.

Đưa đặc sản địa phương lên bàn ăn

Cập nhật: 17:23, 27/12/2024 (GMT+7)

Tranh thủ 2 ngày cuối tuần, gia đình tôi nghỉ dưỡng ngắn tại Bình Thuận. Tôi chọn Hàm Thuận Nam - nơi có núi Tà Cú xanh mát và hải đăng Kê Gà. Chuyến nghỉ ngắn 2 ngày 1 đêm chỉ đủ tái tạo chút năng lượng biển và cảm nhận sơ bộ tuyến ven biển Hàm Thuận Nam đang trong quá trình khai phá du lịch.

Thế nhưng ấn tượng đọng lại nhiều nhất trong tôi là món ăn, thức uống từ trái thanh long. Dù ở resort sang trọng hay quán bình dân, màu đỏ đặc trưng của trái thanh long đều hiện diện trên bàn ăn, là nguyên liệu trong món bánh mì, bánh bao, gỏi gà, tráng miệng, nước mát và cả rượu.

Ngạc nhiên, thích thú, tôi lần tìm trên internet rồi thu được thông tin, Hàm Thuận Nam là vùng chuyên canh cây thanh long lớn nhất tỉnh Bình Thuận và Bình Thuận đứng đầu cả nước về diện tích trồng loại cây này.

Như vậy, việc đưa thanh long vào thực đơn ăn uống là điều rất hiển nhiên bình thường nhằm tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương. Song với du khách, ấn tượng về ứng dụng đa dạng, mát lành của trái thanh long và ý thức gắn kết đầu ra cho sản phẩm địa phương trở thành ấn tượng sâu đậm. Trong chuyến đi, các thành viên trong gia đình tôi ai cũng mua vài sản phẩm từ thanh long như nước ép, rượu, bánh sấy… về làm quà tặng bạn bè.

Từ câu chuyện đưa trái thanh long vào du lịch của Bình Thuận, tôi không khỏi băn khoăn khi nghĩ về Bà Rịa-Vũng Tàu. Là địa phương có bề dày lịch sử phát triển du lịch, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn nằm trong top đầu đất nước về lượng khách đến. Nơi đây cũng nổi danh với nhiều món ngon, đặc sản gắn với làng nghề truyền thống như bánh khọt, bánh hỏi, bánh tráng…

Một số khách sạn, resort chủ yếu 3-4-5 sao cũng đưa các món ăn trên vào thực đơn món ăn bản địa phục vụ ăn sáng, buffet và được du khách đón nhận. Tuy nhiên, chưa thể tạo ấn tượng vì nhóm cơ sở lưu trú hạng 3-4-5 sao của tỉnh còn khiêm tốn, chưa vượt qua 50 trên tổng số 1.451 cơ sở lưu trú du lịch toàn tỉnh. Trong khi quy luật gây ấn tượng, lưu luyến là tần suất xuất hiện phải dày, đa dạng và có tính sáng tạo.

Xu hướng du lịch chủ đạo và tất yếu trong bối cảnh xã hội ngày càng quan tâm đến bảo vệ môi trường và thiên nhiên là tìm kiếm, trải nghiệm, trân trọng giá trị từ tài nguyên bản địa. Bà Rịa-Vũng Tàu không thiếu sản phẩm ra đời từ bàn tay, khối óc của người dân bản xứ, mang đậm dấu ấn nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, tỉnh có 153 sản phẩm của 82 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP của tỉnh sản xuất bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy chuẩn, đa dạng ứng dụng cho tiêu dùng từ ăn uống đến lưu niệm làm quà… Tỉnh cũng đang nỗ lực nhiều cách tìm hướng tiêu thụ, gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP. Du lịch với hệ thống cơ sở lưu trú và dịch vụ bổ trợ đạt con số hàng ngàn và lượng khách trên con số 15-16 triệu/năm, nếu cùng đồng lòng sẽ là kênh tiêu thụ, quảng bá hiệu quả sản phẩm đặc trưng cho địa phương.

TRẦN HIỀN
 

 

.
.
.