Nuôi dưỡng tình yêu áo dài
Cuộc thi “Em yêu áo dài truyền thống Việt Nam” lần thứ I-2018 kết thúc hôm 25-3 và đã để lại những dư âm tốt đẹp. Với sự tham gia của hơn 300 thí sinh (TS) và 24 nhóm TS, cuộc thi đã cho thấy sức hấp dẫn của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam.
SÂN CHƠI BỔ ÍCH
Suốt cả ngày 25-3, Nhà thiếu nhi tỉnh rộn ràng bởi sự có mặt của các TS về dự thi vòng chung kết cuộc thi “Em yêu áo dài truyền thống Việt Nam” lần thứ I-2018 và hàng trăm phụ huynh, giáo viên đến cổ vũ. Chị Phương Thảo (cán bộ Nhà thiếu nhi) vừa đọc tên, điểm danh TS bước vào sân khấu, vừa nhắc các em sắp tên theo đúng vị trí. Nhà thiết kế (NTK) Việt Hùng liên tục động viên các TS: “Minh Quân, con thẳng lưng lên. Bích Ngọc, con đi chậm lại, tạo vẻ tha thướt. Đúng rồi, áo dài là phải dịu dàng. Khánh Linh, con có nụ cười rất đáng yêu, hãy luôn cười tươi nghe con”. Hơn 9 giờ, khi sân khấu ngoài trời đã dựng xong, NTK Việt Hùng cho các TS tạm nghỉ 30 phút. Anh đề nghị phụ huynh, GV cho các con tranh thủ ăn sáng, uống nước để chuẩn bị tập diễn trên sân khấu chính, trước khi bước vào đêm chung kết.
NTK Việt Hùng cho biết, anh rất ngạc nhiên trước sự tiến bộ của các TS. Qua mỗi vòng thi, các em đã tự tin hơn, khả năng diễn xuất cũng được nâng lên. “Mới trước đó một tuần, các em còn rụt rè, nhiều em còn chạy khỏi sân khấu hoặc bật khóc vì sợ thì trong đêm chung kết, trước sự cổ vũ của hàng trăm khán giả, các em đã tươi cười, tự tin sải bước trên sàn diễn”, NTK Việt Hùng nói. Chị Hồng Anh - mẹ TS Minh Quân - cho biết, con trai chị đã thay đổi hẳn sau khi tham gia cuộc thi này. Từ sự ngại ngùng ban đầu, cháu đã tự tin hơn hẳn khi diễn xuất một mình hoặc biết phối hợp khi diễn với các thành viên trong nhóm 98 Kute. Chị còn vui vì qua cuộc thi, con trai đã thực sự thích áo dài truyền thống.
THÊM YÊU TÀ ÁO DÀI
Trong đêm chung kết, mỗi TS mang đến một bộ áo dài truyền thống với màu sắc, kiểu dáng, hoa văn khác nhau. Bên cạnh những TS chọn hoa văn truyền thống như: hoa sen, hoa đào, hoa mai, một số TS đã mạnh dạn lựa chọn họa tiết trang trí áo kiểu phá cách. TS Yến Trang với tà áo dài đỏ, nổi bật hình ngôi sao vàng của lá cờ Tổ quốc. Khánh Linh mặc chiếc áo màu cam - tượng trưng cho ngành dầu khí - một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh BR-VT. Mai Anh với màu xanh đậm và hoa văn sóng biển thể hiện tình yêu, niềm tự hào về biển đảo quê hương. Đặc biệt, TS Anh Thư nổi bật với chiếc áo dài 2 tà, hoa văn những cánh chim bồ câu - biểu tượng của hòa bình, tự do, trên tay em cũng là 2 con chim bồ câu cách điệu.
TS Anh Thư với tà áo dài độc đáo, cầu kỳ trong đêm chung kết. |
Ngoài trang phục, phong cách biểu diễn tự tin trên sân khấu của các TS cũng là điểm cộng khiến BGK phải cân nhắc rất kỹ để chọn ra 3 TS (mỗi bảng) vào phần thi giao lưu với khán giả và trao giải. Với câu hỏi: “Kỷ niệm sâu sắc nhất của em với tà áo dài truyền thống là gì?”, các TS đã chia sẻ những tâm sự vừa ngây thơ, vừa đáng yêu về tà áo dài. Bích Ngọc cho biết em yêu áo dài, bởi mẹ em là GV, từ nhỏ em đã quen với hình ảnh mẹ đẹp dịu dàng trong tà áo dài mỗi ngày đến lớp. Anh Thư thì tiết lộ có mẹ và cậu may áo dài, nên áo dài chính là trang phục truyền thống của gia đình mỗi dịp sum họp: “Con 13 tuổi và con đã có hơn 300 chiếc áo dài do mẹ và cậu may tặng. Áo dài là trang phục truyền thống, được cả gia đình con mặc trong các dịp lễ, tết, sum họp gia đình. Mẹ và cậu đã truyền tình yêu áo dài cho con. Lớn lên, con muốn trở thành nhà thiết kế áo dài và đưa những chiếc áo dài truyền thống đi khắp thế giới”.
3 TS ở bảng A được chọn vào vòng thi giao lưu với khán giả. |
Theo bà Nguyễn Thị Men, Giám đốc Nhà thiếu nhi, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, cuộc thi đã đạt được mục tiêu rèn luyện cho các em bản lĩnh trình diễn trên sân khấu, khả năng nói trước đám đông, đồng thời khơi gợi tình yêu áo dài truyền thống. “Cuộc thi được tổ chức lần đầu, lại diễn ra trong thời gian ngắn (từ lúc phát động đến khi kết thúc chưa đến 1 tháng) nên không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế. Chúng tôi dự tính lần tổ chức sau sẽ mở rộng cho TS ở các tỉnh lân cận tham dự, nhằm quảng bá, tôn vinh chiếc áo dài truyền thống”, bà Men cho hay.
Từ hơn 300 TS và 24 nhóm TS gửi ảnh về tham dự vòng loại, Ban tổ chức (BTC) đã chọn 40 TS cá nhân (30 TS bảng A, 10 TS bảng B) và 10 nhóm TS vào bán kết. Các TS không chỉ có khuôn mặt đẹp, mà còn phải thể hiện được khả năng diễn xuất khi chụp ảnh ngoại cảnh và trên sân khấu. Sau vòng bán kết, 20 TS ở bảng A, 5 TS ở bảng B và 5 nhóm TS (bảng C) được chọn vào chung kết. Nếu như ở vòng loại và bán kết, các em còn gượng gạo, ngượng ngùng khi đứng trước ống kính thì trong đêm chung kết, các em như lột xác hoàn toàn. Em nào cũng đẹp, cũng duyên dáng và tự tin, nhưng vẫn giữ được vẻ hồn nhiên thơ trẻ và nét dịu dàng khi mang trên mình chiếc áo dài truyền thống. |
Bài, ảnh: MINH QUANG