Làm chậm quá trình già hóa dân số
Hàn Quốc đã trở thành một xã hội siêu già, khi số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 20% trong tổng dân số 51 triệu người của quốc gia này. Như vậy, sau Nhật Bản, đây là quốc gia thứ hai ở châu Á bước vào “xã hội siêu già”.
Liên Hợp quốc phân loại quốc gia có 7% dân số từ 65 tuổi trở lên là “xã hội già hóa”, hơn 14% là “xã hội già” và trên 20% là “xã hội siêu già”. Đây là hệ quả của tình trạng ngại sinh con đã diễn ra nhiều năm ở quốc gia Đông Á, dù chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích sinh con. Trong đó, năm 2023, Hàn Quốc có tỷ suất sinh là 0,72 con/phụ nữ - mức sinh thấp nhất thế giới, trong khi mức sinh thay thế trung bình phải là 2,1.
Tình trạng già hóa dân số cũng xảy ra ở nhiều quốc gia, trong đó, ở châu Âu tỷ suất sinh chỉ đạt 1,5 trong nhiều năm qua. Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung đó, khi là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc, năm 2019, số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Nguyên nhân, bên cạnh việc tăng tuổi thọ thì phần lớn là do tình trạng giảm mạnh tỷ lệ sinh.
Theo thống kê của Cục Dân số (Bộ Y tế), mức sinh ở Việt Nam đang có xu hướng giảm xuống dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ năm 2021 xuống 2,01 con năm 2022, đến năm 2023 là 1,96 con. Đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ (1,56 con/phụ nữ) và Đồng bằng sông Cửu Long (1,8 con) có mức sinh rất thấp. Riêng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có mức sinh năm 2023 là 1,61 con.
Mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp tới quy mô dân số, cơ cấu dân số, để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai, già hóa dân số nhanh, suy giảm quy mô dân số, gánh nặng an sinh xã hội và tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Để khắc phục tình trạng già hóa dân số, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp nhằm khuyến khích phụ nữ sinh con như: trợ cấp tiền mặt, hỗ trợ nuôi con, giảm thuế cho gia đình đông con, chế độ nghỉ phép cho cha mẹ. TP.Hồ Chí Minh mới đây còn quyết định hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Tuy nhiên, các giải pháp trên vẫn chỉ mang tính khuyến khích, hiệu quả vẫn còn rất hạn chế.
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do xã hội ngày càng phát triển, bình đẳng giới ngày càng cao, phụ nữ độc lập về kinh tế và ý chí phấn đấu cao trong học tập, sự nghiệp nên ngại sinh con. Bên cạnh đó, áp lực về nhà cửa, chi phí nuôi dạy con vượt quá khả năng chi trả ở các vùng đô thị cũng khiến nhiều người ngại lập gia đình, ngại sinh con.
Để tăng tỷ lệ sinh, làm chậm quá trình già hóa dân số cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc khuyến khích sinh đủ 2 con; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động, đến đầu tư cải tiến máy móc, trang thiết bị nhằm tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho lao động; xây dựng nhà trẻ, trường học; hỗ trợ nhà ở hoặc có chính sách tiếp cận vốn ưu đãi mua nhà ở cho người lao động, nhất là tại các khu vực có đông nhà máy, xí nghiệp…
NGUYỄN ĐỨC