Thưởng Tết, trách nhiệm không chỉ với doanh nghiệp
Các địa phương phải báo cáo tình hình lương, thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trước ngày 15/12. Đây là yêu cầu của Bộ LĐ-TBXH khi gửi công văn tới các địa phương trên cả nước với mục đích nắm tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trong DN năm 2024.
Đồng thời theo dõi, nắm bắt tình hình quan hệ lao động và tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN trên địa bàn. Cùng với đó, triển khai các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động, đình công có thể phát sinh trên địa bàn trước, trong và sau dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025.
Như vậy, còn hơn 10 ngày nữa, các DN thuộc tất cả các loại hình như công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; DN dân doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài phải báo cáo tình hình trả lương năm 2024, mức thưởng Tết 2025.
Có lẽ câu chuyện thưởng Tết luôn được người lao động cũng như các DN quan tâm nhất vào mỗi dịp cuối năm.
Đối với người lao động, với tâm lý trông chờ khoản tiền thưởng Tết để về quê, ngoài chi phí tàu xe còn là món quà cho người thân, gia đình. Thưởng Tết với nhiều người cũng là món tiền được trông đợi cả năm để mua sắm phương tiện đi lại, hoặc trang thiết bị gia đình. Thậm chí, đó còn là khoản chi phí để “thưởng” cho cả gia đình một chuyến du xuân đầu năm mới…
Còn đối với người sử dụng lao động, dù quy định của luật không bắt buộc nhưng thưởng Tết không chỉ là trách nhiệm xã hội mà đã trở thành văn hóa DN. Để chăm lo tốt hơn cho người lao động, nhiều DN đã đưa thưởng Tết vào thỏa ước lao động tập thể hàng năm. Một số lao động còn coi đây là chính sách thu hút, giữ chân người lao động, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường với quan niệm “10 đồng tiền công, không bằng 1 đồng tiền thưởng”. Chính vì vậy, trong quá trình sản xuất kinh doanh, ngoài nguồn chi trả lương, DN luôn dự trù, hoạch định nguồn kinh phí để thưởng Tết cho người lao động.
Thời điểm này đã có một số DN công bố thưởng Tết, một phần để giữ chân lao động cũ đồng thời cũng là một cách thu hút, tuyển dụng lao động mới trong bối cảnh nhu cầu cuối năm tăng cao.
Trên thực tế, với những công ty hoạt động trong năm chưa hiệu quả, việc thưởng Tết sẽ trở thành gánh nặng. Chính vì vậy đã có nhiều vụ tranh chấp lao động xảy ra vào dịp cuối năm liên quan đến thưởng Tết do một số DN không có khả năng thực hiện nội dung này. Cũng có không ít câu chuyện khiến bất cứ ai nghe cũng không khỏi ngậm ngùi khi nhiều DN thưởng Tết bằng chính sản phẩm của công ty.
Chính vì vậy, việc DN sắp xếp, chuẩn bị nguồn kinh phí thưởng Tết cũng một là cách động viên, giúp người lao động yên tâm làm việc, cống hiến cho DN, xây dựng tình cảm gắn kết, hài hòa lợi ích đôi bên.
Tuy nhiên, nếu vì lý do làm ăn không thuận lợi, hoạt động không hiệu quả, thua lỗ dẫn tới không có nguồn thưởng Tết nhưng vẫn bảo đảm công việc, tiền lương thì cũng cần có sự thấu hiểu, sẻ chia với DN từ phía người lao động.
LAM GIANG