Ngăn những cái đầu nóng
Chỉ trong vài ngày, tại tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra 2 vụ va chạm giao thông không gây hậu quả nhưng lại có 2 người bị bắt vì cách hành xử sau va chạm.
Vụ thứ nhất xảy ra ở TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, khi đối tượng Lê Xuân T. điều khiển xe máy có va chạm nhẹ với xe ô tô công nghệ. Hai bên không ảnh hưởng gì, nhưng sau đó T. đã dùng hung khí đập vỡ kính xe ô tô công nghệ. Vụ thứ hai xảy ra tại quận 4, TP.Hồ Chí Minh thậm chí còn nhẹ hơn giữa 2 xe máy. 2 người điều khiển và xe máy cũng không bị ảnh hưởng gì nhưng đối tượng Bùi Thanh K. vẫn lao vào đấm đá tới tấp người gây ra va quẹt - là một cô gái.
Hai vụ việc trên đều được camera ghi lại và được đăng trên mạng xã hội, khiến dư luận bức xúc. Cũng rất nhanh chóng, 2 thanh niên có lối hành xử côn đồ này đã bị lực lượng công an bắt giữ ngay sau đó.
Vì sao nhiều người lại có thái độ hung hãn, hành vi ứng xử thiếu văn hóa khi tham gia giao thông như vậy? Áp lực cuộc sống, mưu sinh khiến người ta vội vã, tranh thủ thời gian và dễ nảy sinh tâm lý nóng nảy. Một nỗi bực tức nào đó cũng khiến người ta ra đường trong trạng thái hậm hực. Vì vậy, một va chạm giao thông dù không gây hậu quả gì nhưng sẽ dễ trở thành cái cớ để người ta trút giận.
Nhưng phải chăng, nguyên nhân sâu xa hơn ở chính máu côn đồ của những đối tượng này? Người xưa có câu “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ” quả không sai. Chỉ vì phút hung hăng nhất thời, 2 đối tượng nêu trên đã bị bắt và sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Tại cơ quan công an, Bùi Thanh K. tỏ vẻ hỗi lỗi: “Các bạn trẻ đừng nên nóng nảy mà mất đi kiểm soát, để khi sự việc đi quá xa như tôi làm ra như ngày hôm nay, để rồi phải trả giá, đó là bài học tôi cần phải ghi nhớ”.
Khoan nói chuyện ai đúng ai sai trong các tình huống va chạm giao thông, bởi việc này sẽ có cơ quan chức năng phân xử, chúng ta hãy nói đến tình người trước đã. Hàng ngày trên cả nước xảy ra hàng chục vụ va chạm tương tự, thậm chí làm hư hỏng phương tiện, nhưng nhiều người xua tay bỏ qua, bởi với họ “xe hư thì có thể sửa, miễn là con người được an toàn”. Không ít người thở phào nhẹ nhõm sau va chạm giao thông mà không có ai bị thương. Nhiều người sẵn sàng hỗ trợ người khác khi gặp nạn trên đường mà đâu cần báo đáp. Đó không chỉ là cái tình giữa người với người mà còn là văn hóa.
Làm gì để ngăn những cái đầu nóng khi tham gia giao thông là vấn đề còn nhiều trăn trở. Có lẽ tất cả đều phải xuất phát từ việc giáo dục đạo đức, ý thức, văn hóa cho con người nói chung và trong lĩnh vực giao thông nói riêng. Việc này không thể làm một sớm một chiều mà phải bắt đầu từ khi còn là đứa trẻ. Cha mẹ, người lớn phải làm gương, “kính trên nhường dưới”, dùng lời nói, lý lẽ và tình cảm để phân xử khi xảy ra tranh chấp; chấp hành nghiêm luật lệ giao thông, đặc biệt là khi chở theo con trẻ. Thầy cô, nhà trường cùng tham giao giáo dục toàn diện để giúp học trò trở thành người có nhân cách.
Một cách tuyên truyền rất hay là lực lượng cảnh sát giao thông đến trường học giáo dục pháp luật, ý thức và văn hóa giao thông cho học sinh. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, cách làm này đã và đang phát huy hiệu quả và rất cần được nhân rộng. Thêm vào đó, sự phổ biến của hệ thống camera và mạng xã hội hiện nay cũng đã góp phần quan trọng trong việc ghi lại chứng cứ và lên án các hành vi ứng xử không đẹp trên đường. Nên nhớ, bất kỳ hành vi xấu nào cũng có thể bị ghi lại và được đưa lên mạng xã hội. Đây cũng chính là những chế tài giúp giảm bớt những cái đầu nóng trên đường phố.
NGUYỄN ĐỨC