Tinh gọn để hoạt động hiệu quả
Chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy nhà nước đã và đang trở thành hiện thực, không còn là chuyện của tương lai nữa. Chủ trương này đã được thống nhất cao từ Trung ương Đảng tới Quốc hội, Chính phủ, các địa phương và đang được gấp rút triển khai thực hiện.
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Tuy nhiên, tinh giản, tinh gọn bộ máy luôn là vấn đề khó, vì đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân và tổ chức, đòi hỏi phải thực hiện trên tinh thần quyết liệt, công tâm.
Trên thực tế, nhiều cơ quan nhà nước vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm việc chưa hiệu quả, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Hàng ngày, họ vẫn “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức này coi cơ quan nhà nước là “vùng trú an toàn”, có công việc ổn định, làm việc làng nhàng nhưng vẫn nhận lương (và thưởng) đều đặn, coi như vào được biên chế nhà nước là “chắc chân”. Dù không làm được việc, họ vẫn không bị tinh giản.
Bộ phận cán bộ, công chức, viên chức này khiến cho những người làm được việc và làm việc nghiêm túc bị ức chế, dẫn đến tâm lý so bì, giảm nhiệt huyết cống hiến. Hậu quả là hiệu quả công việc thấp, trì trệ.
Hiện nay, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, chồng chéo. Hàng năm, ngân sách chi khoảng gần 70% để trả lương cho cán bộ, công chức; chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động, không còn nguồn để chi cho đầu tư phát triển. Điều này cũng khiến khó có thể tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ sẽ chiếm đến 80 - 90% chi ngân sách. Cái vòng luẩn quẩn nằm ở chỗ này: bộ máy cồng kềnh, lương và thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thấp, dẫn đến nhiều người có tư tưởng không cống hiến hết mình cho công việc dẫn đến hiệu quả công việc thấp, đất nước bị kìm hãm phát triển.
Đã đến lúc phải quyết liệt, mạnh mẽ trong thực thi tinh giản, tinh gọn bộ máy vì sự phát triển chung. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải uống thuốc đắng, phải chịu đau để phẫu thuật khối u".
Nhưng, tinh giản bộ máy không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả. Từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp, không để cơ quan nhà nước là "vùng trú an toàn" cho cán bộ yếu kém.
Bộ máy nhà nước cũng giống như một doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp trả tiền thuê nhân viên nên toàn quyền lựa chọn những người tốt nhất và đòi hỏi họ phải làm việc hết mình, không có chỗ cho nhân viên mang tư tưởng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Ngược lại, nhân viên được trả công tương xứng, càng đóng góp nhiều cho doanh nghiệp thì thu nhập càng cao.
Cơ quan nhà nước cũng vậy. Người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải đứng ở vị trí chủ doanh nghiệp để lựa chọn nhân sự. Thủ trưởng cơ quan phải thực sự chí công vô tư, dũng cảm, quyết liệt, lựa chọn những người, những khâu yếu kém, không cần thiết để tinh giản, chỉ giữ lại người có tài, có tâm, có tầm, gắn bó, trách nhiệm với công việc, hết lòng cống hiến cho dân, cho nước, không để chuyện nể nang, thương người này, ghét người kia ảnh hưởng tới việc tinh giản và chất lượng đội ngũ.
Mục đích cuối cùng của việc tinh giản, tinh gọn bộ máy là tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cơ quan nhà nước. Một người làm việc bằng 2, bằng 3 người thì hiệu quả công việc sẽ tăng lên. Bộ máy tinh gọn, nhà nước sẽ có nguồn lực để cải thiện, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Ngược lại, cán bộ, công chức, viên chức càng có động lực và yên tâm gắn bó, cống hiến lâu dài cho đất nước, lợi đủ đường.
NGUYỄN ĐỨC