Niềm vui đêm giao thừa
Chiều ba mươi Tết, cả nhà tôi náo nức đọc thư chú Quang. Chú báo tin Tết này được nghỉ phép, sẽ về nhà ăn Tết cùng gia đình.
Chú Quang là em trai út của cha tôi. Chú đi chiến khu từ tháng 6-1945. Khi Pháp tái chiếm Nam bộ, đơn vị chú được lệnh Nam tiến, biền biệt nhiều năm trời, gia đình không nhận được tin tức gì của chú.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, miền Bắc giải phóng. Nhiều người làng tham gia bộ đội kháng chiến đã trở về nhưng chú vẫn bặt vô âm tín. Có lời đồn chú đã hy sinh, lại có người nói rằng chú theo Quốc Dân đảng phản động, ở lại miền Nam phục vụ cho ngụy quyền Sài Gòn… Những tin tức thất thiệt ấy khiến cả gia tộc lao đao. Bà nội lo lắng đau buồn, lâm trọng bệnh qua đời. Để ông nội đỡ lo buồn, cha mẹ tôi rất ít nói về chú Quang. Đột nhiên, chiều ba mươi Tết, bác bưu tá chạy tới nhà tôi thét to: Có tin vui đây! Thư của anh Quang gửi về đây!
Cha tôi hồi hộp mở thư đọc cho ông nội cùng cả nhà nghe. Chú viết rất ngắn, rằng vẫn khỏe mạnh! Tết này được nghỉ phép, chú sẽ về ăn Tết ở nhà. Ông nội bắt cha tôi đọc lại thư nhiều lần. Mẹ tôi lo lắng hỏi, hôm nay là ba mươi Tết rồi, liệu chú Quang có kịp về ăn Tết không? Ông nội ngồi trên chiếc tràng kỷ nhấp ngụm trà đang bốc hơi gật gù bảo, nơi chiến địa bom rơi đạn nổ, anh Quang còn sống trở về là phúc lớn lắm rồi, tối nay chưa về thì ngày mai, ngày kia… có sao đâu!
Đêm xuống, cả nhà tôi ngồi quanh nồi bánh chưng đang sôi sùng sục, mong ngóng chú Quang. Mẹ mở vung nồi bánh. Mùi thơm bánh chưng bay ra ngào ngạt. Cha tôi bảo, bánh chín kỹ rồi. Vớt bánh dọn dẹp xong chắc cũng đến giao thừa. Bọn trẻ ăn bánh rồi lên nhà ngủ đi.
Mấy anh chị em tôi vừa ăn xong bánh chưng thì nghe tiếng người gọi ngoài cổng lớn. Tôi mừng rỡ reo lên:
Chú Quang! Chú Quang về thật rồi!
Cha vội ra mở cổng. Tôi lon ton chạy theo. Dưới ánh đèn tù mù, chú Quang hiện ra trước mắt tôi. Chú mặc áo bạt đi mưa dài chấm gót, đội nón cối bọc lưới, ngôi sao vàng lấp lánh phía trước. Cả nhà tôi ào ra đón chú Quang. Chú hỏi ông bà có khỏe không? Cha tôi buồn rầu bảo, bà mất hai năm trước. Ông vẫn khỏe. Chắc ông đi nghỉ rồi.
Chú Quang sững sờ một lúc rồi cởi chiếc áo bạt treo lên dây. Tôi trầm trồ ngắm bộ quân phục màu xanh rêu, áo đại cán bốn túi, bên hông lộ ra chiếc bao da khẩu súng ngắn. Tôi thầm đoán, chắc chú phải có chức to lắm mới được mang theo súng như thế.
Mẹ tôi ríu rít bảo, chú lên nhà trên chào ông đi, để tôi lấy nước nóng cho chú tắm rửa, thay quần áo, rồi ăn bánh chưng. Bánh nhà mới luộc ngon lắm! Chú đi đường xa rét buốt vất vả như thế chắc đói rồi. Chú Quang cười xòa bảo, em là bộ đội, hành quân vài trăm cây số là chuyện thường, bác cứ để mặc em!
Mẹ tôi bưng mâm bánh chưng nóng hổi đặt lên bàn, giữa hai chiếc tràng kỷ. Ông nội đã thức dậy ngồi uống trà. Chú Quang thay đồ xong đến ngồi cạnh cha tôi. Mẹ bày sẵn chén đũa, gắp bánh mời ông nội và cha tôi cùng ăn với chú Quang. Ông nội ăn một miếng bánh nhỏ rồi đặt đũa xuống mâm, khen bánh nhà mình năm nay rất ngon. Các anh cứ ăn đi, tôi già rồi, ăn đêm không được. Rồi ông nội nâng ly trà quay sang hỏi chú Quang:
Anh đánh trận ở những đâu mà không viết thư về?
Chú Quang kể, chú theo đoàn quân Nam tiến, đến Thanh Hóa thì bị sốt rét nặng. Thế là đơn vị để chú lại, hành quân tiếp. Hai tháng sau chú mới khỏi bệnh. Bấy giờ viện quân y đang thiếu thầy thuốc. Biết chú đã học xong tiểu học, cấp trên quyết định cử chú đi học lớp đào tạo gấp để thành y sĩ. Từ đó đến nay, chú vẫn làm quân y ở các mặt trận.
Cha tôi hỏi, chú có được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ không? Chú Quang mỉm cười kể, em tham gia chiến dịch ngay từ trận đầu. Nhưng em ở tuyến sau, không trực tiếp chiến đấu. Nghe chú kể, tôi cảm thấy thất vọng quá. Những tưởng chú là anh hùng, đánh Tây trăm trận, lập nhiều chiến công. Hóa ra, chú chưa chiến đấu trận nào. Nhưng ông nội tôi lại tỏ vẻ hài lòng gật gù bảo, làm thầy thuốc cứu người cũng là phúc lớn, đánh giặc đâu nhất thiết phải cầm súng.
Đúng lúc ấy, giao thừa đã điểm. Cha tôi mặc áo dài đen, đội khăn đóng, thắp nhang ở bàn thờ lớn giữa nhà. Mùi nhang trầm quyện mùi bánh chưng thơm ngào ngạt lan tỏa từ trong nhà ra ngoài sân.
Năm mới đã đến trong niềm vui sum họp cả gia đình. Đó là đêm giao thừa năm Mậu Tuất 1958, cách nay tròn sáu mươi năm.
TRẦN QUANG VINH