.
TẢN VĂN

Chốn bình yên

Cập nhật: 21:46, 22/10/2021 (GMT+7)

Những tháng ngày dịch bệnh hoành hành, chuyện chu du đây đó trở nên xa xỉ. Giữa lòng phố thị không một bóng người vì đang phải giãn cách xã hội. Lòng bất chợt nghĩ về quê hương. Nơi ấy thật bình yên đong đầy đưa lối. Nơi có mẹ có cha luôn dang rộng vòng tay yêu thương đón ta vào lòng. Tôi chỉ biết nhớ về nơi chôn rau cắt rốn. Ở đó là cả một khoảng trời ấu thơ tươi đẹp cùng những cảm xúc vẹn nguyên về một vùng đất gắn bó nghĩa tình.

Nếu được đặt tên cho cái làng nơi tôi sinh ra và lớn lên ấy tôi sẽ gọi cái tên là “Làng bình yên”. Mấy ngày hôm nay, lướt “phây” mới thấy được quê tôi tất tả, tất bật. Mỗi người một việc. Người rang lạc, người hái rau, gom chuối, thái măng... Cả làng chung sức đồng lòng gửi gắm đồ ăn thức uống này trên những chuyến xe yêu thương vào thành phố…

Miên man trong từng suy nghĩ. Lạ lùng lắm. Chỉ cần được về với chốn bình yên ấy, chỉ cần nghe giọng quê thôi cũng thấy lòng nhẹ nhàng mở lối. Cái chân tình chân chất mộc mạc ấy đã trở thành hồn cốt của xóm làng. Chỉ cần đặt chân đến đầu xóm người ta đã biết con cháu nhà ai, đi làm hay đi học mới về. Người đang làm đồng cũng dừng lại hỏi han vài ba câu “khỏe không cháu, mới về à”. Có cô chạy xe đạp ngang cũng nán lại chào nhau. Yêu thương thật khó nói hết. Con đường làng bỗng xôn xao, rộn ràng bởi những câu chào ngọt lịm, thân tình mà nồng hậu, đầm ấm. Thế nên ở phố thị mà đôi lúc thèm tiếng cái giọng quê nơi tôi đã sinh ra, thèm đến quay quắt lòng.

Bình yên có khi chỉ đến từ những điều thật giản đơn nhưng ấm áp. Là những buổi sáng, chiều cùng mẹ đi cấy ở đồng sâu mà cha vừa mới cày bừa xong. Trên tay cầm rẻ mạ xanh bắt từng cây mạ cắm xuống đất. Ngước mắt nhìn sang mẹ đang miệt mài, miệt mài cấy, nước bùn bắn tóe lên cả mặt, thời gian khắc nghiệt vẽ những dấu chân chim chằng chịt mà thương xót đến quặn lòng. Thương mẹ lội ruộng cấy lúa đồng xa cho con có cái ăn cái mặc, học hành cho đời bớt cơ cực, cho bằng bạn bè. Lo cho mẹ vất vả làm đồng cực khổ, tôi bảo mai này đi xa hễ đến mùa cấy sẽ về cấy lúa. Mẹ mắng “ăn chưa no, lo chưa tới” hứa chỉ là hứa. Bây giờ nhớ lại thương mẹ nhớ cha đến ngập lòng.

Ở kìa... Là mảnh vườn mẹ trồng đẹp bình yên quá đỗi. Này khoai lang, đọt bí, cải ngồng. Màu xanh của cây lá trong vườn với nhiều hoa trái đã làm lòng tôi lâu nay quen với phố thị bỗng trở nên êm dịu lại sau những tháng ngày cần mẫn mưu sinh. Mỗi lần về vậy, mẹ thường hái cho tôi rất nhiều rau để lên phố còn có rau sạch ăn. Ấm áp thật. Bình yên là thế cần gì đâu xa xôi mẹ nhỉ!

Bình yên lắm trong cái mùi hương thơm thoang thoảng của trái bồ kết có lẫn nồng nàn nào là hương sả, hương nhu. Cứ ba ngày ngoại lại nấu nồi nước lá gội đầu cho chị em tôi một lần. Hương lá thơm dịu nhẹ theo chị em tôi đến lớp đến trường, suốt những năm tháng tuổi thơ. Nghĩ thôi mà tay vuốt tóc, miệng chủm chỉn cười nhớ ngoại khôn nguôi.

Lại nhớ về ngày tháng ấy, dù đôi lúc cuộc sống vẫn còn nhiều sự vất vả gian nan, những đứa trẻ chúng tôi thiếu ăn, thiếu luôn cả mặc dù cho cha mẹ đã cố gắng miệt mài, vun vén. Nhưng có làm sao đâu, chúng tôi vẫn lớn lên biết hài lòng với thực tại. Những ngày hè ở quê là những ngày chúng tôi như được sống với thiên đường của mình. Từ góc sân trước nhà đầy rong rêu nhưng hiền hậu đến vuông vức, con ngõ cũ nhỏ nhỏ xinh xinh chật chội một vài lối người qua cho tới góc vườn, ao cá, cánh đồng đâu đâu cũng thấy bóng dáng, tiếng cười râm ran vang khắp. Cứ nghĩ tới là thương, cứ nhìn về lại nhớ. Nhớ một chốn bình yên yêu thương đến ngào ngạt và cháy bỏng. Chúng tôi đã đi suốt cả mùa hè với tình bạn ngọt ngào với những trò chơi mà chỉ có tuổi thơ mới biết.

Quê nhà tôi là thế, một cái làng nhỏ thôi nhưng giàu cái nghĩa cái tình. Lòng rộn ràng ngân nga câu hát “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi, quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người”. Giờ này, dù có nhớ mẹ, thương cha, thương quê nhà thì khoan vội chớ về, chờ cho dịch tạm lắng...

THIÊN KIM

.
.
.