.

Thuốc bán trên mạng và công tác quản lý

Cập nhật: 17:13, 23/10/2024 (GMT+7)

Chú tôi gọi điện, nhờ khuyên thím đừng mua thuốc trên mạng nữa. "Chỉ có cháu nói thím mới nghe, chú và các em khuyên can mãi không được. Hôm trước trong xóm có bà Tư phải nhập viện điều trị do uống thuốc mua trên mạng bị dị ứng, khó thở đó”, chú nói.

Thím bị đau khớp, nhức mỏi vai gáy. Nghe hàng xóm chỉ trên mạng có thuốc chữa hay lắm, thế là thím lấy số điện thoại đặt mua và được giao tận nhà. May mắn là mấy con thím phát hiện, chưa cho uống. Trước đó, thím cũng đã lướt mạng và thấy quảng cáo thuốc chữa dạ dày, mua gần 2,3 triệu đồng nhưng khi uống vào bị buồn nôn nên đã ngừng lại.

Nhiều người dân cũng giống như thím tôi dễ dàng tin vào quảng cáo, thổi phồng tác dụng của một số thực phẩm chức năng trong và ngoài nước trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok… Tình trạng bán tràn lan, không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng đã gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận. Đã có nhiều trường hợp bị dị ứng, sốc phản vệ, thậm chí dẫn đến suy thận do uống thuốc không rõ nguồn gốc mua trên các trang mạng xã hội. Đặc biệt, thời gian qua có tình trạng một số người tự xưng là bác sĩ, thực hiện clip tư vấn về sức khỏe, chữa bệnh và sau đó là quảng cáo bán thuốc!

Thuốc là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, nếu không được quản lý tốt sẽ gây hậu quả rất nặng nề và khó khắc phục. Chính vì vậy, vấn đề kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến khi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sáng 22/10.

Thông tin tại buổi thảo luận về dự luật này cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 17 và 18 Điều 6 (sửa đổi); quy định loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, các phương tiện điện tử cụ thể được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 1a Điều 42 (sửa đổi); quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 4 Điều 42 (sửa đổi), bao gồm cả trách nhiệm tổ chức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Cụ thể, các cơ sở muốn kinh doanh thuốc trực tuyến phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện và đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật, cơ sở vật chất, nhân sự, địa điểm. Hoạt động mua bán thuốc trực tuyến chỉ được phép thực hiện thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định được pháp nhân chịu trách nhiệm. Đáng chú ý, thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải là thuốc không kê đơn, không bán thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻ và thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Kinh doanh thuốc không nằm ngoài xu thế của thương mại điện tử nhưng việc mua bán trực tuyến cần có hành lang pháp lý để tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Ở đó, cần đảm bảo cho người mua được hướng dẫn tư vấn sử dụng và sản phẩm thuốc phải được Bộ Y tế cấp phép. Kỳ vọng những chỉnh lý trong dự thảo luật khi được Quốc hội thông qua phải có đủ cơ sở quản lý, mục tiêu là làm sao để thuốc lưu hành đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả cho người sử dụng.

NGÔ GIA

.
.
.