Ngóng trông hoa gạo
Ba mẹ lấy nhau mà không có đám cưới. Mẹ bỏ ba không có giấy ly hôn. Tôi còn nhớ rất rõ chiều xuân hôm đó, mẹ xách chiếc giỏ đan bằng sợi lục bình khô nhét đầy quần áo, vội vàng chạy ra bến đò. Người đàn ông làm nghề lái buôn mạn xuôi đã đậu xuồng máy đợi sẵn.
Minh họa của: Minh Sơn |
“Mẹ” - tiếng gọi của tôi vỡ ra trên mặt sông thảng thốt. Mẹ không muốn quay đầu lại nhìn mặt đứa con mình đã đứt ruột đẻ ra hay cánh tay chắc nịch của người đàn ông kia đã ghìm vai mẹ lại? Tôi khóc không ra nước mắt. Đáp lại lời tôi là tiếng bình bịch rơi của những bông gạo đầu tháng Ba đỏ rực trên bãi cỏ và tiếng ếch nhái râm ran. Tôi nhặt hoa gạo ném về hướng chiếc xuồng chỉ còn lại là một nốt lặng trên dòng sông. Bến sông vắng, trời sâm sẩm dần. Khi ba tôi vác con dao quắm chạy ra đến nơi thì đã thấy tôi thẫn thờ ngồi tựa lưng vào gốc gạo thất thần. Nổi khùng, ba bổ một nhát dao vào thân cây gạo rồi giận dữ gào lên:
- Khốn nạn, tao mà bắt gặp thì bọn mày xong đời!
Sự phản bội của mẹ đã làm ba tôi thay đổi, như thể có một con thú, bằng cách nào đó đã chui vào thân thể ba, điều khiển, sai khiến ba làm những việc tàn nhẫn. Hàng xóm đến chơi, nhìn những bức ảnh chân dung của mẹ lỗ chỗ vết thủng giăng mắc khắp nhà mà ngao ngán lắc đầu. Nhiều người khuyên ba rằng, đằng nào vợ cũng bỏ đi rồi, hãy lo làm ăn mà nuôi con. Họ rải những ánh mắt thương hại, những câu nói ủi an vào mấy anh em tôi rồi về. Và chắc chắn một điều, họ sẽ không bao giờ ghé lại ngôi nhà ngột ngạt mùi hận thù này nữa.
***
Mẹ lớn lên trong đói nghèo, nhưng mẹ lại không thích nghi được với nó. Những ngày ba đi làm ăn xa, người đàn ông ở tỉnh bên hay đến mua những rau quả vườn nhà tôi rồi cố ý nán lại buông lời tán tỉnh mẹ. Ban đầu, mẹ e thẹn giấu gương mặt trái xoan vào sau vành nón. Dần dà, mẹ bẽn lẽn nụ cười đối đáp. Những mùa rau quả đi qua, người đàn ông vẫn dong thuyền tìm đến và mang cho mẹ khi thì váy áo, khi là mỹ phẩm. Mẹ vui sướng đón nhận hệt như lúc chúng tôi ngoan ngoãn chìa tay đón nhận tấm bánh, món quà trong chiếc giỏ của mẹ sau buổi chợ phiên…
Hôm nào cũng vậy, trước khi người đàn ông ấy hẹn đến chơi, mẹ hí hửng đứng thật lâu trước gương thay hết váy hồng, thay sang váy tím, tóc cài hoa, môi tô đỏ choét, mặt trát lớp phấn trắng bệch che đi những đốm đồi mồi của bao mùa sương gió. Người đàn ông không bao giờ tiết kiệm lời khen với mẹ:
- Em đẹp như một thiên thần.
Mọi chuyện vỡ lở vào một đêm không trăng, khi anh em chúng tôi đã say ngủ, mẹ lén lút hẹn gặp người đàn ông nơi bụi chuối sau nhà. Bác hàng xóm đi soi ếch về muộn bắt gặp. Tin đồn nhanh chóng lan ra xóm dưới, làng trên. Mẹ ru rú trốn trong nhà, cánh cửa chốt im ỉm. Căm tức, tôi nguýt mẹ:
- Đẹp mặt chưa?
Mẹ như tội đồ bị áp giải ra pháp trường, mặt không dám ngẩng lên. Người đang ngồi trước mặt tôi có phải là mẹ tôi? Ba tôi biết chuyện, tức tốc bắt xe về nhà. Ba vừa chạm chân xuống mảnh đất quê hương cũng là lúc chân mẹ bước lên chiếc xuồng với người lái buôn có lời lẽ ngọt lịm.
***
Mẹ đã dọn sạch những đồ đạc thuộc về mẹ mang đi như thể căn nhà nhỏ này chưa từng chứa đựng bóng hình của mẹ. Chẳng hiểu sao, bức ảnh chân dung của mẹ bên giàn hoa giấy lại rơi ngay trước cửa. Ba đã nhặt được bức ảnh ấy. Và bức ảnh là chiếc chìa khóa mở ra những bi kịch trong cuộc sống của ba anh em chúng tôi. Những đêm kinh hoàng ấy, tôi luôn tìm cách cố quên nhưng nó đã găm vào tim tôi tựa như những vết dao ba đâm lên bức ảnh mẹ mà chẳng cách nào xóa nhòa dù thời gian không ngừng trôi.
Bên gốc gạo già, ba uống rượu, một mình, luôn luôn một mình. Rượu chỉ làm những hận thù trong ba ngấm sâu vào tâm can, xương tủy. Ảnh mẹ treo chi chít trên vách nhà, cánh cửa. Ba cấm các con gỡ xuống. Ba bảo ba sẽ đâm cho tới khi tay ba không cầm được dao hoặc các bức tường trong nhà này sụp đổ. Thà ba đánh đập, mắng chửi anh em tôi thậm tệ cũng được. Sao ba cứ đày đọa, tra tấn tinh thần chính mình và mấy đứa con bằng cái cách bắt chúng tôi xem ba đâm nát ảnh mẹ như thế? Và mẹ nữa, có đêm nào nằm cạnh người đàn ông ấy, mẹ mất ngủ cồn cào nhớ đàn con nơi quê nhà?
***
Một buổi chiều, ba dắt về một người đàn bà răng hơi hô. Ba bảo chúng tôi phải gọi người ấy là mẹ. Mẹ kế có ngoại hình không đẹp nhưng quán xuyến và tốt bụng. Bà chăm chút cho từng bữa ăn, cái mặc, giấc ngủ của chúng tôi chu đáo, tận tình hơn cả mẹ đẻ. Tôi tưởng rằng màn bi kịch những đêm ba uống rượu say đã khép lại. Nhưng sang đến tháng thứ hai, ba vẫn không quên được chai rượu. Chỗ ba anh em chúng tôi giờ có thêm một cặp đầu gối. Mẹ kế ôm ghì lấy chúng tôi mỗi khi ba lao nhát dao vào bức ảnh chân dung của mẹ ruột. Rồi không chịu được cảnh ấy, mẹ kế gượng dậy, giằng lấy con dao.
- Anh vừa vừa phải phải thôi. Lũ trẻ có tội tình chi mà anh hành hạ chúng?
- Câm mồm!
“Bốp” - tiếng tát từ tay ba vào mặt mẹ kế. Mẹ kế bỏ đi ngay trong đêm, không mang theo bất cứ thứ gì…
***
Ba lại say rượu. Ba bắt chúng tôi quỳ trước sân rồi vơ hết quần áo của mẹ kế đem đốt cháy phừng phực bằng mồi lửa tuyệt tình, tàn nhẫn. Sự nổi dậy của mẹ kế đêm hôm trước đã hình thành trong tôi ý thức phản kháng. Tôi đứng dậy giật chiếc quẹt rồi chạy ra giếng múc xô nước xối lên ngọn lửa đang bừng cháy. “Bốp” - lần đầu tiên ba tát tôi. Quai hàm tôi như bị lệch đi. Đến lúc này, tôi mới cảm nhận được nỗi đau mà mẹ kế phải hứng chịu đêm hôm trước. Tôi nói hỗn:
- Ba ác lắm!
Ba túm lấy cổ tôi, ghì vào gần đống lửa chưa tắt hẳn:
- Mày muốn tao thiêu cả mày luôn không? Cút! Bọn bay cút hết cả đi! Cút đi cho khuất mắt tao!
Tôi dắt díu hai đứa em ra căn chòi bỏ hoang ngoài nương dâu, trải rơm ngủ tạm. Nửa đêm, em gái tôi “A” lên một tiếng thất thanh. Ở góc chòi có tiếng loạt xoạt như tiếng một con vật gì đó vừa tìm cách thoát thân. Tôi quýnh quáng bật dậy. Em gái tôi ôm chân:
- Anh ơi, em bị con gì cắn, đau lắm!
Tôi cuống quýt lần túi quần tìm lấy cái quẹt ban nãy giật được từ tay ba. Ngọn lửa sáng lên, hai chấm răng tím gắt của một con rắn hằn lên trên bắp chân em tôi, ứa máu. Vết bầm của nọc độc dần loang ra thâm thẫm sau lớp da trắng ngần. Tôi hoảng hốt xé miếng vải áo buộc ngang bắp chân em thật chặt rồi gọi thằng hai dậy. Ngay lập tức, tôi cõng em gái ra bến sông. Thằng hai chạy bên cạnh đỡ lấy chiếc chân đau của nó. Bên kia sông có bà Tư Cụt người miền Tây chuyên trị rắn cắn.
Ba tôi và thằng hai đến nhà bà Tư Cụt khi nắng vừa chớm mấy sợi mỏng manh trên khóm hoa hồng ngậm sương. Thấy em gái tôi được trùm chăn ngang cổ, mắt khép lại, nằm im trên chiếc giường sắt màu trắng, ba tôi ôm nó, khóc thảm thiết:
- Con gái ơi, ba có lỗi với con. Đừng bỏ ba mà, con ơi!
Bà Tư Cụt bê vào phòng tô cháo nóng hổi đặt lên bàn. Bà lườm ba tôi, nói giọng đậm chất sông nước Nam bộ:
- Anh biểu anh thương con mà đêm hôm khuya khoắt anh đuổi chúng ra khỏi nhà như đuổi tà vậy hả? Nó qua cơn nguy kịch rồi.
Ba quỳ rạp xuống, úp mặt vào cái bàn chân trái da nhăn nheo, rúm ró không còn ngón nào của bà Tư Cụt, vừa vái lấy vái để, vừa bối rối cảm ơn. Rồi hôn lên má em gái tôi, nước mắt ba vẫn tuôn rơi làm em gái tôi tỉnh dậy, đưa tay sờ mặt ba: “Ba ơi!”
Bà Tư Cụt đứng bên cạnh, mắt long lanh:
- Anh biết không, chồng tui bỏ tui vì tui ăn ở với ổng 5 năm mà chẳng sinh nổi một đứa con - bà Tư Cụt ngậm ngùi - Anh được trời ban cho bầy con ngoan ngoãn như vầy mà hổng biết quý! Tui chỉ chữa được vết rắn độc cắn ngoài da thôi. Còn con rắn độc trong cơ thể anh, anh phải tự mình chế ngự nó.
Tôi đút cháo cho em gái tôi, từng muỗng nhỏ. Nó ăn đến muỗng thứ ba thì thốt lên:
- Món cháo này quen quá, ba ơi. Ai nấu cháo cho con vậy?
Bà Tư Cụt đến bên, vuốt má nó:
- Cháo này của một cô bị chồng rũ bỏ. Cổ chẳng còn nơi nào để đi nên đến đây xin học nghề chữa rắn cắn và phụ tui lo toan chuyện cơm nước. Chiều qua, cổ ra bến đò đứng nhìn về phía bên kia cây gạo, nước mắt chảy dài…
Đúng lúc đó, mẹ kế tôi từ phía sau cánh cửa rón rén bước ra. Tất cả vỡ òa xúc động. Thằng hai tròn mắt ngạc nhiên. Bà Tư Cụt mỉm cười nhân hậu. Em gái tôi bật dậy, tập tễnh chạy đến ôm chầm mẹ kế, mếu máo. Ba tôi sau một lát sững sờ cũng tiến đến đặt bàn tay lên bờ vai gầy của mẹ kế nghẹn ngào thốt lên:
- Em đó à? Anh xin lỗi! Về với ba con anh đi!
Còn tôi, tôi giả vờ nhìn ra bến đò qua ô cửa sổ để giấu đi những giọt nước mắt hạnh phúc trong khoảnh khắc đoàn tụ đầy xúc động này. Phía bên kia làng tôi, cây gạo chỉ còn lại một vài bông hoa đỏ chói.
Truyện ngắn của: PHAN ĐỨC LỘC