Quyết tâm làm lại cuộc đời
“Sau khi chấp hành xong án phạt tù, tôi nhận ra mình thật sự đã sai lầm khi để uổng phí biết bao thời gian; làm mất đi một phần thời trai trẻ, tạo gánh nặng cho gia đình xã hội. Giờ đây, khi được tự do trở về làm người bình thường, tôi quyết tâm làm lại từ đầu, chí thú làm ăn, xa lánh tệ nạn xã hội”, anh H. (huyện Xuyên Mộc) bắt đầu câu chuyện như vậy với chúng tôi khi nói về việc được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, có cơ hội làm lại cuộc đời.
Anh H. kể, thời điểm sắp được tự do, trở về với gia đình, anh rất hoang mang, lo lắng với hàng loạt câu hỏi cứ quay cuồng trong đầu: về sẽ làm gì, nguồn vốn đâu để làm ăn... Thế rồi rất may, cuối năm 2023, anh được Ngân hàng chính sách huyện Xuyên Mộc xem xét cho vay 80 triệu đồng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Có chút vốn liếng, anh mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi. Nhờ học tốt kỹ thuật chăm sóc nên đàn dê phát triển, anh có thêm thu nhập và trả nợ ngân hàng đúng hẹn.
Anh H. là một trong số 84 trường hợp trên địa bàn tỉnh đã được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho người chấp hành xong án phạt tù, với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng. Trong đó, huyện Xuyên Mộc là địa phương có số cho vay nhiều nhất với 24 người, tổng dư nợ đến thời điểm này là 2,3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này, người thì đầu tư chăn nuôi dê, người buôn bán hàng may mặc, người dùng để làm vườn…
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội chia sẻ, Quyết định 22 là chính sách hỗ trợ đầu tiên và cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để học nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo lập cuộc sống. Đồng thời, khuyến khích các DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 100 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Tuy nhiên, nhiều người chấp hành xong án phạt tù còn mặc cảm, ngại tiếp xúc với mọi người nên chưa mạnh dạn để người đại diện gia đình đứng tên vay vốn cho học nghề, sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, các thành viên trong gia đình có tâm lý e ngại khi phải đại diện đứng ra vay vốn cho thành viên là người chấp hành xong án phạt tù.
Chính vì thế, để giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, ngay khi Quyết định 22 ban hành (có hiệu lực từ 10/10/2023), các phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương nhanh chóng phối hợp với đơn vị liên quan rà soát các trường hợp bảo đảm đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn. Đến thời điểm này, đã có nhiều người vay vốn trả nợ một phần. Đáng chú ý, không có trường hợp nào có dấu hiệu khả năng bị thất thoát vốn vay, không trả nợ được.
Gói tín dụng này mới triển khai được hơn 1 năm, vẫn còn quá sớm để đánh giá về hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất của người vay. Tuy nhiên, thời gian qua, những khách hàng vay vốn đều đảm bảo về thời gian trả lãi và có khoản tiết kiệm hàng tháng là một tín hiệu khả quan cho thấy trách nhiệm của người vay đối với khoản vay. Điều này cũng phần nào chứng minh, họ đang có quyết tâm làm lại cuộc đời!
THÀNH VINH