Tản mạn về Tết xưa và Tết nay
Với sự phát triển không ngừng của văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, cách thức đón của người Việt Nam ngày nay đã khác nhiều so với cách đón Tết của người xưa.
Với người Việt xưa, việc ăn uống trong những ngày đầu năm là rất quan trọng. Chiều 30 tháng Chạp, nhà nào cũng dâng lên bàn thờ tổ tiên mâm cỗ bao gồm trái cây và thức ăn. Người đàn ông là chủ nhà thắp nhang cầu xin tổ tiên chứng giám và phù hộ cho gia đình được nhiều phước lành trong năm mới. Theo sau đó, mọi người trong nhà đều chắp tay cung kính thỉnh vong linh ông bà về ăn Tết. Bên mâm cơm ngày Tết là sự sum họp đầm ấm của đại gia đình.
Để cái Tết được sung túc, đầy đủ, các gia đình thường phải chuẩn bị trước từ đầu năm. Mới tháng Giêng, nhiều bà mẹ nông thôn đã ra vườn dặm những bụi dong để Tết đến còn có lá gói bánh chưng; chăm sóc đôi heo, đàn gà để Tết đến có thịt mà dùng. Ngay cả thời bao cấp khó khăn, những tem phiếu gạo, thịt, đường… cũng được nhiều gia đình dành dụm cho ngày Tết. Đây cũng là dịp để những người phụ nữ trong gia đình trổ tài nấu nướng, bày biện mâm cơm cúng tổ tiên, mâm cỗ giao thừa, vừa ngon miệng và đẹp mắt nhất.
Với sự khác biệt về địa lý, phong tục cũng như văn hóa ẩm thực của mỗi vùng miền vẫn có những nét khác nhau. Ở miền Bắc, mâm cỗ Tết thường có đĩa xôi gấc, thịt gà luộc vàng óng rắc lá chanh, các món xào, món canh (chân giò heo nấu măng, miến), đĩa chả lụa hoặc chả quế, dưa hành và đặc biệt là bánh chưng… Mâm cỗ ngày Tết trông như một bức tranh đầy đủ sắc màu của bốn mùa ấm no, hạnh phúc. Mâm cỗ Tết của người miền Trung cũng rất tươm tất không kém. Món truyền thống là bánh tét được làm từ gạo nếp, thịt heo, đậu xanh rồi gói bằng lá chuối. Nem chua - một món ăn cũng không thể thiếu trong mâm cỗ Tết, được làm từ thịt heo xay nhuyễn trộn với da heo cùng gia vị, tỏi, lá đinh lăng rồi ủ chua cho lên men đến chín. Một món bánh đặc biệt khác là bánh tổ. Bánh tổ được làm từ nếp hương, đường đen, gừng và mè. Ngoài ra còn có hương vị của các món tôm chua, giò bò, thịt heo ngâm nước mắm… Tất cả tạo nên hương vị riêng biệt, khó lẫn, khó quên của vùng đất miền Trung. Còn với người Nam bộ, mâm cơm ngày Tết không thể thiếu món thịt kho nước dừa thơm ngọt, canh khổ qua dồn thịt (tượng trưng cho gian khổ đã qua), lạp xưởng, dưa món và củ kiệu kèm tôm khô. Bánh tét của người Nam bộ có hai loại chính là bánh tét nhân mặn và nhân ngọt.
Ngoài ra, Tết của người Việt còn rực rỡ sắc hoa. Người miền Bắc thường chọn hoa đào trang trí trong nhà như lời chúc phúc đầu năm may mắn. Người miền Trung và miền Nam thường dùng hoa mai vàng - tượng trưng cho sự cao sang, phú quý.
Gia đình sum họp trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. |
Ngày nay, nói đến Tết, giới trẻ thường bàn đến việc “chơi Tết” hơn là “ăn Tết”. Điều này xuất phát từ thực tế cuộc sống là hàng ngày họ đã quá quen thuộc với những bữa tiệc tùng liên miên. Vì thế, việc nấu nướng, chuẩn bị với họ nay đã quá đơn giản, tiện lợi. Chỉ cần mở điện thoại là đã có thể có đủ các món ngon cho những ngày Tết, bởi các dịch vụ bán hàng có người giao đến tận nhà. Những bà mẹ hiện đại dần dần đón Tết theo xu hướng ngày càng “gọn nhẹ”, chẳng còn lo lắng, tất bật như người mẹ xưa.
Với nhiều gia đình trẻ, Tết là dịp để nghỉ ngơi. Họ chọn các tour du Xuân khắp nơi trong và ngoài nước, bởi người phụ nữ ngày nay cũng tham gia gánh vác mọi công việc xã hội như nam giới. Ngày xưa, trẻ em thường được cha mẹ đưa tới những lễ hội mùa Xuân và tham gia các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, kéo co, nặn tò he, xin chữ đầu năm… Ngày nay, những chiếc máy tính bảng, điện thoại thông minh khiến các cô bé, cậu bé không còn hào hứng với những thú chơi dân gian đó nữa trong 3 ngày Tết. Ngay cả việc chúc Tết, lì xì đầu năm cũng gọn nhẹ hơn nhiều. Con cháu đi chơi xa có thể gửi lời chúc kèm hình ảnh sống động qua facebook, zalo, viber đến ông bà cha mẹ. Còn việc lì xì đã có dịch vụ chuyển khoản qua ngân hàng hay giao dịch trực tuyến.
Mỗi người chúng ta có rất nhiều cảm xúc khác nhau khi thời khắc giao thừa báo hiệu năm cũ qua, năm mới đang đến. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện nào thì mỗi người con đất Việt vẫn lưu giữ trong trái tim mình hương vị Tết đặc trưng, riêng biệt của quê hương xứ sở mà không nơi nào có được.
VŨ THANH HOA