.

Nếu đóng thuế mà cuộc sống dễ thở hơn…

Cập nhật: 18:08, 03/12/2024 (GMT+7)

Nếu được đóng thuế thu nhập cá nhân mà cuộc sống dễ thở hơn về tài chính, chắc chắn tôi sẽ hài lòng. Nhiều người khác cũng hài lòng. Và lúc đó, sắc thuế thu nhập cá nhân mới thực sự phát huy hết những vai trò cơ bản của nó, trong việc tăng nguồn thu ngân sách, điều tiết thu nhập có tính vĩ mô, tăng phúc lợi xã hội.

Nhưng đó đang chỉ là những mong muốn chưa thành. Vì với rất nhiều người, thuế thì vẫn phải đóng, mà cuối tháng lại tất tả xoay trở, thậm chí phải vay mượn để bù vào thu nhập thâm hụt, do nhiều chi phí phát sinh cùng lúc.

Mà tất cả những chi phí phát sinh đều là chi phí chính thức, chính đáng có tính cố định cao: tiền học của con, tiền lãi ngân hàng vay mua nhà ở, tiền mua đồng phục, tiền mua sách, mua vở cho con… Thôi thì tiền đau ốm, bệnh tật họa hoằn mới có, không tính vào cũng được. Nhưng những thứ đã liệt kê trước đó, thuế có tưởng tượng được đâu. Tốn kém lắm!

Cho nên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: tất cả những gói chi tiêu đó phải nhóm vào một chỗ để tính vào trong Luật Thuế thu nhập cá nhân, để lựa chọn mức thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh phù hợp.

Tôi thấy nó đúng quá!

Mấy bữa trước con trai tôi kể, đĩa cơm tấm ăn sáng trước trường học hồi cấp 2, trước là 20 ngàn đồng, nay con học lên cấp 3, quay lại ăn sáng cho rẻ, thì lại phải trả đĩa cơm đến 40 ngàn đồng.

Đó! Giá cả, chi tiêu nó cứ tăng vùn vụt. Tăng chóng hết cả mặt. Nhưng thuế lại phải chờ cái CPI (chỉ số giá tiêu dùng) chạm đến mức tăng 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh. Nếu CPI nó là cái giá ăn uống, học hành không thôi thì cũng đỡ. Đằng này nó là một cái rổ, đựng nhiều thứ dịch vụ hàng hóa trong đó. Đợi đến lúc cả rổ tăng tới 20% thì có khi giá đĩa cơm, tô bún đã tăng đến 100%.

Vậy nên, nếu kéo dài thời gian điều chỉnh thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh chẳng khác nào tạo khoảng cách ngày một sâu hơn giữa chính sách thuế TNCN với thực tế cuộc sống.

Tôi có một cuốn sổ ghi chép các khoản chi tiêu dành cho con của tôi hàng tháng. Chỉ với tiền ăn, tiền học thôi thì mức 4,4 triệu đồng như hiện nay để chu cấp cho một đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học chắc chắn là không thể đủ…

Đương nhiên, luật là phạm trù điều chỉnh chung, không áp dụng cho một đối tượng riêng lẻ nào cả. Cũng không thể đưa hoàn cảnh của tôi, hay hoàn cảnh của một vài gia đình khác để khái quát thành những quy phạm pháp luật được. Nhưng tôi e rằng, sự bất cập giữa chi tiêu thực tế phục vụ cho cuộc sống và thu nhập chịu thuế trong Luật thuế Thu nhập cá nhân hiện nay, đã là một vấn đề có phổ biển, được nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội thừa nhận. Và đã là hiện trạng có tính phổ biến, vậy sao phải chờ vài năm nữa mới tính đến việc sửa luật Thuế thu nhập cá nhân?

Với định hướng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đã trở thành một mệnh lệnh chính trị có sự thống nhất cao trong cả nước, thực hiện ở nhiều cấp chính quyền, thì câu chuyện về những bất cập của thuế thu nhập cá nhân và sự chậm trễ trong việc điều chỉnh, thay đổi đang trở thành một rào cản.

Sớm điều chỉnh luật để tránh gánh nặng cho nhóm thu nhập phía dưới trong biểu thuế đang là một đòi hỏi bức thiết đặt ra.

HÀ AN

 

 

.
.
.