Từ trắc nghiệm đến tự luận
Cô giáo lớp con tôi (đang học lớp 8) vừa thông báo kiểm tra học kỳ 1, tất cả các môn học sẽ được thiết kế hoàn toàn bằng hình thức câu hỏi tự luận, thay vì phần lớn câu hỏi trắc nghiệm như trước đây. Sự thay đổi này đã tạo ra không ít lo lắng cho con tôi cũng như các học sinh khác, bởi việc ôn luyện sẽ cần nhiều thời gian và công sức hơn để đạt được điểm số cao. Một số bạn còn lo ngại không qua được bài kiểm tra do khả năng viết luận còn yếu. Để đối phó với tình hình này, các con đã tự lập ra các nhóm ôn luyện nhằm trao đổi và thảo luận về các hình thức viết tự luận, cũng như cách ghi nhớ trọng tâm của kiến thức để có thể diễn đạt một cách trôi chảy trong bài thi.
Từ góc độ của phụ huynh, tôi cảm thấy mừng trước sự thay đổi này, vì nó khuyến khích các con phát triển kỹ năng tư duy và khả năng giải quyết vấn đề một cách sâu sắc hơn.
Sự chuyển đổi từ trắc nghiệm sang tự luận là một xu hướng đáng chú ý trong giáo dục hiện nay, phản ánh nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng đánh giá và phát triển toàn diện kỹ năng cho học sinh, phù hợp mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT.
Thay vì tập trung vào việc đánh giá khả năng ghi nhớ và tái hiện kiến thức thông qua các câu hỏi trắc nghiệm, đề tự luận yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức một cách linh hoạt, phân tích và trình bày ý tưởng một cách mạch lạc. Điều này không chỉ giúp học sinh hiểu sâu hơn về môn học mà còn chuẩn bị cho họ những kỹ năng cần thiết để phát triển trong tương lai.
Về phía giáo viên, đề tự luận giúp các thầy cô đánh giá được sự hiểu biết sâu rộng và khả năng áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế. Điều này không chỉ giúp họ nhận diện mức độ hiểu biết thực sự của học sinh mà còn khuyến khích sự sáng tạo và cá tính trong cách trình bày và giải quyết vấn đề. Đồng thời, việc viết bài tự luận cũng giúp học sinh rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian và lập kế hoạch học tập hiệu quả, những kỹ năng thiết yếu cho sự thành công trong học tập và công việc sau này.
Tuy vậy, việc bỏ hoàn toàn đề trắc nghiệm không phải là phương pháp đánh giá tối ưu. Bởi đề tự luận không thể bao quát kiến thức bằng đề trắc nghiệm và đòi hỏi giáo viên phải dành nhiều thời gian hơn để chấm điểm, đặc biệt khi số lượng học sinh lớn. Việc chấm điểm đề tự luận cũng có thể mang tính chủ quan, phụ thuộc vào quan điểm và kinh nghiệm của từng giáo viên, dẫn đến sự không đồng nhất trong việc đánh giá.
Để đảm bảo sự chuyển đổi này phù hợp và hiệu quả, cần cân bằng giữa đề trắc nghiệm và đề tự luận. Một đề kiểm tra hiệu quả thường kết hợp cả hai hình thức này, giúp đánh giá toàn diện cả kiến thức và kỹ năng ứng dụng của học sinh. Việc chuyển đổi không nên quá đột ngột. Các trường có thể kết hợp cả hai hình thức, theo hướng tăng dần các câu hỏi tự luận trong các kỳ kiểm tra, để học sinh và giáo viên có thời gian thích nghi, từ đó giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh. Đồng thời, nhà trường cũng cần tạo điều kiện cho học sinh được luyện tập thường xuyên với các dạng bài tự luận để họ dần quen thuộc và phát triển kỹ năng viết lách, phân tích.
NGUYỄN THI