.

Tết của nghệ sĩ

Cập nhật: 10:09, 09/02/2018 (GMT+7)

Từ giữa tháng Chạp đến khoảng Rằm tháng Giêng, các nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh lại tất bật với các chương trình biểu diễn phục vụ Tết. Với các nghệ sĩ, được phục vụ công chúng là niềm vui, hạnh phúc.

“Với nghệ sĩ, được đứng trên sân khấu phục vụ khán giả và được khán giả đón nhận là niềm hạnh phúc. Cũng mang váy đẹp, áo hoa, niềm vui Tết của chúng tôi là mang lời ca tiếng hát đến với công chúng”, ca sĩ Tuyền Linh (Đoàn Ca múa nhạc tỉnh) chia sẻ, sau khi kết thúc chương trình biểu diễn tại lễ khai mạc Hội Báo Xuân Mậu Tuất 2018 (sáng 6-2).  

Nhắc đến Tết, chị nhớ lại kỷ niệm khó quên về một lần đón giao thừa ngay trên ô tô, khi Đoàn đi diễn phục vụ nhân dân huyện Xuyên Mộc. Tuyền Linh kể: “Thông thường, trưa 30 Tết tôi sửa soạn mâm cỗ, bánh, trái rồi đến tối, khi đi diễn về sẽ cúng giao thừa. Tuy nhiên, đêm 30 Tết Ất Mùi 2015, xe chở Đoàn đang trên đường về Vũng Tàu thì bị trục trặc nên chúng tôi không kịp về tới nhà trước thời khắc giao thừa. Anh em trong Đoàn rưng rưng nắm tay nhau, cùng hát vang bài: Happy New Year, chúc nhau những điều tốt đẹp. Khi khắc phục xong sự cố, về đến nhà lúc gần 2 giờ sáng mùng 1 Tết”. 

Vợ chồng ca sĩ Tuyền Linh - Thanh Phong biểu diễn tại Lễ khai mạc Hội Báo Xuân Mậu Tuất 2018.
Vợ chồng ca sĩ Tuyền Linh - Thanh Phong biểu diễn tại Lễ khai mạc Hội Báo Xuân Mậu Tuất 2018.

Với NSƯT Minh Chính, 26 năm gắn bó với Đoàn Ca múa nhạc tỉnh, với nghiệp diễn cũng là chừng đó năm chị không có cái Tết trọn vẹn cùng gia đình. Kết thúc tiết mục độc tấu đàn đá tại lễ khai mạc Hội Báo Xuân Mậu Tuất 2018, chị lui về phía sau sân khấu, nơi có chồng chị - NSƯT Nguyễn Văn Hoàn đợi sẵn. Anh cẩn thận sắp xếp từng thanh đá vào chiếc túi giúp vợ. “Tôi may mắn khi có chồng cùng nghề nên dễ thông cảm, chứ làm nghệ sĩ, đi diễn suốt trong những ngày lễ, Tết, không phải người vợ/chồng nào cũng hiểu và chia sẻ đâu”, chị Minh Chính nói. Nghệ sĩ Minh Chính nhớ lại kỷ niệm về đêm giao thừa cách nay 5 năm. Hôm đó, vợ chồng chị cùng Đoàn đi diễn vào đêm 30 Tết và cũng không kịp về tới nhà trước lúc bước sang năm mới. “Ba mẹ chồng đã mất nên đến giao thừa, hai vợ chồng đều không kịp về thắp nhang khấn ông bà, tổ tiên khiến chúng tôi rất áy náy. Về đến trụ sở Đoàn (30, Lê Quý Đôn), các anh em trong Ban chấp hành Công đoàn đã chuẩn bị bia, nước ngọt và bánh kẹo để đón Đoàn. Cảm giác thật thân thương và ấm cúng. Chúng tôi chúc Tết nhau và trở về nhà khi đã hơn 1 giờ sáng mùng 1 Tết”.

Theo NSƯT Hòa Hiếu, Phó Trưởng Đoàn Ca múa nhạc tỉnh, dịp Tết năm nay, Đoàn phục vụ 40 suất diễn, từ ngày 27-1 (mùng 10 tháng Chạp) đến 2-3 (Rằm tháng Giêng). Để chuẩn bị chương trình với hơn 40 tiết mục khác nhau, các nghệ sĩ trong Đoàn đã luyện tập từ tháng 10-2017. “Để khán giả không bị cảm giác nhàm chán, chúng tôi luôn phải nghĩ cách làm mới chương trình, trang phục và phong cách diễn tươi trẻ hơn”, NSƯT Hòa Hiếu nói.

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh lại tất bật với các chương trình biểu diễn phục vụ công chúng. Trong ảnh: Một tiết mục văn nghệ do Đoàn Ca múa nhạc tỉnh biểu diễn tại buổi họp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với kiều bào tiêu biểu, trí thức và nhà đầu tư nhân dịp đầu năm mới. Ảnh: MINH THANH
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh lại tất bật với các chương trình biểu diễn phục vụ công chúng.
Trong ảnh: Một tiết mục văn nghệ do Đoàn Ca múa nhạc tỉnh biểu diễn tại buổi họp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với kiều bào tiêu biểu, trí thức và nhà đầu tư nhân dịp đầu năm mới. Ảnh: MINH THANH

Dịp này, Đội Thông tin lưu động tỉnh cũng kín lịch diễn với 20 suất tuyên truyền lưu động phục vụ người dân, bắt đầu từ ngày 31-1 (Rằm tháng Chạp) đến 21-2 (mùng 6 Tết). Anh Nguyễn Hữu Việt, Đội phó Đội Thông tin lưu động tỉnh cho biết, các chương trình của Đội tập trung phục vụ người dân vùng xa, vùng nông thôn trong tỉnh. Ở mỗi địa phương, Đội diễn từ 2-3 suất với các tiết mục mang chủ đề về mùa Xuân, như: Mùa Xuân lên nương, Điệp khúc mùa Xuân, Để mãi là mùa Xuân, Chào Xuân... “Đời nghệ sĩ là vậy, khi mọi người được nghỉ Tết, sắm đồ Tết, vui chơi, sum họp cùng gia đình thì chúng tôi phải đi diễn phục vụ bà con. Chúng tôi luôn động viên nhau thu xếp công việc gia đình để đi diễn, bởi đây vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa góp phần đưa văn nghệ về phục vụ bà con vùng xa, vùng nông thôn”, anh Việt nói. 

Tết cũng là thời gian chạy sô của các CLB, đội nhóm văn nghệ không chuyên. Hoàng Lê Phương (Trưởng nhóm múa bụng Diamond Belly Dance, TP.Vũng Tàu) cho biết, bình thường, mỗi tuần nhóm có 4-5 buổi diễn, nhưng dịp Tết tăng lên 10-12 buổi/tuần. “Nhóm có 8 thành viên, chia thành 2 đội, tùy vào hợp đồng ký với khách hàng để đi diễn. Mỗi buổi diễn kéo dài 15-30 phút, nhưng các thành viên phải tập nhiều lần để các động tác phối hợp thật nhuần nhuyễn. Từ nay đến mùng 8 Tết, nhóm kín lịch diễn. Tụi em xác định không nghỉ Tết luôn, mệt nhưng vui lắm chị à”, Lê Phương chia sẻ. Lan Hương, thành viên của nhóm thì cho biết, các bạn trong nhóm đều là HS, SV đang sống cùng gia đình ở TP.Vũng Tàu. Từ yêu thích, đi tập múa bụng, những người có năng khiếu đã lập nhóm để đi diễn, vừa để thỏa đam mê múa bụng vừa có thêm tiền trang trải chi phí học tập. “Bình thường, mỗi người có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, dịp Tết tăng lên 4,5-5 triệu đồng/tháng. Thời gian đầu ba mẹ tụi em chưa quen, cũng hỏi sao Tết còn đi làm, nhưng sau này, thi thoảng ba mẹ và người thân cũng đến coi, cổ vũ cho tụi em diễn”, Lan Hương nói. 

Anh Hữu Việt thì cho biết thêm, Tết là thời gian anh em nghệ sĩ bận rộn nhất trong năm. “Những năm đầu, khi mới vào Đội, phải đi diễn trong những ngày Tết, không được sum họp cùng gia đình, tôi cũng chạnh lòng lắm. Nhưng năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, cứ đi miết rồi quen, được đứng trên sân khấu phục vụ bà con là niềm hạnh phúc của chúng tôi”. 

Bài, ảnh: MINH QUANG

.
.
.