Nghệ sĩ với trào lưu viết tự truyện
Những năm trước người ta hay nói “nghệ sĩ Việt muốn nổi tiếng phải có scandal”, bây giờ có lẽ cần phải sửa lại là: “Nghệ sĩ Việt muốn nổi tiếng phải ra tự truyện”. Quả thực, trào lưu viết tự truyện đang diễn ra khá phổ biến trong giới nghệ sĩ.
TỪ “LÊ VÂN YÊU VÀ SỐNG”…
Cách đây hơn chục năm, khi “Lê Vân yêu và sống” - tự truyện của diễn viên - nghệ sĩ múa Lê Vân ra mắt công chúng đã gây “bão” dư luận. Chị tâm sự chỉ muốn sám hối trước những lỗi lầm mà mình đã gây ra trong cuộc đời chứ không hề có ý định “hâm nóng tên tuổi, mưu cầu danh lợi gì” ở cuốn tự truyện đó. Thế nhưng, nhiều nhà văn, nhà phê bình, nghệ sĩ tên tuổi đã tham gia vào cuộc bút chiến tán thành hoặc phản đối chuyện “vạch áo cho người xem lưng”, “bới móc quá khứ” của nghệ sĩ này. Tuy nhiên, mấy chục ngàn bản của tự truyện đã được mua hết trong thời gian ngắn. Giới truyền thông cũng nhắc tới cái tên Lê Vân trong thời gian dài, vô tình đã cổ súy cho trào lưu viết tự truyện của các nghệ sĩ Việt sau này.
Trước đây, hồi ký, tự truyện ở Việt Nam thường là của những anh hùng, tướng lĩnh, những nhân vật nổi tiếng, có cống hiến cho dân tộc, xã hội nhằm kể lại những kinh nghiệm, kiến thức có giá trị làm bài học cho các thế hệ sau. Nhưng hiện nay, nhiều nghệ sĩ trẻ đã ra hồi ký, tự truyện. Sách của họ thường kể chuyện đời tư, tập trung khai thác những chi tiết gây sốc, những sự thật trần trụi đáng ra nên “sống để dạ, chết mang đi” của giới nghệ sĩ. Hầu hết chúng dùng để đánh bóng, lăng xê, quảng bá, hâm nóng tên tuổi cho nghệ sĩ.
Lê Vân, Thương Tín - những nghệ sĩ nổi tiếng từng gây bão dư luận với những cuốn tự truyện, hồi ký kể lại quá khứ “lỗi lầm”, “giông bão” của mình, dù đạt được mục đích “sám hối” hay “sinh kế” lúc đầu, nhưng sau đó họ đã nhiều lúc bày tỏ ân hận, hối tiếc vì đã viết ra những điều làm tổn thương người khác, xáo trộn cuộc sống của mình. Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ trẻ lại sẵn sàng chạy theo vết xe đổ đó như một cơ hội tốt để nổi tiếng, bất chấp thị phi. Đó là lý do khiến hàng trăm cuốn hồi ký, tự truyện của những nghệ sĩ trẻ, những người nổi tiếng hoặc sắp nổi tiếng ra đời, gây xôn xao dư luận gần đây.
ĐẾN TRÀO LƯU VIẾT TỰ TRUYỆN
Ngoại trừ những cuốn hồi ký, tự truyện của các nghệ sĩ thành danh, có quá trình cống hiến lâu dài trong nghệ thuật như: Kim Cương, Thành Lộc, Khánh Ly, Ái Vân, thậm chí cả của Lê Vân, Thương Tín… nhiều cuốn tự truyện, hồi ký của các nghệ sĩ trẻ - cả tuổi đời và tuổi nghề - đều chưa chín để có thể tự hào nhìn lại, chiêm nghiệm hay sám hối về quá khứ.
Nếu không kể tới cuốn tiểu thuyết đã bị thu hồi “Sợi xích” của ca sĩ, diễn viên Lê Kiều Như xuất bản năm 2010 thì từ đó đến nay, nhiều cuốn tự truyện của nghệ sĩ trẻ đã ra đời như: “Bí quyết nghề ca, scandal và sự thực”, xuất bản năm 2011 của ca sĩ Thanh Thảo; “Lạc giữa thanh xuân” của Lê Thị Huyền Anh (2016); “Lột xác” của ca sĩ chuyển giới Lâm Khánh Chi (2017); “Chạm tới giấc mơ” của Sơn Tùng MTP (2017)… Gần đây nhất là tự truyện “Vàng Anh và Phượng hoàng” ra mắt ngày 6-3 của ca sĩ, diễn viên Hoàng Thùy Linh khơi lại sự cố bị lộ clip tình ái 10 năm trước và tự truyện “Đức Phúc - I believe I can fly” ra mắt ngày 20-3 của Quán quân “Giọng hát Việt 2015” Đức Phúc, kể về thời gian đầu tham gia showbiz và cuộc giải phẫu thẩm mỹ “đập mặt xây lại” nhan sắc của mình.
Cuốn tự truyện “Vàng Anh và Phượng hoàng” của ca sĩ, diễn viên Hoàng Thùy Linh nhận được nhiều lời khen, chê trái chiều. Ảnh: TNO |
Mặt tích cực của trào lưu viết tự truyện là đã cho công chúng thấy được những góc khuất phía sau sân khấu, thỏa mãn tính tò mò của khán giả về đời tư nghệ sĩ, giúp cho những người đang muốn bước chân vào ngành giải trí có thêm tư liệu tham khảo. Đôi khi nghị lực cũng như những thành công và thất bại, sai lầm và trả giá của các nghệ sĩ cũng khiến người đọc rút ra được điều gì đó có ích. Thêm vào đó, trào lưu viết tự truyện cũng góp phần hâm nóng thị trường xuất bản sách ở Việt Nam, khi mà hầu hết những cuốn sách kể trên đều bán rất chạy, mang lại khoản thu nhập kha khá cho những nhà văn, nhà báo được thuê chấp bút.
Thế nhưng vấn đề nào cũng có 2 mặt của nó và một cuốn sách bán chạy chưa hẳn là một cuốn sách hay. Điều này vẫn đúng với sách tự truyện, hồi ký của những nghệ sĩ trẻ. Những nhà văn, nhà phê bình cố công đọc hết những cuốn sách kiểu này, gần như đều có chung kết luận: những cuốn hồi ký, tự truyện trên ít mang giá trị văn học hay nhân văn. Một cuốn tự truyện với nội dung đơn thuần chỉ là những thông tin như những mối tình éo le, những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, những va chạm, “dìm hàng”, bóc mẽ đồng nghiệp trong làng giải trí mà báo chí đăng tải tràn lan, thì bạn đọc nếu có mua, có đọc cũng sẽ quăng và quên ngay sau khi thỏa trí tò mò. Những cuốn tự truyện kể về biến cố đáng buồn, đáng xấu hổ trong quá khứ để câu khách thì nghệ sĩ phải nhận những lời thị phi, cay nghiệt là điều đương nhiên. Ngoài ra, những cuốn tự truyện này còn có thể ảnh hưởng đến cả suy nghĩ, lối sống của giới trẻ.
Thiết nghĩ, việc viết tự truyện không có gì là xấu và nghệ sĩ nào cũng có quyền ra tự truyện, nhưng xin cân nhắc kỹ, vì khác với nghệ thuật biểu diễn, văn chương là thứ tồn tại và được lưu giữ lâu dài. Nghệ sĩ đừng nhắm mắt chạy theo trào lưu mà bất chấp hậu quả. Chỉ có tài năng, nhân cách mới khẳng định tên tuổi của nghệ sĩ, đừng vì một chút danh lợi phù hoa nhất thời mà làm tổn thương tới bản thân và người khác.
AN AN