.

Tên anh đã thành tên đất nước

Cập nhật: 11:29, 22/12/2017 (GMT+7)

Trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”, nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân đã tạc vào thế kỷ hình ảnh: “Anh giải phóng quân ơi/Tên anh đã thành tên đất nước”. Người chiến sĩ chính là biểu tượng hóa thân vào đất nước. Một đất nước đã đi qua bao cuộc chiến tranh, chống bao cuộc xâm lăng. Người lính luôn là tâm điểm quy tụ những phẩm chất tốt đẹp với ý chí kiên cường “quyết chiến - quyết thắng”.

Từ cánh rừng mang tên hai vị tướng: Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám tại Cao Bằng, ngày 22-12-1944 đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của quân đội ta ngày nay đã được thành lập, với 34 chiến sĩ sắc phục bình dị, vũ khí thô sơ, dưới lá cờ đỏ sao vàng. Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc lời tuyên thệ sắt son, là một trong những chứng nhân lịch sử hùng hồn lưu mãi trong ký ức dân tộc.

Có lẽ trên thế giới này ít có lực lựơng vũ trang nào lại được mang tên vị lãnh tụ kính yêu của mình: “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Đó là những người lính xuất thân từ mọi miền Tổ quốc. Họ đã trở thành đồng chí, đồng đội của nhau: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” (Chính Hữu).

Bác Hồ kính yêu trong bộ quân phục người lính cũng đã “Chống gậy lên non xem trận địa” ở mặt trận Đông Khê năm nào. Hình ảnh vị lãnh tụ trên lưng ngựa rong ruổi dọc những nẻo rừng chiến khu Việt Bắc hành quân với bộ đội đẹp biết bao. “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” đó là điệp khúc ngân vang, hòa âm dào dạt trong lòng mỗi người chiến sĩ ra trận...

Hành quân từ những chiến công ban đầu: Phay khắt - Nà Ngần; đến chiến dịch biên giới Thu Đông và làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hình ảnh Bác Hồ trong tim mỗi người chiến sĩ đã “cùng chúng cháu hành quân” từ những trận đầu thắng Mỹ đến chiến dịch Khe Sanh, đường chín Nam Lào, 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị khói lửa ác liệt. Và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng giải phóng hoàn toàn đất nước. Trong ngày vui đại thắng, giữa rừng người, rừng hoa rực rỡ cờ đỏ sao vàng mừng ngày đất nước thống nhất, ta vẫn thấy “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Anh “bộ đội Cụ Hồ” từ cánh rừng cách đây 73 năm đã viết tiếp những chiến công qua bao cánh rừng Trường Sơn hùng vĩ, những cánh rừng cao su Lộc Ninh bạt ngàn, những cánh rừng “Rừng che bộ đôi rừng vây quân thù”. Quân phục các anh mang màu sắc lá rừng - một màu xanh bền bỉ “lớp cha trước lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu).

Màu xanh của rừng tiếp nối màu xanh của biển. Người lính lại có mặt nơi đầu sóng ngọn gió trên các hòn đảo khơi xa, dẻo dai như những cây phong ba. Các anh là điểm tựa của lòng dân, cứu giúp dân trong bão lũ, canh phòng nơi biên giới.

Các anh từ áo trấn thủ, dép cao su đến chiếc ba lô con cóc, mái  tăng, mái võng. Các anh từ súng kíp, súng trường đến xe tăng tên lửa. Từ hành trang người lính thật giản dị mà thân thiết vô cùng đến những quân, binh chủng hiện đại thì tâm hồn các anh vẫn là “Đầu súng trăng treo” (Chính Hữu). Đó chính là vẻ đẹp lý tưởng với điệp khúc quân hành “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân  hy sinh”.

Cũng là bởi tên anh “bộ đội Cụ Hồ” đã thành tên đất nước để “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Lê Anh Xuân).

NGUYỄN NGỌC PHÚ

.
.
.