Nhà thiết kế Việt Hùng: Áo dài truyền thống luôn mang giá trị riêng
Nhà thiết kế Việt Hùng là nhà tài trợ và thành viên Ban giám khảo cuộc thi “Em yêu áo dài truyền thống Việt Nam 2018” do Nhà thiếu nhi tỉnh tổ chức. Anh đã chia sẻ với phóng viên Vũng Tàu Chủ nhật về chiếc áo dài Việt Nam và cơ duyên đến với áo dài.
● Phóng viên: Học chuyên ngành Luật, nhưng anh lại trở thành nhà thiết kế (NTK) áo dài nổi tiếng. Anh có thể giải thích cho việc “rẽ ngang” này?
- NTK Việt Hùng: Khi còn nhỏ, tôi đã thích thiết kế thời trang. Tốt nghiệp THPT, tôi thi vào ĐH Luật theo nguyện vọng của gia đình, nhưng rồi tôi nhận ra thời trang chính là điều mình yêu thích và muốn theo đuổi. Vì vậy, năm 2000, mặc dù đã 34 tuổi, tôi quyết định bỏ nghề luật sư và bắt đầu bước vào nghề thiết kế thời trang. Tôi thích áo dài, nên các thiết kế của tôi chủ yếu là áo dài. Tôi đến với nghề muộn, nhưng chắc là có duyên nên cũng đã có chút thành công.
● Vì sao anh luôn tha thiết với tà áo dài đến vậy?
- Mỗi người một sở trường mà (cười). Tôi thích áo dài vì từ nhỏ rất ấn tượng với chiếc áo bà ba 2 tà của mẹ. Trong ký ức của tuổi thơ tôi là những bài học văn hóa Việt qua hình ảnh người mẹ bận rộn với việc mưu sinh nhưng vẫn gắn mình với đôi tà áo. Và có lẽ mẹ là người đã gửi cho tôi tình yêu đậm chất Việt nhất bằng những việc làm cụ thể và lâu dài ấy. Tôi yêu mẹ, tôi yêu tà áo Việt của mẹ và tôi muốn gửi đến và nhân lên tình yêu ấy trong cuộc sống này, thông qua việc thiết kế những tà áo dài. Với tôi, mỗi chiếc áo dài chứa đựng tâm hồn người phụ nữ Việt Nam, vừa kín đáo, vừa tha thướt lại vừa tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ.
● Có phải nhờ tình yêu này mà tên tuổi của Việt Hùng luôn gắn với áo dài Việt?
Các thí sinh ở bảng A trong buổi chụp hình ngoại cảnh. Ảnh: MẠNH THẮNG |
- Áo dài mang đến cho tôi niềm vui, sự bận rộn, những trăn trở, ưu tư và cũng thật nhiều giây phút thăng hoa. Tuy nhiên, tôi không nghĩ đó là điểm tựa mà là nền móng vững chắc dựa trên tình yêu và sự thử thách. Tôi luôn thận trọng với những giá trị mang tính thời gian. Tôi chỉ cho phép mình “bay” trong “vùng trời bình yên” để giữ bản sắc văn hóa Việt và hơn nữa là giữ được cái hồn cốt của gia đình, xã hội và của dân tộc mình.
● Vậy làm sao để mỗi bộ sưu tập áo dài của anh có được sự khác biệt?
- Chỉ cần khác về chất liệu, hoa văn hay chút cách điệu nơi thân áo, cổ hoặc tay áo là bộ áo dài đã khác đi rồi. Sự sáng tạo trên các họa tiết sẽ khiến người xem tự cảm nhận về mỗi bộ sưu tập của tôi. Chẳng hạn, với phụ kiện là chuỗi ngọc trai trên cổ, chiếc áo dài màu đen sẽ trở nên khác biệt khi tôi sử dụng họa tiết là những ánh đèn lấp lánh, chút cách điệu ren nơi tay áo, lập tức người xem liên tưởng đến hình ảnh những quý cô Sài Gòn sang trọng đi dự tiệc; hay cũng vải áo đó, cũng sử dụng chuỗi hạt ngọc trai, tôi thay họa tiết là những căn nhà cổ rêu phong, người xem sẽ nghĩ đến Hội An, hoặc những cô gái Tràng An thanh lịch trên phố cổ Hà Nội…
● Anh đánh giá thế nào về những trào lưu thiết kế áo dài cách tân, chẳng hạn áo dài ngắn trên đầu gối, áo dài 2 tà mặc với chân váy như hiện nay?
- Ở mỗi thời điểm, chiếc áo dài lại có hình dáng khác. Tuy nhiên, dù ở thời kỳ nào, hình dáng chiếc áo dài vẫn phải dựa trên nét đẹp truyền thống để từ đó kết hợp hài hòa với hiện đại. Bản thân tôi cũng là một người cách tân áo dài, vì áo dài là thời trang, bên cạnh truyền thống còn phục vụ thị hiếu người mặc, mà thị hiếu thì luôn thay đổi. Sự cách tân tạo ra nét mới, nhưng áo dài truyền thống vẫn luôn giữ được giá trị riêng. Bởi lẽ trên thực tế, trong tủ quần áo của nhiều phụ nữ, bên cạnh những bộ áo dài cách tân vẫn không thể thiếu chiếc áo dài truyền thống. Với tôi, áo dài phải có 2 tà (trước và sau), mặc với quần dài chứ không nên mặc với chân váy hay quần jeans, legging…
● Là NTK nổi tiếng với những bộ sưu tập áo dài đẹp, gắn bó với những tên tuổi hoa hậu, công việc bận rộn nhưng anh vẫn nhận lời làm giám khảo và là nhà tài trợ cuộc thi “Em yêu áo dài truyền thống Việt Nam”?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở TP.Vũng Tàu, khi còn nhỏ tôi là một thành viên của CLB Kỹ năng - Nhà thiếu nhi tỉnh. Vì thế, khi Nhà thiếu nhi tỉnh mời tham gia, tôi nhận lời ngay, một phần vì áo dài luôn là tình yêu, là niềm đam mê của tôi, phần nữa vì Nhà thiếu nhi tỉnh BR-VT là ngôi nhà thời thơ ấu, khiến tôi luôn muốn trở về.
● Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
MINH QUANG
(thực hiện)