.

Một chiều mưa

Cập nhật: 11:29, 22/12/2017 (GMT+7)
Minh họa của MINH SƠN.
Minh họa của MINH SƠN.

Vợ ông Thà mất đã ngót hai chục năm. Ngày ấy, ông mới ngoài bốn mươi tuổi. Bao năm trời vợ chồng gắn bó với nhau, biết bao kỷ niệm vui buồn. Những năm chiến tranh, ông là bộ đội công binh. Bà là cô sinh viên đại học sư phạm. Gian khổ hiểm nguy, bà vẫn thủy chung chờ đợi. Đất nước hòa bình thống nhất, ông chuyển ngành về một cơ quan hành chính, vợ chồng được sống bên nhau. Cuộc sống lam lũ vất vả. Đồng lương không đủ sống, vợ chồng ông phải chăn nuôi thêm heo, gà trong căn hộ tập thể ba chục mét vuông để kiếm thêm thu nhập, nuôi các con ăn học.

Gia đình nào cũng có lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Nhưng bà Huệ, vợ ông, là người vợ dịu hiền, luôn nhường nhịn chồng. Ông từng nói với vợ rằng, chín mươi chín kiếp trước anh phải tu hành đắc đạo nên kiếp này mới lấy được em!

Bà Huệ qua đời vì ung thư. Ông Thà ở vậy một mình nuôi dạy hai con ăn học. Hồng theo nghề mẹ làm cô giáo, đã có chồng con, nhà cửa đàng hoàng, hiện làm phó hiệu trưởng trường trung học cơ sở gần nhà. Sơn là con trai thứ, đang làm bác sĩ ở một bệnh viện lớn trên thành phố, lấy vợ cùng nghề, cuộc sống đủ đầy.

***

Thời gian trôi đi, ông Thà quen dần với cuộc sống độc thân. Từ ngày nghỉ hưu, thời gian rảnh rỗi nhiều hơn, ông tự đặt lịch sinh hoạt vui chơi để cuộc sống đỡ buồn tẻ. Sáng, ông dậy sớm đi bộ ra bãi biển tập thể dục, rồi xuống biển bơi. Chiều, trước khi đi bộ leo núi, ông cắm sẵn nồi cơm, để lúc về ông chỉ việc luộc thêm mớ rau, cùng nấu thức ăn đã làm sẵn là có một bữa ăn mà theo ông là đầy đủ chất. Thời gian còn lại ông xem ti vi, đọc sách báo, đôi khi sà vào hội cờ tướng ở quán cà phê gần nhà chơi vài ba ván.

Mấy người bạn già làm cùng cơ quan cũ thi thoảng đến chơi. Thấy cuộc sống  đơn côi của ông, có người khuyên nên kiếm một người đàn bà để chăm sóc lẫn nhau. “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. Vẫn biết là lời khuyên thật lòng nhưng ông Thà chỉ cười xòa. Nói vậy thôi chứ ở tuổi ông mà đi bước nữa cũng nhiều điều phiền toái, lại còn những lời đàm tiếu khó nghe của thiên hạ nữa chứ.

Nhưng, đời không ai học được chữ ngờ. Chiều hôm ấy, ông Thà đi bộ leo núi, bất chợt cơn mưa dông ập tới. Ông chạy không kịp, quần áo ướt sũng. Ông vội ghé vào mái hiên một căn nhà gần chân núi để trú mưa.

Mưa dai dẳng kéo dài gần một giờ đồng hồ. Ông cảm thấy trong người bứt rứt khó chịu, không chừng cảm lạnh cũng nên. Nghĩ vậy, ông định đánh liều đội mưa chạy về nhà. Vừa lúc ấy, một người đàn bà dừng xe trước hiên, nơi ông Thà đang trú mưa. Thấy ông đứng đó, chị vừa mở cửa vừa bảo:

- Mời bác vào nhà em mà trú mưa đi! Đồ của bác ướt hết cả rồi.

Ông Thà ngần ngại theo người đàn bà bước vào nhà. Người đàn bà mở điện, cởi áo đi mưa, khẩu trang, mũ bảo hiểm. Ông Thà cảm thấy bối rối khi nhìn rõ khuôn mặt trắng trẻo đầy đặn với đôi mắt to tròn của thiếu phụ.

Người đàn bà mỉm cười thân thiện bảo:

- Bác đừng ngại. Nhà chỉ có hai mẹ con, nhưng con trai em học đại học trên thành phố, thi thoảng mới về. Để em lấy quần áo khô bác thay tạm chứ ướt sũng thế này cảm mất!

Ông Thà lúng túng đỡ bộ quần áo pijama thiếu phụ đưa cho. Thiếu phụ giải thích rằng, bộ đồ này của chồng cô, chắc hơi rộng! Thôi, bác mặc tạm kẻo đổ bệnh.

Ông Thà cảm thấy ngây ngấy sốt nên không còn ngần ngại nữa. Ông bước vội vào nhà vệ sinh để thay đồ. Lúc bước ra phòng khách, ông đã thấy thiếu phụ ngồi đó cầm ly trà gừng còn nóng hổi mời ông.

Ông Thà  đỡ ly trà, nhâm nhi từng ngụm. Trà gừng nóng quả là thần diệu. Uống hết ly trà, người ấm dần lên, ông xúc động bảo:

- Tôi thật may mắn khi gặp được người tử tế như cô. Gần bảy giờ tối rồi, tôi phải xin phép về nhà, mai tôi sẽ mang bộ đồ này đến trả cô.

Thiếu phụ tần ngần nói:

- Bác vẫn còn mệt. Hay bác cho em số điện thoại để em gọi người nhà đến đón. Mưa gió thế này bác không nên đi bộ về nhà!

Ông Thà ái ngại:

- Nói thật với cô, nhiều năm rồi tôi vẫn ở một mình. Bà nhà tôi mắc bệnh nan y qua đời từ lâu. Tôi có hai con, một gái một trai. Các cháu đều đã trưởng thành. Cháu gái đã có chồng con, ra ở riêng. Còn cháu trai thứ hai làm bác sĩ, cũng có vợ con nhưng làm việc trên thành phố. Chúng muốn đón tôi về ở cùng nhưng tôi không chịu.

Thiếu phụ bảo hoàn cảnh bác cũng giống em. Về nhà bây giờ lại phải nấu nướng lích kích. Thôi, bác ở lại em nấu tô cháo gừng bác ăn cho khỏe hẳn, sau đó em chở bác về nhà. Rồi thiếu phụ thủ thỉ kể:

- Em tên Đào, là giáo viên tiểu học. Chồng em làm công nhân xây dựng. Cách đây bảy năm, anh ấy qua đời vì tai nạn giao thông. Vợ chồng em có một cháu trai.  Từ ngày cháu lên Sài Gòn học, em sống một thân một mình.

Nghe vậy, ông Thà bảo, khi nào cháu ra trường về đây xin việc, tôi sẽ giúp cho. Nhà có mẹ có con vẫn tốt hơn!

Chín giờ tối, ông Thà ăn hết tô cháo, trời cũng tạnh mưa. Cô Đào lấy xe máy chở ông về. Ông Thà mở cửa mời cô Đào vào nhà chơi. Nhìn đống quần áo vứt tứ tung ở góc nhà, cô Đào bảo, để em dọn dẹp giúp bác. Nói rồi cô nhanh tay gom đống quần áo dơ bỏ vào máy giặt, quét dọn nhà cửa giúp ông.

Hơn mười giờ, cô Đào mới lau dọn xong hai tầng lầu. Cô bảo, đàn ông như bác ở một mình không được. Từ nay thi thoảng em qua nhà làm ôsin giúp bác.

Cũng từ bữa ấy, cô Đào thường xuyên đến nhà ông Thà chơi, giúp ông lau dọn nhà, lúc thì cô làm vài ba món ngon. Đôi khi cô còn mua biếu ông nải chuối, ký cam. Mỗi lần gặp cô Đào, ông Thà vui vẻ, trẻ trung hẳn lên.

Một sáng chủ nhật, Hồng - con gái ông, đưa các cháu đến chơi. Bắt gặp ông Thà đang vui vẻ phụ cô Đào nấu ăn, Hồng sầm mặt hỏi:

- Chị là ai? Tại sao chị lại đến nhà ba tôi?

Cô Đào ngượng ngập nhìn ông Thà như muốn cầu cứu, rồi lúng búng chào ông ra về.

Ông Thà giận lắm nhưng vẫn cố trấn tĩnh bảo, con không được phép nói năng vô lễ như thế! Cô Đào là ân nhân của ba. Hôm trước ba đi bộ leo núi gặp cơn mưa dông, bị nhiễm cảm, nếu không có cô ấy thì ba tiêu rồi!

Hồng gay gắt:

- Nhưng cũng tại ba không chịu ở với bọn con! Đúng là ba muốn lấy vợ mới rồi! Ba có biết cả khu phố đang bàn tán râm ran chuyện của ba không. Ông Loan ở cạnh nhà còn đem chuyện ba có bồ ra bêu riếu rằng ba đang hồi xuân! Rằng ba dại gái, trước sau ngôi nhà này cũng rơi vào tay người khác…

Hồng òa khóc nức nở. Ông Thà mặt đỏ tía tai không nói một lời. Ông biết mọi chuyện đều từ miệng ông Loan mà ra. Cả khu phố ai cũng biết ông Loan là loại đàn ông ngồi lê đôi mách. Không hiểu sao ông ta biết được mọi chuyện riêng tư của từng gia đình rồi đem ra bình luận, bêu riếu… Nhưng tại sao con Hồng lại đi nghe những điều nhảm nhí nói ra từ miệng ông Loan? Ông Thà cảm thấy bị tổn thương ghê gớm. Vợ ông mất đã hai chục năm. Ông chấp nhận cảnh gà trống nuôi con. Bao cô gái trẻ muốn đến với ông nhưng hai con còn nhỏ, ông không muốn các con chịu cảnh dì ghẻ con chồng nên không chịu đi bước nữa. Bây giờ hai con ông đều đã trưởng thành, ông muốn có người bầu bạn thì có gì là xấu? Ông không quan tâm đến lời gièm pha của những người nhiều chuyện như ông Loan. Nhưng ông buồn, ông đau vì những lời oán giận chỉ trích của con gái ông. Nó không muốn ông đi bước nữa vì sợ mất nhà ư? Hồng là đứa con gái hiếu thảo, là người có học, có vị trí xã hội đàng hoàng, lẽ nào nó lại suy nghĩ hẹp hòi ích kỷ như thế?

***

Suốt đêm trằn trọc không chợp mắt, ông Thà đổ bệnh nằm liệt giường hai ngày liền. Sáng ngày thứ ba, Hồng đến thăm, thấy ba sốt cao, sợ quá, bèn đưa đi bệnh viện. Bác sĩ bảo ông bị sốt siêu vi, nhưng huyết áp tăng do suy nghĩ căng thẳng, rồi kê đơn thuốc để điều trị tại nhà.

Hồng muốn đưa ba về nhà mình để chăm sóc, nhưng ông Thà không chịu. Ông bảo, nhà tôi tôi ở. Tôi tự lo được việc ăn uống sinh hoạt. Cô cũng không cần phải đến chăm sóc nữa!

Hồng rơm rớm nước mắt, gọi tắc xi đưa ba về nhà. Dọc đường, Hồng gọi điện thoại báo cho cô Đào biết ông Thà đang bệnh.

Ngay buổi trưa hôm ấy, cô Đào hốt hoảng chạy đến nhà ông Thà. Hồng ngỏ lời xin lỗi cô Đào. Rằng em cũng không định ngăn cản mối quan hệ giữa hai người, nhưng chỉ vì em bức xúc khi nghe những lời đàm tiếu của thiên hạ. Chị tha lỗi cho em!

Cô Đào bảo:

- Tôi thương ông ấy vì ông ấy là người sống chân thật đàng hoàng chứ đâu phải vì tiền bạc nhà cửa. Em hiểu được cho tôi là tốt lắm rồi! Tôi biết em cũng bận công việc, con cái. Nếu tin tôi, em cứ về lo việc nhà, để tôi chăm sóc ba em. Tôi chỉ có một con trai đang học trên thành phố, ở nhà một mình cũng rảnh rỗi.

Hồng cảm động rớm nước mắt chào cô Đào ra về.

Sau một tuần được cô Đào chăm sóc, ông Thà đã khỏe mạnh trở lại, huyết áp cũng bình thường. Hồng thường xuyên qua thăm ba, thấy hai người vui vẻ ríu rít bên nhau, Hồng chợt nhận ra rằng mình quá ích kỷ. Bao năm nay ba đã sống cảnh gà trống nuôi con. Bây giờ hai chị em đều  khôn lớn trưởng thành, đều có gia đình riêng êm ấm hạnh phúc. Lẽ nào mình lại không nghĩ đến hạnh phúc của ba?

Nước mắt chảy trên gò má, bất chợt Hồng buông tiếng thở dài. Hai chục năm nay ba đã hy sinh tất cả vì hạnh phúc các con. Bây giờ ba phải tìm hạnh phúc cho mình… Hồng tự nhủ thầm, ngày mai sẽ nói với ba rằng, ba hãy mau đón cô Đào về sống chung một nhà.

Truyện ngắn của TRẦN QUANG VINH

.
.
.