần như chưa bao giờ anh ngỏ lời tìm hiểu công việc của Ngọc Lan. Đúng là “ngố”, đến lúc này cũng chưa biết Ngọc Lan đang nghiên cứu lĩnh vực nào trong cái vũ trụ bao la này. Dí dỏm và thông minh, dịu dàng và xinh đẹp, kín đáo và bản lĩnh, ý chừng dự đoán được Bình An sắp nói điều gì, Ngọc Lan đứng dậy:
- Anh ơi, mây đen đã cuốn đi, ông trời đã lại một màu xanh ngắt, hết mưa, chúng mình chia tay nhé, em có cuộc hẹn. Hy vọng dự án của anh triển khai sớm, em có dịp đến chia vui. Khó khăn sẽ chồng chất nhưng em tin công việc sẽ luôn Bình An như chính tên gọi của anh!
Anh chàng “ngố” không có cách gì khác hơn là tần ngần đứng dậy chào tạm biệt người bạn gái mà đến lúc này anh không thể không cảm nhận trên cả tuyệt vời!
*
Bình An để lại phía sau mọi công việc ở một doanh nghiệp nhà nước đang có nhiều thuận lợi. Công ty xây lắp An Hải ra đời, doanh nhiệp tư nhân chuyên ngành xây lắp gắn bó với biển đảo, với ngành công nghiệp vàng đen. Lễ ra mắt công ty gọn nhẹ, chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp thân tín, bạn hàng - đối tác, đại diện cơ quan quản lý. Anh Văn Lê và cô bạn Ngọc Lan là khách quý được trân trọng mời lên hàng ghế danh dự. Chủ nhân có thư mời, chuẩn bị vé máy bay đón thầy giáo Bách Hoàng từ Hà Nội vào dự, nhưng do có lý do riêng thầy vắng mặt.
Ngọc Lan qua Mỹ bảo vệ luận án tiến sĩ. Năm tháng sau cô điện thoại cho Bình An chúc mừng những thành công bước đầu của công ty An Hải. Ngọc Lan báo tin đã nhận bằng Tiến sĩ ngành hóa dầu. Và cô quyết định kết hôn với một người bạn Mỹ chuyên gia công nghệ tin học. Họ là bạn, quen thân, cùng chia sẻ công việc với nhau gần chục năm nay. Ngọc Lan tâm tình, vợ chồng cô sẽ trở về Việt Nam làm việc lâu dài.
Bình An buồn vu vơ mất mấy tuần, hai người chưa có gì ràng buộc, nhưng hình như trong sâu thẳm con tim của Bình An đã có hình bóng nàng. Bình An cảm nhận, hình như cuộc đời này nhiều khi là do ông trời sắp đặt. Mỗi người một số phận, không thể khác?
Sự nghiệp của chàng kỹ sư cơ khí Bình An chỉ mới bắt đầu. Phía trước còn bao gian nan, thử thách và rào cản cần vững tin để bước tiếp…
Truyện ngắn của PHẠM QUỐC TOÀN