Du khách nườm nượp về lễ hội Dinh Cô
Lễ hội Dinh Cô năm nay rơi vào các ngày trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Tư) nhưng khách đến viếng Cô vẫn đông. Hôm qua (28-3, tức 12-2 âm lịch) mới là Lễ Giỗ chính, nhưng từ thứ Bảy (25-3), khách đã đến Dinh dâng hương viếng Cô. Tình hình an ninh trật tự bảo đảm…
NGƯỜI DÂN VỀ VUI LỄ HỘI
Sáng 28-3, tại khu di tích lịch sử-văn hóa Dinh Cô (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền), ngày lễ chính của Lễ hội Dinh Cô Long Hải đã diễn ra trọng thể, với nhiều nghi lễ trang trọng, thu hút đông đảo người dân và du khách.
Từ 5 giờ sáng, các hương chức và ngư dân đã tề tựu đông đủ ngay trước cổng Dinh. Đoàn ghe chở các vị hương chức, kỳ lão trong Ban Tế tự Khu di tích lịch sử - văn hóa Dinh Cô xuất phát từ bãi biển trước khu vực Dinh Cô ra cách bờ 3 hải lý. Tàu cá BV - 94668 TS của ngư dân Nguyễn Văn Thọ (thị trấn Long Hải) được chọn chở Ngai và Long vị Cô ra khơi, cúng và rước Cô về an vị tại Dinh. Cùng thời gian đó, đông đảo người dân và du khách đã tề tựu về bãi biển trước khu vực di tích Dinh Cô chờ đón đoàn Nghinh Cô trên biển. Những đội lân sư rồng biểu diễn các tiết mục đặc sắc, trong tiếng trống lân rộn ràng.
7 giờ 20, đoàn rước bài vị Cô trên biển cập bờ. Dẫn đầu là đội rước cờ hội, chiêng trống mở đường. Vị Chánh bái dẫn đầu đoàn rước bài vị Cô về Dinh nhập điện, các học trò lễ trò tiếp bước, có cờ xí, lọng che, hoa đăng rực rỡ. Đoàn xếp thành hàng dài, nối đuôi nhau từ bãi biển đến khu vực Dinh Cô, chiêng trống, nhạc ngũ âm rộn ràng. Các vị hương chức, kỳ lão, học trò… với trang phục áo dài đủ màu sắc, những con lân, con rồng màu xanh, đỏ, vàng múa reo mừng Nghinh Cô trong tiếng vỗ tay, cười nói cổ vũ của đoàn người dự lễ tạo thành một không gian lễ hội rực rỡ sắc màu.
Đoàn rước bài vị Cô về Dinh nhập điện. |
Đến 9 giờ, nghi lễ cúng Cô, chầu mời, dâng lộc diễn ra trang nghiêm trong tiếng hát bả trạo của đội văn nghệ Dinh Cô. Bên ngoài cổng Dinh Cô, các đoàn lân sư rồng biểu diễn, khi thì “biến hình” thành bông hoa, khi lại tạo dáng như một chiếc ghe, với những ngư dân đang vượt biển, lúc tạo ra vòng tròn hoặc ngôi sao trông rất đẹp mắt khiến khán giả thích thú, liên tục vỗ tay tán thưởng.
Chị Nguyễn Thanh Thủy (32, Triệu Việt Vương, TP.Đà Lạt) đi cùng một nhóm bạn 4 người đến Long Hải dự lễ, tỏ ra hào hứng chia sẻ: “Được biết về Lễ hội Dinh Cô đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham dự. Đoàn của tôi ở đây từ ngày Chủ nhật và theo kế hoạch ngày mai trở về Đà Lạt. Chúng tôi được thưởng thức nhiều món hải sản ngon, đặc biệt được xem các nghi lễ Nghinh Cô, cúng Cô rất đặc trưng của vùng biển. Không khí lễ hội khiến mọi người đều thấy vui vẻ”.
Còn với anh Nguyễn Văn Hùng, ngư dân thị trấn Phước Hải thì suốt 15 năm đi biển, không khi nào anh vắng mặt trong Lễ giỗ Cô hàng năm. “Với ngư dân chúng tôi, Lễ hội Dinh Cô Long Hải và Lễ Nghinh Ông Nam Hải là 2 ngày Tết lớn. Chúng tôi tin tưởng vào sự phù hộ của Cô, của Ông Nam Hải trong mỗi chuyến biển nên thường thành tâm đi lễ, mong tàu ghe vượt biển an toàn, nhiều tôm cá”, anh Hùng cho hay.
Không chỉ trong ngày lễ chính, trước đó, ngày 26 và 27-3 (tức ngày 10 và 11-2 âm lịch), cùng với hoạt động khai mạc lễ hội, nhiều nghi thức như: Thỉnh long vị Bà Lớn và Ông Nam Hải và thành hoàng về Dinh, cúng an vị, cúng tiền hiền và tụng niệm cầu quốc thái dân an, cúng tiên thường cũng được tổ chức. Bên cạnh đó, các hoạt động vui chơi tại hội thao truyền thống như: Gánh cá, đan lưới, cột lưới, nhảy dây tập thể, đập heo đất cũng được tổ chức để bà con vui hội.
BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN
Tính từ ngày 24 đến 28-3, trong vòng 5 ngày, đã có khoảng 50.000 lượt khách về dự lễ. Theo dự báo, từ nay đến hết cuối tuần, khách sẽ còn tiếp tục đổ về Long Hải. Công tác bảo đảm an toàn, ANTT cho người dân và du khách được thực hiện tốt. Các lực lượng vệ sinh tại Dinh Cô mỗi ngày ra quân thu gom rác 3 lần; các đội trật tự đô thị thị trấn Long Hải, Ban quản lý di tích lịch sử-văn hóa Dinh Cô thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở những người bán hàng rong, quán cà phê, tạp hóa, giải khát gần khu vực Dinh Cô, nên không có tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp lễ.
Có được những thành công trên là do huyện đã chủ động trong mọi hoạt động, lên kế hoạch chi tiết để triển khai trong dịp lễ hội. Công an huyện Long Điền bố trí các chốt chặn, điều tiết, hướng dẫn giao thông tại các tuyến đường trung tâm thị trấn Long Hải; lắp đặt biển báo hiệu điều khiển giao thông và sơ đồ hướng dẫn và phân luồng giao thông nên kể cả trong ngày lễ chính vẫn không xảy ra tình trạng kẹt xe.
Theo Thiếu tá Phạm Quốc Bình, Phó Trưởng Công an huyện, Trưởng Tiểu ban bảo đảm ANTT, ATGT tại lễ hội: Các lực lượng nghiệp vụ đã sẵn sàng làm nhiệm vụ từ trước đó cả tuần lễ. Nhờ đó, tình hình ANTT, ATGT dịp lễ được bảo đảm.
Theo ông Lâm Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho hay: “Năm nay, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, công tác tổ chức lễ hội được chú trọng nên lễ hội diễn ra an toàn, tốt đẹp. Huyện đã công bố các số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo huyện và các phòng, ban nhưng không có trường hợp nào phản ánh về giá cả, dịch vụ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho huyện”.
Bài, ảnh: MINH QUANG