Sao ngại sinh con?
Khi Trang, nhân viên làm việc tại một ngân hàng bày tỏ sẽ không sinh thêm con đã dẫn đến một trận tranh cãi khá căng thẳng cả hai bên gia đình nội ngoại. Mặc dù điều này đã có sự thống nhất của cả hai vợ chồng, tuy nhiên ba mẹ chồng và thậm chí, cả ba mẹ ruột của Trang cũng phản đối kịch liệt. Theo ba mẹ, việc sinh một con sẽ khiến đứa trẻ lớn lên trong sự cô đơn. Cùng với đó, khi ông bà, cha mẹ già đi sẽ khiến cho gánh nặng về việc chăm sóc, phụng dưỡng lên một đứa trẻ. Còn nếu sinh hai, ba đứa thì mỗi khi gặp chuyện, có anh chị em sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống. Ngược lại, lý lẽ vợ chồng Trang đưa ra là hiện nay áp lực công việc khá lớn, nguồn thu nhập giảm trong khi chi phí nuôi một đứa trẻ rất cao. Do đó, hai vợ chồng sẽ dồn nguồn lực để chăm lo, nuôi dưỡng một đứa con tốt nhất có thể.
Câu chuyện của vợ chồng Trang có lẽ cũng đang là tình trạng chung của nhiều cặp vợ chồng hiện nay. Những gia đình theo công thức 4-2-1 đang ngày càng phổ biến bởi nhiều gia đình trẻ ngại sinh thêm đứa thứ hai.
Thống kê cho thấy, năm 2023 mức sinh ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, nhưng vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm, 112 bé trai/100 bé gái. Tốc độ già hóa dân số nhanh và sẽ sớm bước qua thời kỳ dân số vàng. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có dân số già vào năm 2036 và là xã hội siêu già vào năm 2049.
Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung chủ yếu ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế xã hội phát triển. Theo vùng, có 2/6 vùng là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức thay thế. Theo các tỉnh, thành phố, có tới 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp và hầu hết là các tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương đang nằm trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của Việt Nam, với tổng tỷ suất sinh của tỉnh năm 2023 là 1,61 con/phụ nữ.
Duy trì mức sinh thay thế chưa bền vững, tỷ số giới tính vẫn ở mức cao, tốc độ già hóa nhanh, đây là thách thức, khó khăn mà công tác dân số đang gặp phải được Bộ Y tế thông tin tại lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2024 với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, diễn ra ngày 10/12 vừa qua.
Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp đến quy mô, cơ cấu dân số. Đặc biệt, già hóa dân số là mối lo ngại về nguy cơ sẽ thiếu hụt lao động, tăng chi phí phúc lợi xã hội. Và Việt Nam cần bắt đầu chuẩn bị cho những thay đổi dân số này ngay từ bây giờ với chính sách mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ trong công tác truyền thông mà bao gồm cả về an sinh xã hội như y tế, giáo dục, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhằm duy trì mức sinh thay thế.
LAM GIANG