.

Ổ bánh mì

Cập nhật: 18:04, 27/11/2024 (GMT+7)

Thông tin 50 người nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, mệt mỏi nghi do ngộ độc sau khi ăn bánh mì thêm một lần nữa báo động về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo đó, tối 26/11, những người này đã ăn bánh mì mua tại tiệm CBBĐ ở TP.Vũng Tàu. Vài tiếng sau, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, đến khoảng 5 giờ sáng thì vào viện cấp cứu. Cơ quan chức năng đang vào cuộc kiểm tra, làm rõ nguyên nhân.

Trên thực tế, từ trước đến nay, nhiều vụ ngộ độc liên quan đến bánh mì với số lượng bệnh nhân lên đến hàng trăm người đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Gần đây nhất là vụ việc gần 500 người ngộ độc bánh mì ở TP. Long Khánh, Đồng Nai. Trong số này có hai bệnh nhi phải lọc máu.

Đáng chú ý, sự việc bánh mì Phượng ở Hội An là điển hình cho một vụ ngộ độc quy mô lớn với 313 người vào tháng 9/2023. Thịt heo xá xíu và rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo được xác định là nguyên nhân gây ngộ độc do vi khuẩn Salmonella.

Hầu hết các cuộc kiểm tra ban đầu từ các vụ ngộ độc bánh mì cho thấy, nguyên liệu chế biến bánh mì như pate, chả lụa, thịt nguội, rau thơm… đều được chủ cửa hàng mua từ mối quen ở chợ, một số do tự làm. Xét về quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm thì nhiều tiệm bánh mì đều chưa đáp ứng được yêu cầu. Thậm chí, những cơ sở này không lưu mẫu thực phẩm nên rất khó kiểm nghiệm khi sự cố xảy ra.

Bánh mì Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách 50 món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Danh sách do chuyên trang TasteAtlas - chuyên trang được mệnh danh là "bản đồ ẩm thực thế giới" - bình chọn. Tùy theo mỗi vùng, miền, địa phương, bánh mì Việt Nam sẽ có nguyên liệu và cách chế biến khác nhau. TasteAtlas cho biết bánh mì Việt Nam thuở ban đầu chỉ được kẹp với thịt và một số gia vị, không có rau. Tuy nhiên ngày nay, với khả năng biến tấu vô hạn, bánh mì Việt Nam còn được kẹp với thịt nguội, bơ Pháp, sốt mayonnaise tươi, pate, dưa leo, rau ngò, dưa chua, dầu hào, tỏi...

Với nhiều người dân, bánh mì là món ăn phổ biến, có thể ăn “cả ngày” không ngán. Không chỉ dễ ăn, ngon, bánh mì còn rẻ, khá tiện lợi, có thể bắt gặp trên mọi con phố và trong các hẻm nhỏ, từ xe bán bánh mì cho đến cửa hàng lớn. Tùy theo thương hiệu, nguyên liệu chế biến, giá mỗi chiếc bánh mì dao động từ 15-50 ngàn đồng.  

Có thể nói thức ăn đường phố như bánh mì mang lại sự tiện dụng, phù hợp với túi tiền của nhiều người.

Thông thường, những tiệm bánh mì hay nhiều món ăn đường phố khác ít khi bị kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là mô hình kinh doanh nhỏ lẻ nên nhiều cửa hàng không cần đăng ký kinh doanh, không cung cấp đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đáng lo nhất là nguồn nguyên liệu.

Dù ngon, rẻ nhưng sự an toàn lại đang là vấn đề cần phải được quan tâm hiện nay. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng nên quản lý nghiêm túc chất lượng các quán ăn đường phố giống như quy trình kiểm tra ở các nhà hàng, quán ăn lớn. Bởi chỉ lơ là bất kỳ một hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nào cũng sẽ dễ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Một ổ bánh mì cũng có thể là một "ổ" nguy cơ với nhiều người.

NGÔ GIA

 

 

.
.
.