.
TẠP BÚT

Ngóng Tết

Cập nhật: 10:09, 09/02/2018 (GMT+7)
Viết câu đối Tết. Ảnh: Internet.
Viết câu đối Tết. Ảnh: Internet.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, Tết bắt đầu đến từ khi nào? Hồi còn nhỏ, khoảng năm, sáu tuổi, Tết bắt đầu là khi mẹ bảo: “Con ngoan rồi đến Tết mẹ may áo mới và mua đồ chơi cho”. 

Tuổi đó, tôi chỉ thích chơi bóng bay. Tết đến, tôi sẽ được người lớn mua cho nhiều bóng bay để chơi cùng chúng bạn. Đường từ làng ra chợ những ngày áp Tết xôn xao bóng bay. Giỏ xe mẹ đi chợ về cũng treo thêm chùm bóng bay. Ngày thường thì không có đâu, chỉ đến Tết mẹ mới hào phóng thế. Mẹ dặn ba ngày Tết kiêng làm bể bóng vì sợ xui, nên đứa nào đứa nấy thổi cho kỳ hết vào trước đêm 30. Thổi rồi lại nhờ anh, chị treo lên cành đào, treo trên chậu cảnh, treo khung cửa sổ mà ngắm nghía, mà rạo rực mừng vui. Thế mà mấy ngày Tết cũng có lúc bóng bị bể. Mặt ỉu xìu sợ hãi, tôi mếu máo thưa với ba mẹ. Nhưng rồi sau cái xoa đầu của ba, cái nén cười của mẹ, tôi quên béng những lo lắng về chuyện xui xẻo. 

Lớn thêm chút nữa, không cần đợi người lớn thông báo, tôi biết Tết sắp về khi thấy ba mẹ tất bật với củi, với lá dong, ống giang. Tôi thấy cha mẹ bận bịu hơn với việc tính toán phải gói bao nhiêu cặp bánh, đặt bao nhiêu con gà, làm thêm món này món kia. Rồi trà thuốc bánh mứt, hoa chưng bàn thờ. Và đặc biệt là không thể thiếu quần áo mới cho mấy anh chị em tôi. Út ít thì được thêm đôi dép. Tôi lớn hơn, đã biết chọn quần áo theo ý mình, dép thì cần gì mới, miễn là có thêm mấy chiếc nơ để tết tóc làm duyên. Đến Tết, tôi tập tành làm người lớn. Soi gương, tôi biết lúc lắc cái đầu làm dáng, biết tập cười trong gương, biết điệu đà mím môi đá mắt. Thấy người lạ đến nhà, tôi đã biết đỏ mặt, biết cười hiền. Tết ở tuổi ấy chỉ loanh quanh ngắm nghía quần áo mới. Ngày Tết bỗng dưng thấy mình xinh hơn ngày thường, chẳng buồn tơ vương những chùm bóng bay như trước nữa.

Mười sáu tuổi, thành thiếu nữ, tôi đã biết ngắm mưa bụi chùng chình ngoài hiên rồi vu vơ buồn vui. Ấy là lúc mưa bụi đang rủ Tết về. Bầu trời se sắt gió. Mưa bụi bay bông lơn như buông như níu. Thiếu nữ biết mình phải làm gì phụ cha mẹ đón Tết. Lớn rồi thì không được đòi bóng bay, không đòi hỏi quần áo mới vì đã biết chỉn chu, sạch sẽ mỗi ngày. Tôi cũng thấy không cần thiết phải soi gương nhiều đến thế và chăm làm việc nhà hơn. Bên bếp lửa hồng được nhen từ Tết này, rồi Tết khác, mẹ giao bớt một số việc nhà cho con gái. Ba trầm ngâm, hài lòng.

Tết của tôi thiếu nữ khác với Tết của tôi con nít. Những nô nức, háo hức không còn, chỉ còn lại những xôn xao đợi chờ đôi ba điều không rõ ràng. Tết bắt đầu từ khi mưa bụi vương vào mắt, mơn man da thịt hay luẩn quẩn chân người âu yếm, nũng nịu. Mưa bụi bắt bài đôi má hồng con gái nên xui đất trời xôn xao màu Tết, mùi Tết. Là màu lá xanh non cựa quậy, là màu hoa xôn xao lộng lẫy đợi Tết. Cổng làng, vườn nhà rực rỡ cờ hoa, bóng bay đủ màu sắc rộn ràng. Khói bếp cũng tỏa thứ hương thơm riêng biệt của Tết. Đó là mùi của no đủ, ấm áp, của đoàn viên quây quần. Tôi nghe trong tiếng lanh canh của chén đũa va chạm, tiếng râm ran chuyện trò, tiếng thưa gửi mời mọc, tiếng nguyện cầu báo ân, báo ơn… là ấm nồng vị Tết. Tết là để sum vầy.

Với tôi, mùi Tết không thể thiếu hương trầm. Chỉ một thoảng hương trầm thôi mà đã dậy lên mùi Tết. Tôi nghĩ đó là thứ mùi đặc biệt duy nhất chỉ dành cho Tết, không thể lẫn. Chạm mùi hương trầm là chạm Tết. Giữa những bộn bề ngược xuôi hối hả, mùi hương trầm vương vít, thúc giục những khát khao trở về. Không có hương trầm, những cuộc sum vầy chỉ để sum vầy. Không có hương trầm, mưa bụi chỉ làm người ta thấy lạnh. Không có hương trầm, Tết nhạt như một ngày được nghỉ, lười biếng công việc. Không có hương trầm, hoa đào khoe sắc hớ hênh với gió chẳng buồn thắm duyên. Và bạt ngàn hương sắc khác lộng lẫy chỉ để ban cho đời những phút xôn xao vội vàng đến rồi đi theo quy luật. Là mùi của Tết, khói hương trầm nhen ấm cả mùa Xuân.

Tôi đã đi qua bao nhiêu mùa bóng bay, bao nhiêu mùa áo mới, bao nhiêu mùa mưa bụi giăng mắc vẫn thấy lòng rộn ràng ngóng Tết. Tết thì vẫn cứ vẹn nguyên như thế. Đủ xôn xao để trẻ, đủ dịu dàng để nhớ, đủ trầm tư để níu kéo, đủ chín để buộc người thương không thể không về.

NGUYỄN HỒNG

.
.
.