Chia rác thành mấy loại?
Dù được hướng dẫn khá chi tiết về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nhưng buổi sinh hoạt ở khu phố vẫn gây nhiều băn khoăn, tranh cãi. Đó là rác sau khi phân loại sẽ được xử lý như thế nào, vận chuyển đi đâu, tái chế ra sao hay lại đưa về tập trung một chỗ ở khu xử lý rác thải?
Việc phân loại này được thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể, từ ngày 1/1/2025, các địa phương sẽ phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Những bước đi đầu tiên, bắt đầu từ khu dân cư đang được hướng dẫn thực thi, đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức và bắt tay vào hành động ngay từ mỗi người dân, hộ gia đình.
Theo hướng dẫn từ trưởng khu phố, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được chia làm ba loại. Loại thứ nhất là chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy thải, hộp, túi, lọ, ly bằng giấy, sách, bìa carton; nhựa thải; kim loại thải; các loại thủy tinh thải, vải đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện tử…
Loại thứ hai là chất thải thực phẩm gồm thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn. Chất thải này cần đựng trong túi, bao bì kín, không rò rỉ, ngăn mùi phát tán.
Loại thứ ba là nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác như chất thải nguy hại; kim tiêm, khẩu trang, bông băng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh, bóng đèn huỳnh quang thải; thủy tinh hoạt tính thải; nhiệt kế chứa thủy ngân thải.
Các chất thải này sau khi được phân loại phải được chứa đựng trong các bao bì theo quy định và được lưu giữ trong các khu vực phù hợp trước khi chuyển giao.
Khu phố nơi tôi ở ngoài các hộ dân nhà ở mặt đất còn bao gồm nhiều tòa chung cư, nơi có hàng trăm căn hộ. Điều mà người dân thắc mắc, lo ngại không phải không có cơ sở. Đó là yêu cầu cần phải có nơi tập kết rác để cư dân bỏ đúng yêu cầu về phân loại chứ không phải chia ba rồi bỏ chung cùng một họng rác. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần được thực hiện từ hộ gia đình, trường học, cơ quan cho đến nơi thu gom, tạo thành một hệ thống đồng bộ. Sự liên kết chặt chẽ từ phân loại tại nguồn, thu gom, tập kết, vận chuyển đến xử lý là một thể thống nhất.
Nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng, không làm bây giờ thì bao giờ khi nguy cơ rác thải gây ô nhiễm môi trường sống đang ở mức báo động? Và dù ở giai đoạn nào, thì thay đổi nhận thức trong cách ứng xử với môi trường, bắt đầu từ phân loại rác tại nguồn đã ghi nhận thành công nhất định.
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh nhiều trường học, khu phố, phường, xã đã thực hiện phân loại rác tại nguồn, cho thấy có nhiều tín hiệu tích cực, trước tiên là thay đổi nhận thức cũng như hành vi của người dân đối với môi trường. Người dân đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn. Không chỉ hạn chế ô nhiễm ra môi trường mà rác thải được phân loại đúng cách chính là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất. Rác thải là tài nguyên chứ không phải bỏ đi như ta thường nghĩ.
Mỗi ngày Việt Nam phát sinh khoảng 70 ngàn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó đô thị hơn 38 ngàn tấn, còn lại là nông thôn. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, con số thống kê năm 2023 trung bình khoảng 1.170 tấn/ngày. Đây là những con số biết nói, cho thấy nếu không được xử lý đúng cách không chỉ gây ô nhiễm mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Vì một tương lai xanh, trong lành, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, DN và đặc biệt là ý thức của mỗi người dân có vai trò rất quan trọng. Nếu như không thực hiện một cách quyết liệt, triệt để thì rất khó đảm bảo lộ trình như Luật Bảo vệ môi trường đã đặt ra.
NGÔ GIA