Núi rác từ thương mại điện tử
Thời buổi công nghệ, hoạt động thương mại điện tử lên ngôi. Hình thức mua sắm online (trực tuyến) ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Từ món đồ giá chỉ vài ngàn đồng đến những món có giá hàng chục triệu đồng, người ta cũng đặt mua qua mạng. Không những thế, bà nội trợ cũng “đi chợ online” hay bất kỳ ai cũng có thể mua ly nước, hộp cơm qua mạng.
Có thể nhận thấy, từ khi dịch COVID-19 bùng phát (năm 2020), hoạt động đi lại bị kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh chính là thời điểm hoạt động mua sắm online phát triển mạnh mẽ. Đến nay, dù dịch bệnh đã lùi xa, nhưng vì sự tiện lợi của nó hay cũng có thể vì thói quen khó bỏ mà hoạt động mua sắm online ngày càng phát triển.
Những tiện ích do kênh mua sắm này mang lại cho người tiêu dùng là rất lớn, nhưng hệ lụy để lại cho môi trường cũng không nhỏ là những “núi rác” thải nhựa khổng lồ dùng để gói hàng. Do yêu cầu bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển, các đơn hàng online thường được đóng gói kỹ, nhiều lớp bằng những vật liệu như xốp, nylon, nhựa… để chống hư hỏng hàng hóa.
Theo một báo cáo tại diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công thương năm 2024 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững”, do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp tổ chức ngày 21/11, năm 2023, thương mại điện tử ở Việt Nam đã sử dụng 332 ngàn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 ngàn tấn. Tại Hàn Quốc, hoạt động mua sắm trực tuyến tạo ra lượng rác thải bao bì gấp 4,8 lần so với mua sắm truyền thống. Hoạt động này ở Mỹ tốn lượng giấy carton nhiều gấp 7 lần so với việc mua hàng truyền thống. Tại Trung Quốc, năm 2020, đã có hơn 70 tỷ kiện hàng, sử dụng 11 triệu tấn bao bì carton và nhựa, trong đó gần 2 triệu tấn chất thải nhựa.
Như vậy, rác thải nhựa trong hoạt động thương mại điện tử là vấn đề chung nhiều quốc gia đang gặp phải chứ không riêng gì Việt Nam. Điều đáng lo ngại, những loại rác thải này thường khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài. Phần lớn chúng được bỏ chung với rác thải thông thường chứ không được phân loại tại nguồn để tái chế. Khi chôn lấp, các loại rác thải này sẽ phân hủy thành vi nhựa, xâm nhập vào nguồn nước và đất, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Với việc mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, xu hướng mua sắm online được dự báo sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa. Điều này đồng nghĩa với thách thức và áp lực đối với hệ thống xử lý rác thải từ kênh mua sắm này sẽ ngày càng nặng nề.
Do đó, để giảm rác thải nhựa từ hoạt động thương mại điện tử phải bắt đầu từ các nhà cung cấp, các trang bán hàng trực tuyến, nhà vận chuyển thông qua việc sử dụng vật liệu sinh học, thân thiện môi trường, có thể tái sử dụng và dễ phân hủy. Việc này sẽ làm gia tăng chi phí và giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa nhưng không thể không làm. Cơ quan quản lý nhà nước có thể yêu cầu các trang bán hàng, dịch vụ vận chuyển tuân thủ điều này thông qua việc ban hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với vật liệu, bao bì đóng gói.
Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ Môi trường có quy định bắt buộc thực hiện phân loại rác tại nguồn kể từ ngày 1/1/2025. Các địa phương đã trải qua thời gian thực hiện thí điểm và đã đến lúc cần thực hiện đại trà theo đúng luật định.
Chỉ khi thực hiện tổng thể các biện pháp trên một cách triệt để, chúng ta mới giải quyết được tình trạng rác thải nhựa nói chung và từ hoạt động thương mại điện tử nói riêng ảnh hưởng môi trường.
NGUYỄN ĐỨC